Còn đó văn hóa trào lộng Nam Bộ trong hình tượng Ba Phi

Nói dóc kiểu Ba Phi thực chất là một nét văn hóa trào lộng rất thú vị tồn tại trong tâm hồn người Nam Bộ và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Rất nhiều người nghĩ 'dóc tổ' Ba Phi không có thật, hoặc chỉ là khái niệm để gọi tên những người hay nói dóc, nói cường điệu, nói xạo chơi mà thôi. Kỳ thực, hình tượng Ba Phi được dựng lên từ một nguyên mẫu có thật.

Bằng chứng nhận vì sự nghiệp văn hóa dân gian của ông Nguyễn Long Phi. Ảnh: TTH

Chúng tôi đến quê hương của người nghệ sĩ dân gian Nguyễn Long Phi, tục gọi là bác Ba Phi ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Sinh thời, ông Nguyễn Long Phi là một nông dân tri điền, nhiều ruộng đất, có 3 bà vợ và đông con cháu ở vùng đất ở thì ít mà rừng hoang đầm lầy thì nhiều - U Minh Hạ. Từ nguyên mẫu là một con người mang đặc tính Nam Bộ rất rõ nét, tính tình trào lộng, thông minh, hình tượng Ba Phi đi vào văn học, văn hóa dân gian rồi trở lại đời sống, trở thành một nét độc đáo, một biểu trưng để gọi tên tâm hồn chân chất, hồn hậu của người nông dân sống quanh ruộng đồng bát ngát hoang sơ.

Bác Ba Phi với chiếc khăn rằn quấn đầu rìu, thân thể vạm vỡ, mặt mũi hài hước, tươi sáng là hình ảnh người ta hay hình dung về những con người có tính cách đặc trưng Nam Bộ. Nguyên mẫu ông Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, mất năm 1964 (thọ 80 tuổi). Ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian năm 2003.

Di tích về nhà ở của ông và ngôi mộ của ông cùng 2 bà vợ hiện ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - một vùng đất ven Biển Tây khẳng định quê hương của ông ở vùng U Minh Hạ hoang vắng này. Khu lưu niệm cũng được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Cà Mau năm 2015. Điều đó cũng lý giải toàn bộ những huyền thoại, truyện tiếu lâm liên quan đến bác Ba Phi đều có nội dung về vùng rừng hoang, đất ngập nước, mùa nước nổi, thực phẩm hoang dã như bông điên điển, bông súng, các món ăn mắm kho, các con thú rừng ngập mặn như cá sấu, ba ba, rùa, rắn...

“Nếu nội tôi còn sống thì năm nay... 136 tuổi đó”. Chị Mỹ Lệ, cháu nội của ông Nguyễn Long Phi, người hiện nay đang được ở trong ngôi nhà hương hỏa của ông tươi cười nói. Chị Lệ ở đây cùng với người mẹ già yếu của mình là bà Nguyễn Thị Anh (con dâu của ông Nguyễn Long Phi) để lo nhang khói, trông nom 3 ngôi mộ và giữ miếng đất còn lại của ông và tiếp đón du khách xa gần muốn tới thăm di tích và viếng mộ ông nội. Còn lại, nhiều con cháu của ông Ba Phi tứ tán khắp nơi, lấy vợ gả chồng làm ăn xa. Trong số đó, không ai còn thừa hưởng được tài kể chuyện, nét duyên dáng thông minh - “nói dóc mà ai cũng há mồm ra nghe” của bác Ba Phi.

Chị kể, ngày xưa, ông nội của chị, ông Nguyễn Long Phi là một thanh niên trai tráng lớn lên thời khẩn hoang, chuyên nghề bắt thú dữ rừng U Minh, lừa miếng, bắt khuất phục mấy con thú sống hoang trong rừng rất tài tình và khéo léo. Từ nguyên mẫu Nguyễn Long Phi, các nhà văn xây dựng lên hình tượng nhân vật bác Ba Phi trong các chuyện kể cường điệu, tự nhiên, trào phúng, vốn là một loại hình văn học dân gian rất được người Việt Nam ưa thích.

Huyền thoại Ba Phi về sau này được thêm thắt rất nhiều hạng mục li kì và bản thân cuộc đời ông cũng là một câu chuyện đồ sộ, nhiều lớp lang về mảnh đất con người khẩn hoang, về nếp sống đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Lưu giữ di sản về ông Nguyễn Long Phi cũng là bảo tồn căn cốt ấy.

Mỗi năm, vào tháng 12, chị Mỹ Lệ cùng gia đình tổ chức đám giỗ cho bác Ba Phi rất xôm tụ. Làng trên xóm dưới ai cũng tới dự, các con cháu của ông cũng về cả căn nhà ở ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Căn nhà nhỏ bé dựng bằng khung thép tiền chế, lợp mái tôn nằm ngay gần ngã ba Lung Tràm - Kênh Ngang, 2 con kênh xáng thẳng tắp đổ nước ra Biển Tây nên rất hay ngập triều cường lênh láng.

Điều xa xót là mảnh đất này UBND tỉnh Cà Mau đã quy hoạch để dành xây dựng một khu di tích bác Ba Phi nhưng thường xuyên bị ngập nước. 3 ngôi mộ ông Nguyễn Long Phi và 2 bà vợ thường xuyên bị nước ngập lên, du khách tới đây muốn ra thắp nhang cho ông đều không thể lội qua quãng ngập nước sâu. Bên ngoài mặt lộ của khu đất là bản quy hoạch di tích đã bong tróc, hỏng hóc chưa có dấu hiệu được phục hồi lại, nơi này đìu hiu chưa xứng tầm với một di tích lưu giữ căn cốt văn hóa dân gian miền sông nước Tây Nam Bộ.

Khu đất nơi có căn nhà của ông Ba Phi hiện tại. Ảnh: TTH

Chị Mỹ Lệ và gia đình ông Nguyễn Long Phi cũng không còn giữ được di vật gì của ông. Có 2 thứ là con thuyền độc mộc cũ nát và chiếc giáo đi săn của ông Phi lúc đương thời đã giao cho Bảo tàng Cà Mau. Căn nhà hiện 2 mẹ con chị Mỹ Lệ ở cũng là công của do khách thập phương ủng hộ xây dựng. Cuộc đời Ba Phi là pho sử đi cùng với quá trình khẩn hoang U Minh Hạ, làm nên hình hài vùng đất bán đảo Cà Mau, cực Nam Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Nhưng dấu tích cuộc đời bác Ba Phi còn lại rất ít. Chỉ có di sản trào lộng, tình yêu với vùng khẩn hoang, khao khát chinh phục tự nhiên là còn mãi.

Cái mã văn hóa nói dóc kiểu Ba Phi hòa nhuyễn vào đất biển Tây Nam, trở thành một phần đời sống Nam Bộ, biểu trưng của trí tuệ dân gian thời khẩn hoang, vượt ra khỏi ấp Lung Tràm trở thành văn hóa dân gian Nam Bộ. Trước hoang sơ của miền U Minh Hạ, những con người như ông Nguyễn Long Phi ngày ấy chẳng bao giờ thiếu khiếu trào lộng và dường như tinh thần, hình ảnh bác Ba Phi còn lại mãi với vùng đất xuôi dần về Biển Tây này.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-do-van-hoa-trao-long-nam-bo-trong-hinh-tuong-ba-phi-post435960.html