Con Cưng có thể bị truy tố hành vi lừa dối khách hàng, vi phạm luật cạnh tranh

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: 'Hành vi thay đổi nhãn mác của Con Cưng có dấu hiệu lừa dối khách hàng và vi phạm Luật Cạnh tranh'.

Sự việc khách hàng tại thành phố Hồ Chí Minh mua 7 sản phẩm ở một siêu thị thuộc hệ thống Công ty cổ phần Con Cưng tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) gây ra làn sóng bất bình của người tiêu dùng.

Vị khách hàng phát hiện bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329 ngàn đồng bị lỗi và đặt câu hỏi về nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm và lỗi về nhãn mác CF (viết tắt: Con Cưng Fashion).

Luật sư Nguyễn Văn Hậu. (Ảnh: H.L)

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) phân tích, sản phẩm của Công ty cổ phần Con Cưng đã có dấu hiệu cắt xén, thay thế nhãn hiệu CF. Trước hết, nếu sản phẩm có lỗi thì không thể giải thích bằng việc nhãn mác có dấu hiệu bị cắt, thay thế.

Luật sư Hậu nói, đây còn là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh. Một sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan nhập về Việt Nam và gắn nhãn mác của Con Cưng để cạnh tranh với hàng trong nước là vi phạm Luật Cạnh tranh.

Mặc khác, theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng quy định nghiêm cấm những hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc che dấu thông tin.

“Kê khai không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ đó”, luật sư Hậu bình luận.

Đối với khách hàng đã mua sản phẩm mà Con Cưng cho là bị lỗi, có quyền khiếu nại để đổi lại sản phẩm và có quyền yêu cầu đòi bồi thường.

Theo quy định của pháp luật, Con Cưng phải bị xử phạt vi phạm hành chính về mặt thương mại có thể phạt đến 20 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 1 tháng đến 6 tháng.

Hoặc, có thể đình chỉ hoạt động của Con Cưng cho đến 6 tháng.

Tất cả những quy định xử phạt trên đã quy định rất rõ trong Nghị Định 185, ngày 15/11/2013 và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa dối khách hàng” hoặc là “Tội sản xuất và buôn bán hàng giả”.

Con Cưng là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai và các sản phẩm tã, sữa, thực phẩm, hành trang và những đồ dùng cho bé.

Con Cưng có hơn 350 cửa hàng trên toàn quốc và riêng ở thành phố Hồ Chí Minh là 105 siêu thị.

Luật sư Hậu bình luận: “Sản phẩm kém chất lượng của Con Cưng ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng. Rất tiếc, khi xảy ra sự việc, Con Cưng không trả lời thỏa đáng cho khách hàng”.

Một trong các cửa hàng của Con Cưng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: H.L)

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá, quy trình của Con Cưng lấy hàng có nguồn gốc từ Thái Lan và việc thay thế nhãn mác là không thể chấp nhận được.

Các nguyên liệu Con Cưng nhập từ đâu, ở những quốc gia nào và những nguyên liệu này có đảm bảo sức khỏe cho trẻ em hay không cũng cần phải được làm rõ?

Vừa qua, Con Cưng có tuyên bố thu hồi các sản phẩm trên thì việc thu hồi diễn ra như thế nào, những sản phẩm được thu hồi sẽ mang “chỉnh sửa” hay tiêu hủy hoặc trả về nơi xuất xứ cần phải được công bố.

Cơ quan chức năng, người tiêu dùng phải được giám sát và được biết về quy trình này.

Luật sư Hậu chia sẻ, quy định được cấp chứng nhận CO tại Thái Lan rất nghiêm ngặt. Theo quy trình, lô hàng có xuất xứ từ Thái Lan, thông qua hợp đồng mua bán và hợp đồng mua bán này có được chứng nhận CO do Bộ Thương mại Thái Lan cấp.

Theo quy định hàng hóa tại Thái Lan để được Bộ Công thương nước sở tại cấp phải đáp ứng được 40% nguyên liệu từ Thái Lan và thành viên các nước ASEAN (trong đó có thành phần của hàng hóa).

Lô hàng Con Cưng công bố là khoảng 5.000 sản phẩm lỗi nhưng chỉ thu hồi do người tiêu dùng trả lại là 47 sản phẩm.

Doanh nghiệp phải công bố công khai những sản phẩm lỗi để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trên trang mạng của Con Cưng chỉ đưa những thông tin chung chung, không có những cảnh báo cho người tiêu dùng khi đã mua nhầm những sản phẩm “lỗi” bán ra thị trường.

“Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh và công khai những sản phẩm trên có phải do cắt dán nhãn mác, “mượn đầu heo nấu cháo” hay không?, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Hưng Long

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/con-cung-co-the-bi-truy-to-hanh-vi-lua-doi-khach-hang-vi-pham-luat-canh-tranh-post188464.gd