Con đẻ, con nuôi hợp pháp thừa kế khi nghệ sĩ qua đời không có di chúc

Theo luật sư, khi nghệ sĩ là công dân Việt Nam qua đời và không để lại di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.

Những ngày qua, nhiều khán giả quan tâm về vấn đề thừa kế tài sản của người mất nhưng không có di chúc để lại.

Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, khi không có di chúc, di sản thừa kế sẽ chia theo pháp luật. Cụ thể, trước hết, di sản sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có quyền và nghĩa vụ lo mai táng cho người đã mất.

Theo Điều 627 và Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc phải được lập thành văn bản. Di chúc bằng miệng chỉ hợp lệ trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Ngoài ra, sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

"Do đó, nếu trong clip, người vẫn khỏe mạnh bình thường, di ngôn đó sẽ không được xem là di chúc hợp lệ. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ”, luật sư nói.

Ngoài ra, theo Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Trong trường hợp không thỏa mãn được các điều kiện trên, di chúc miệng sẽ không có hiệu lực pháp lý. Khi đó, di sản sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Tâm An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-thua-ke-tai-san-khi-nghe-si-qua-doi-khong-de-lai-di-chuc-post1433765.html