Côn Đảo - 'Bảo tàng' niềm tin yêu Đảng

Đã sử dụng vô vàn thủ đoạn tàn độc, thế nhưng, địch cuối cùng phải thốt lên trong tuyệt vọng: “Bạo lực không thể thắng nổi trái tim người cộng sản”. Đó là những gì đã từng xảy ra ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo từ thế kỷ trước. Côn Đảo đã trở thành một biểu tượng, một bảo tàng vượt thời gian về tinh thần yêu nước và niềm tin bất diệt vào Đảng, vào lý tưởng. Côn Đảo đã trở thành một trong những mốc son chói lọi trong suốt chiều dài lịch sử 90 năm của Đảng ta.

Du khách tham quan chuồng Cọp (Di tích Nhà tù Côn Đảo).

Thà chết chứ không ly khai

Cuộc đấu tranh chống ly khai, bảo vệ khí tiết của các tù nhân chính trị thời Mỹ ngụy là cuộc đấu tranh cam go, ác liệt nhất và cũng thể hiện đầy đủ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Phong trào đấu tranh chống ly khai, giữ vững khí tiết cách mạng kéo dài cho đến ngày Côn Đảo được giải phóng, nhưng ác liệt nhất là vào giai đoạn 1957 -1961.

Từ năm 1957, với âm mưu “tố cộng, diệt cộng”, Mỹ ngụy thanh lọc những tù chính trị được coi là nguy hiểm từ các nhà lao trên toàn miền Nam và đày ra Côn Đảo. Chúng chia tù nhân chính trị thành 2 khu vực: Lao I (Lao cộng sản) và Lao II (Lao quốc gia). Âm mưu của địch là tạo nên sự chia rẽ và phân hóa các chiến sĩ cách mạng thành 2 chiến tuyến. Trong đó, Lao I là của những người kiên quyết chống ly khai, Lao II là dành cho những người vì không chịu nổi khủng bố, cực hình tạm thời chấp nhận ly khai. Từ đó, chúng áp dụng các hình thức đàn áp khác nhau.

Tại Lao I, bọn địch biến đây thành một địa ngục trần gian đúng nghĩa, với đủ các hình thức tra tấn khủng khiếp nhất trong thế giới lao tù. Chúng buộc các tù nhân phải lựa chọn 2 con đường, hoặc ly khai, hoặc bị hành hạ cho đến chết. Nhưng trong hoàn cảnh cùng cực đó, thông qua tổ chức lãnh đạo đấu tranh ở từng khám và chi bộ Đảng (gọi tắt là C) do đồng chí Hoàng Duy Khương thành lập, anh chị em tù nhân đã đùm bọc, thương yêu, tăng cường sinh hoạt chính trị, củng cố lập trường tư tưởng và đấu tranh gìn giữ khí tiết cách mạng.

Từ đó cho đến năm 1961, địch liên tục áp dụng các hình thức đàn áp, tra tấn dã man cùng với các thủ đoạn chiêu hồi đối với tù nhân ở Lao I, hòng bóp chết mầm sống cách mạng. Đặc biệt, đầu tháng 4/1960, bọn cai ngục áp dụng chương trình khủng bố trắng tàn bạo nhằm xóa sổ Lao I. Trong 3 ngày, chúng áp dụng những đợt khủng bố man rợ nhất chưa từng có. Hơn 1.200 tù chính trị ở Lao I và tù chống học tập tố cộng ở Lao II bị đày đọa dưới trời nắng gắt, mưa lạnh, vừa bị tra khảo vừa bị đánh đập. Sau đợt khủng bố trắng, Lao I chỉ còn 59 đồng chí bám trụ kiên cường chống ly khai và bị giam vào chuồng cọp. Đến tháng 3/1961, cuộc đấu tranh chống ly khai bước vào giai đoạn kịch liệt nhất với 17 đồng chí còn lại ở Lao I.

