Côn Đảo: Miền đất mùa xuân

Xuân gọi tên ký ức anh hùng, ký ức thiêng liêng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Côn Đảo vẫn sừng sững, hiên ngang như đất và người. Từng tảng đá tại Cầu Tàu lịch sử, từng khe nứt trên vách Chuồng Cọp Côn Đảo hay mỗi tấm bia mộ tại nghĩa trang Hàng Dương,… mãi mãi ghi dấu chứng nhân lịch sử của một thời đấu tranh kiên cường, bi tráng, xúc động lòng người.

Mùa xuân bất tử

Không thể tin, một quần đảo với 16 đảo lớn nhỏ, diện tích chưa đầy 80km2 lại từng trải qua hơn một trăm năm “giam cầm”; mang trong mình những năm tháng đau thương nhưng oai cường nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc.

Ảnh minh họa

Nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu – Á nên Côn Đảo được người phương Tây biết đến từ rất sớm. Từ thế kỷ 13, những nhà thám hiểm người Ý đã có dịp đặt chân đến Côn Đảo. Có lẽ với đặc điểm địa lý đặc biệt của mình nên ngay từ thế kỷ 14, Côn Đảo đã trở thành mảnh đất đầu tiên của Việt Nam (cùng với hải cảng Đà Nẵng) bị “nhượng” cho thực dân Pháp. Và sau rất nhiều vật đổi sao dời, trước sự nhòm ngó của các thế lực, Côn Đảo không tránh được họa thực dân. Ngày 1/2/1862, Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng; biến Côn Lôn núi non hùng vĩ, biển trời trong lành thành “địa ngục trần gian”.

Đau thương ấy kéo dài cùng cuộc trường chinh của dân tộc. Hơn một thế kỉ gieo rắc sự chết chóc, Côn Đảo trở thành nỗi đau, sự ám ảnh khôn cùng. Song cũng chính từ trong lao khổ, sức mạnh dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa luôn hiện diện.

Khí chất người chiến sĩ cách mạng đã làm nên huyền thoại bất tử cho mảnh đất thiêng. Mùa xuân năm 1952, Côn Đảo khắc ghi hình ảnh người tử tù nhỏ tuổi nhất Võ Thị Sáu hiên ngang trước họng súng của quân thù làm chúng phải run sợ. Cuộc đời cách mạng cùng sự hi sinh bất khuất ở tuổi đôi mươi của nữ chiến sĩ trinh sát Đội Công an xung phong Đất Đỏ đã thành huyền thoại, thành sức mạnh chiến đấu.

Người nữ anh hùng ấy luôn gắn với những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ, ngợi ca. Sáu mươi bảy mùa xuân đã qua, nhưng huyền thoại Võ Thị Sáu linh thiêng không phải bây giờ mới có, mà đã có ngay từ khi chị nằm xuống trên đất Hàng Dương. Ngày ngày, người dân trên đảo vẫn truyền tai nhau câu chuyện: ngày trước, trước mộ chị Sáu có một cây dương già bị khô phần ngọn. Chỉ còn gốc cây và một nhánh dương tươi tốt vươn thẳng về phía Bắc. Người ta bảo đó là hồn chị Sáu hướng về miền Bắc, về Bác Hồ. Người dân Côn Đảo đã từng nhìn thấy chị Sáu bước ra từ cây dương mỗi tối. Chị mặc áo dài trắng, lướt qua từng đường phố, hiện lên trước cửa từng nhà. Sau khi giám sát mọi việc thiện ác trên đảo, chị Sáu lại trở về biến hình vào cây dương khi trời chưa sáng. Đó cũng là lúc mọi người thức dậy, đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp hương, cắm hoa trước mộ chị trước khi đi làm việc.

Không ai cắt nghĩa nổi sức mạnh vĩnh cửu của con người. Chỉ biết rằng, giữa pháo đài tiền tiêu trấn giữ vùng biển Đông - Nam của Tổ quốc có một huyền thoại của đời thực bất biến. Từ một liệt sĩ anh hùng hi sinh vì dân, vì nước, để rồi trở thành một vị thần hộ mệnh của nhân dân Côn Đảo. Người con gái kiên trung ấy là linh hồn của hòn đảo, là niềm tin mùa xuân bất diệt. Chị hóa thân vào cuộc sống, vào nhịp đập hàng ngày biến vùng đất lao khổ thành đảo ngọc đảo thiêng. Chị là biểu tượng bất tử của sự hóa thân cho dáng hình xứ sở “Bây giờ dưới gốc dương/Chị nằm nghe biển hát…”.

