Côn Đảo sẽ căng thẳng về nguồn điện

Côn Đảo đang trong thời điểm tăng trưởng nóng về khách du lịch. Theo thống kê, hiện nay, bình quân mỗi ngày, Côn Đảo đón khoảng 2.000 khách lưu trú. Điều này nằm ngoài dự báo trong kế hoạch trung hạn của địa phương, và đang tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, trong đó có vấn đề cấp điện.

Nhân viên Điện lực Côn Đảo vệ sinh tấm pin mặt trời tại Nhà máy điện An Hội - Côn Đảo.

Nhân viên Điện lực Côn Đảo vệ sinh tấm pin mặt trời tại Nhà máy điện An Hội - Côn Đảo.

Theo ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo, từ đầu năm đến nay, sản lượng điện tiêu thụ cao nhất ghi nhận ở mức 75.000kWh/ngày, tăng 25% so với cùng kỳ. 4 tháng đầu năm sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn huyện chạm mức 7,03 triệu kWh, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Dù từ đầu năm đến nay, Điện lực Côn Đảo chưa phải áp dụng biện pháp tiết giảm điện nhưng trong tương lai, nếu mức độ tiêu thụ điện tiếp tục tăng, thì nguồn cung điện khó có thể bảo đảm.

Ông Tranh cũng nêu thực tế, chất lượng nguồn điện ở Côn Đảo hiện nay chưa đủ cung cấp ổn định cho các tổ hợp du lịch lớn. Chẳng hạn, KDL Six Senses Côn Đảo có nhu cầu sử dụng điện tới 2MW, nhưng hệ thống điện của Côn Đảo chỉ cung ứng được 400kVA. Do đó, KDL Six Senses đã phải tự cung về nguồn điện. “Vấn đề là ở Côn Đảo, không có cơ sở kinh doanh lưu trú nào đủ khả năng để chủ động về nguồn điện như Six Senses. Tất cả đều đang phụ thuộc vào nguồn cung của Điện lực Côn Đảo. Điều này tạo áp lực rất lớn lên mạng lưới. Các máy phát điện diesel đã vận hành liên tục với phụ tải cao. Cụ thể, năm 2018, Nhà máy điện diesel Côn Đảo đã phát 20,95 triệu kWh (tăng 18,5% so với năm 2017). Riêng 4 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện phát ra gần 8 triệu kWh. Do vậy, năm 2018, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã phải bù lỗ cho Côn Đảo 80 tỷ đồng để vận hành hệ thống điện diesel”, ông Tranh thông tin thêm.

Nhân viên Điện lực Côn Đảo kiểm tra lưới điện trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Điện lực Côn Đảo có 9 tổ máy với tổng công suất 9.820kW, bảo đảm đủ cho an ninh quốc phòng, các cơ quan nhà nước, nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên vào mùa cao điểm nắng nóng, nguồn điện cung ứng cho hoạt động sản xuất, các cơ sở du lịch có gặp khó khăn, Điện lực Côn Đảo phải vận động các DN có máy phát điện dự phòng chạy bù, nhằm bảo đảm nguồn điện và giảm phụ tải.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT, theo quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2020, có xét đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của Côn Đảo giai đoạn 2015-2020 là 21,5 triệu kWh/năm, tăng từ 20-25%/năm. Như vậy, hiện nay mức tăng thực tế đã vượt dự báo. Do đó, trong tương lai, phải tăng công suất nguồn cấp điện tại Côn Đảo. Về kế hoạch của ngành điện, trong năm 2019, Công ty Điện lực BR-VT bố trí khoảng 100 tỷ đồng để lắp đặt thêm hệ thống máy diesel công suất 1.500kW và sửa chữa các máy phát đến hạn; đầu tư nâng cấp các tuyến đường dây tại Côn Đảo như xây dựng mới, cải tạo lưới điện trung thế 22kV cấp điện khai thác các nguồn năng lượng tái tạo tại huyện Côn Đảo; sửa chữa lớn 3 máy phát điện để đóng điện trong năm 2019. Ngoài ra, ngành điện cũng đang triển khai giai đoạn I dự án điện mặt trời với công suất 1,5MWp (tổng công suất của dự án là 3MWp) và dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2019; cải tạo hệ thống điện Côn Đảo để triển khai lưới điện thông minh (Microgrid), dự kiến phát điện vào quý 3-2019.

Cùng với các giải pháp nói trên, Điện lực Côn Đảo đang tích cực trong công tác vận động người dân, DN, cơ sở sản xuất hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng…, đồng thời vận động khách hàng đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái để giảm áp lực đầu tư của ngành điện và tăng thêm nguồn điện cho Côn Đảo.

ĐÔNG HIẾU - QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201905/con-dao-se-cang-thang-ve-nguon-dien-854921/