'Con Cưng' đối diện nghi vấn nghiêm trọng hơn Khaisilk

Khaisilk chỉ có mặt hàng lụa cắt dán nhãn mác, Con Cưng bị QLTT thu làm rõ nghi vấn có dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn mác xuất xứ hàng nghìn sản phẩm của nhiều loại mặt hàng.

Nhiều mặt hàng quần áo trẻ em của Con Cưng bị tạm giữ để làm rõ. Ảnh: P.V

Nhiều mặt hàng quần áo trẻ em của Con Cưng bị tạm giữ để làm rõ. Ảnh: P.V

Sản phẩm Khaisilk chủ yếu cho người lớn, còn sản phẩm bán ra từ chuỗi siêu thị Con Cưng lại liên quan trẻ em, sức đề kháng không như người lớn. Nên có quá nhiều câu hỏi cần Con Cưng minh bạch.

Tạm giữ hơn 5.000 sản phẩm nghi vấn

Đến chiều hôm qua (24.7), QLTT TPHCM vẫn tiếp tục kiểm tra các điểm kinh doanh của Cty CP Con Cưng (Con Cưng) ở quận 9... Trước đó, báo cáo nhanh với Cục QLTT (Bộ Công Thương) kết quả kiểm tra chỉ mới 3 điểm kinh doanh của Con Cưng, đã tạm thu giữ hơn 5.000 sản phẩm với giá trị gần 500 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, QLTT, tại cơ sở kinh doanh ở địa chỉ số 833-835 Hồng Bàng (quận 6), lực lượng chức năng tạm giữ 224 sản phẩm quần áo trẻ em (trị giá hơn 48 triệu đồng) các loại hiệu CF, Laluna, Lebe’, Starter’s trên nhãn ghi xuất xứ nhưng nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm; 888 sản phẩm quần áo trẻ em các loại trị giá hơn 88 triệu đồng hiệu CF, concung.com kèm nhãn giấy/bao bì ghi địa chỉ không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa. Trong đó, một phần hàng hóa trên sản phẩm không có thông tin về hàng hóa.

Tạm giữ 130 sản phẩm (trị giá hơn 12 triệu đồng) phấn, sữa tắm - gội, sữa dưỡng da, nước hoa,… hiệu Jonhson’s và Jonhson’s baby do Thái Lan, Philippines, Malaysia sản xuất, có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định.

Tại điểm kinh doanh địa chỉ số 424 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) thu giữ 1.488 đơn vị sản phẩm là áo, quần, đồ bộ, đầm các loại; 114 cái cài tóc, 85 mắt kính; 294 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, 62 đơn vị sản phẩm là đồ chơi trẻ em các loại, 1 mắt kính, 92 đơn vị sản phẩm là quần áo, đồ bộ, yếm, đầm các loại, với giá trị là 294.439.000 đồng. Toàn bộ hàng hóa tạm giữ chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ.

Tại điểm kinh doanh 78 Tôn Thất Tùng (quận 1) thu giữ hơn 1.800 đơn vị sản phẩm quần áo, kính mát, đồ chơi, đồ dùng cho mẹ và bé các loại do Việt Nam và nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ và không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, không ghi năm sản xuất, dán che một phần nhãn gốc. Chưa hết, theo QLTT TPHCM, tại cửa hàng này không gắn tên địa điểm kinh doanh tại cơ sở kinh doanh; chưa xuất trình được xác nhận của Sở Công Thương TPHCM đã nhận được thông báo chương trình khuyến mãi của Cty CP Con Cưng đối với các khuyến mãi (về quần áo trẻ em) đang thực hiện tại địa điểm kinh doanh.

Còn nhiều câu hỏi lớn

Trên web chính thức của mình, Con Cưng vừa đăng tải thông cáo báo chí cùng lời xin lỗi khách hàng. Tuy nhiên, Con Cưng chỉ nhận sai sót trong quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào liên quan đến quần áo mã CF G127011, còn lỗi “gốc” từ nhà sản xuất bên Thái Lan: “Con Cưng nhận lỗi với khách về sơ suất xảy ra trong quá trình kiểm tra quy cách của sản phẩm nhập khẩu này!”.

Tuy vậy, phát hiện của chúng tôi, tem nhãn may trên mặt hàng này ghi “Made in Thái Lan” nhưng lại không có mã vạch sản phẩm. Trong khi đó, tem nhãn do Con Cưng đính kèm rời bên ngoài, cũng ghi “Made in Thái Lan” lại có mã vạch và kỳ lạ mã vạch này thể hiện xuất xứ ở… Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, khả năng đây là mã sản phẩm để Cty quét máy kiểm soát lượng hoặc loại hàng bán ra. Nhưng chính việc tem nhãn may trực tiếp trên sản phẩm, ghi sản xuất tại Thái Lan mà không có mã vạch nước sản xuất, dễ tạo khe hở khác.

Tiếp tục dịch thuật chứng từ do Con Cưng cung cấp liên quan mã sản phẩm CF G127011, chúng tôi nhận thấy, số liệu hàng hóa nhập khẩu, thông quan… đều thể hiện như Con Cưng là 100% nhập từ Thái Lan. Tại thư xác nhận của Cty International Incorporated (Thái Lan) về đơn đặt hàng theo thương hiệu CF Con Cưng, nhà cung cấp khẳng định mã hợp đồng số PO2017OEM49, hàng hóa là quần áo trẻ em thành phẩm (trích nguyên văn tiếng Anh: Commodity: Baby cloths; 9.936 pcs).

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh thì QLTT TPHCM tạm giữ tại địa chỉ số 833-835 Hồng Bàng (quận 6) hàng trăm mặt hàng quần áo trẻ em hiệu CF, concung.com có ghi xuất xứ “Made in Vietnam”.

Như vậy không chỉ thuê Cty của Thái Lan mà Con Cưng sản xuất bằng hình thức nào đó tại Việt Nam cũng mặt hàng quần áo trẻ em mang thương hiệu CF của mình? Vậy tại sao trên web giới thiệu quảng bá, Con Cưng không thể hiện mình sản xuất mà lại chỉ nêu “Con Cưng còn hợp tác với nhiều nhà máy hàng đầu tại Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan để nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm tốt nhất dành cho trẻ em Việt Nam”.

Để làm rõ nhưng uẩn khúc này, chúng tôi đã liên lạc bằng rất nhiều hình thức kể cả gửi mail tới bà Nguyễn Hồng Liễu - Trưởng bộ phận Pháp lý Con Cưng. Tuy nhiên, bà Liễu chưa hồi đáp, dù thông cáo báo chí nêu “có các thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ…”.

Hơn ai hết, để chứng minh mình “sạch” với cơ quan chức năng và đặc biệt với hàng nghìn, vạn bà mẹ, trẻ em là khách hàng nhiều năm qua, Con Cưng cần công khai minh bạch hơn nữa!

NGÔ NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/con-cung-doi-dien-nghi-van-nghiem-trong-hon-khaisilk-620845.ldo