Miền đất đã hồi sinh - Côn Đảo! Giữa làn ranh của tội ác và sự mất mát, những mầm sống được ươm mầm vươn lên mạnh mẽ. Không ai tin vùng đất của địa ngục trần gian có một ngày tươi sáng. Cái đẹp đại diện cho sự hi sinh đã thổi luồng sức mạnh cho mảnh đất thiêng liêng từng ngày phát triển. Và hôm nay, thêm mùa xuân thứ 44 kể từ ngày giải phóng (1975 - 2019) mùa xuân bất tử đang tiếp sức để mùa xuân của đất trời lan tràn xứ sở.

Mùa xuân hồi sinh

Mỗi mùa trên Côn Đảo, dường như trời đất lại có một cảm xúc riêng. Từ tháng 11 tới tháng 4, là mùa khô có gió mùa Đông Bắc. Để rồi trong cái hanh hao ấy, đất trời Côn Đảo khéo léo vun vén một không khí đầm ấm cuối năm. Cũng là khi Côn Đảo đang vào tiết xuân sang.

Mùa Xuân ở Côn Đảo dường như đến sớm và kéo dài lâu hơn ở đất liền. Hàng anh đào trên con đường chính của đảo nối từ sân bay tới trung tâm thị trấn Côn Đảo dường như không vội vàng nở hết. Những chùm hoa màu hồng phớt thay phiên nhau khoe sắc trong nắng làm cho không khí mùa xuân cứ từ từ mà lan tỏa khắp nơi. Chắt chiu từng cánh hoa nở, thanh thản nhẹ nhàng đón mùa xuân như cuộc sống hòn đảo vốn hiền hòa, không ưa náo nhiệt, ồn ào. Hoa trên biển, xuân trên đảo bao giờ cũng giữ được màu và hương xuân lâu bền là vậy.
Mùa xuân ở Côn Đảo là mùa xuân dân tộc, mùa xuân truyền thống. Người dân Côn Đảo không thể thiếu hoa đào. Khi đất trời ngập tràn sắc trắng và hồng của hoa đào đó là dấu hiệu đầu mùa xuân ở Côn Đảo. Trái với sự dịu dàng của tiết trời xuân, đại dương đầy sóng trắng vỗ vào những vách đá dựng đứng của hòn đảo. Mùa xuân là mùa gió ở Côn Đảo, gió mạnh làm sóng ở Côn Đảo mạnh hơn thường lệ.

Mùa xuân Côn Đảo cũng đồng nghĩa với mùa xuân lòng người. Bởi mùa xuân về không chỉ mang đến sức xuân tươi mới cho Côn Đảo mà còn ở đó những gửi gắm thiêng liêng. Trong cái không khí đầm ấm của những ngày Tết cổ truyền, cũng là khi lòng người dân Côn Đảo hướng về ngày 27 tháng Chạp - ngày giỗ chị Sáu - ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân đều cùng tổ chức. Xuân Côn Đảo đặc biệt. Xuân của sự hòa quyện giữa trời và đất, giữa lòng người với mùa xuân linh thiêng.

Một trăm mười ba năm cho địa ngục giam cầm và hơn bốn mươi năm phủ xanh miền đất sống. Những địa danh làm nên một Côn Đảo từng được xem là địa ngục trần gian như nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Côn Đảo, chuồng Cọp… cũng đã không còn lạnh lẽo. Chúng là một phần lịch sử của mảnh đất này, nơi nhắc nhớ chúng ta không quên thế hệ cha ông đã nằm xuống cho nền độc lập dân tộc. Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong và rất nhiều nhà cách mạng kiên trung đã vĩnh viễn nằm lại ở Côn Đảo. Họ hi sinh tuổi trẻ của mình để Côn Đảo giữ mãi được mùa Xuân tươi xanh.

Trên thế giới, người ta nói rằng Côn Đảo là hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh, bởi nơi đây chứa đựng những câu chuyện lịch sử kiên cường của người dân Việt.

Bao nhiêu năm dẫu trải qua trăm ngàn ngày đau thương, Côn Đảo hôm nay hiển hiện được ví như một cô gái còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ thơ mộng. Vẫn những con đường nhỏ nằm yên tĩnh, những biệt thự kiểu kiến trúc Pháp nằm dọc theo bờ biển khu trung tâm; vẫn bãi biển Đầm Trầu nằm gọn trong một con vịnh nhỏ có sóng nhè nhẹ, nước xanh ngọc đủ sự bình yên của biển; những hàng cây Bàng cổ thụ vươn mình trước biển… Côn Đảo đã trở thành một trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam – một đảo ngọc trên biển Đông – Nam Tổ quốc.

Mùa xuân đang thay áo mới trên hòn đảo linh thiêng Côn Đảo!

Giao Phương

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/con-dao-mien-dat-mua-xuan_n45715.html