Trước ý chí sắt đá của các chiến sĩ cách mạng, địch điên cuồng tìm cách xóa sổ. Ngày 27/3/1961, địch bắt 17 người viết cam kết xác định lập trường, không ly khai hàng ngũ cộng sản. Thực chất, bản cam kết xác định lập trường là cơ sở để chúng thanh toán các chiến sĩ cộng sản dựa vào luật 10/1959. Và cả 17 đồng chí đều hạ quyết tâm, đặt bút viết bản cam kết xác định lập trường. Đó là 17 lời tuyên bố đanh thép, không kẻ thù nào có thể khuất phục được những chiến sĩ cộng sản.

Ngay trong đêm 27/3, địch hèn hạ thực hiện cuộc thảm sát, giết chết 6 đồng chí: Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Chung, Ngô Đến, Hoàng Chất, Nguyễn Công Tộc, Nguyễn Văn Mười. Trong những đợt truy bức tiếp theo, các đồng chí Nguyễn Văn Định, Trần Trung Tín lần lượt ngã xuống. Người hy sinh cuối cùng là đồng chí Lưu Chí Hiếu. Tấm gương hy sinh của các chiến sĩ cách mạng đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Phó tỉnh trưởng Côn Sơn, đại diện cho chế độ bạo tàn đã phải thốt lên: “Đến hôm nay chúng tôi mới thấy rõ bạo lực không thể thắng nổi trái tim người cộng sản, chúng tôi hứa sẽ trả lại sinh hoạt bình thường cho các anh”. Cuộc đấu tranh chống ly khai ở Lao I thắng lợi với 5 đồng chí còn lại, gồm: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Lê Văn Một, Nguyễn Minh.

Noi gương Lao I, các chiến sĩ ở Lao II đã vùng lên đấu tranh trả thù cho đồng chí, đồng đội. Thế là từ “mảnh đất quốc gia” mà giặc đặt tên, Lao II sục sôi khí tiết cách mạng, trở thành lò lửa đấu tranh nóng bỏng buộc địch phải ngày đêm đối phó.

Thắp sáng niềm tin

Thi thoảng, người cựu tù 76 tuổi Nguyễn Xuân Viên (khu dân cư số 7, Côn Đảo) lại vào thăm trại tù nơi mà kẻ thù từng giam giữ và tra tấn ông với vô vàn thủ đoạn tàn độc (ông Viên bị giam ở nhà tù Côn Đảo từ năm 1968 -1975). Lần nào đến, ông đều không ngăn được nước mắt. “Khóc cho một thời khổ đau cùng cực, chết còn sướng hơn sống, phần vì khóc thương cho những đồng chí, những bạn tù của mình đã hy sinh” - ông nói - “Bây giờ nghĩ lại, cũng không hiểu sao mình đủ sức lực để vượt qua. Ngày lại ngày, hết lựu đạn hơi cay, đến phi tiễn, tắm vôi, tắm nắng. Đói không ăn, khát không được uống. Đi không nổi phải bò, phải lết. Bọn cai ngục muốn gì? Chúng chỉ muốn những người tù chào cờ địch, nói xấu, bôi nhọ lãnh tụ, ly khai cách mạng, ly khai Đảng. Nhưng những đòn thù dã man, tàn độc đó không đánh gục được ý chí của chúng tôi”.

Ông Nguyễn Xuân Viên dù không ở trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc đấu tranh chống ly khai trong ngục tù Côn Đảo, nhưng những thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù để ép buộc ông và các đồng đội khuất phục là một phần ký ức không thể xóa nhòa. “Kẻ thù có thể giết chết một người tù cộng sản, nhưng không thể giết chết niềm tin lý tưởng” - cái vỗ vai nhẹ nhàng, thân mật và câu nói trước lúc chia tay của người cựu tù 76 tuổi sau cuộc trò chuyện với chúng tôi như một lời nhắn gửi. Hay đúng hơn, đó như một triết lý luôn đúng trong bất cứ hoàn cảnh nào của đất nước.

Nhóm PV THỜI SỰ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202002/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-32-1930-2020-con-dao-bao-tang-niem-tin-yeu-dang-891064/