Con dưới 36 tháng tuổi được theo bố mẹ vào trại giam: Có nhân văn?

Khẳng định môi trường trại giam chưa bao giờ là môi trường thân thiện đối với trẻ em trong mọi phương diện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Ban soạn thảo Luật Thi hành án hình sự cần cân nhắc quy định trên để đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. ảnh: Như Ý

Không thể quy định trẻ em như phạm nhân

Sáng 19/11, thảo luận về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ sự băn khoăn với quy định “con dưới 36 tháng tuổi được theo bố, mẹ vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”. Theo ông Cường, trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Do đó, Bộ luật Hình sự đã quy định, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án. “Việc bổ sung quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố, mẹ vào trại chưa chắc đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Môi trường giam giữ chưa bao giờ là môi trường thân thiện đối với trẻ em trong mọi phương diện”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) thì chỉ ra một bất cập là các quy định bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em dưới 36 tháng tuổi chưa phù hợp. Ông Hiển dẫn chứng, khoản 3 Điều 50 dự thảo luật quy định, trẻ em được hưởng chế độ ăn như đối với bố mẹ, chế độ mặc và cấp nhu yếu phẩm. Theo đó, mỗi năm được cấp 2 khăn mặt, 2kg xà phòng, 2 bộ quần áo. Khi các em mắc bệnh thông thường có thể khám và điều trị bệnh tại bệnh xá, tiền thuốc chữa bệnh cho trẻ em được cấp tương đương với 4kg gạo/người/tháng.

“Cách tiếp cận của dự thảo về vấn đề này chưa phù hợp với nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, chưa bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm trẻ em này. Theo tôi, nhóm trẻ em này không phải là người phải chấp hành án. Do vậy, những trẻ em này cần có sự quan tâm đặc biệt, ít nhất là bảo đảm theo đúng quy định của Luật Trẻ em”, ông Hiển nói.

Tương tự, theo ông Hiển, các quy định cụ thể về chế độ mặc và nhu yếu phẩm thiết yếu cũng phải phù hợp với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, chứ không thể cũng hai bộ quần áo, hai khăn mặt một năm như người lớn. Việc khám chữa bệnh cũng phải theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, là trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, chuyển tuyến và khám chữa bệnh cấp cứu…

“Cần chấm dứt tình trạng xin chết mà không được chết”

Theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), những năm qua có thực trạng nhiều người bị kết án tử hình làm đơn xin ân giảm nhưng chưa nhận được quyết định bác hay không bác của người có thẩm quyền. Vì vậy, cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành, người bị kết án cũng có tình trạng chờ chết. “Quá trình đó dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp, ví dụ có người viết đơn xin chết, có người quậy phá ngày đêm tìm cách gây áp lực rất lớn cho cán bộ trại giam, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”, bà Trang nói.

Từ đó bà Trang đề xuất, nên bổ sung quy định trong thời gian 3 - 5 tháng, nếu phạm nhân không nhận được quyết định ân giảm thì sẽ tổ chức thi hành án tử hình. “Quy định như vậy sẽ giảm được áp lực cho người có thẩm quyền trong việc bác hay không bác và cũng sẽ khắc phục được tình trạng chờ chết như hiện nay”, bà Trang nói.

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho biết, có bị án ở trại giam đã viết đơn xin tha tội chết gửi cấp có thẩm quyền, tuy nhiên thời gian kéo dài từ một đến vài năm nhưng không được trả lời; có bị án xin thi hành án ngay để được chết nhưng không được xem xét, giải quyết, gây tư tưởng bi quan, chống phá. “Dự thảo Luật cần quy định rõ thời gian từ khi nhận đơn và trả lời đơn của bị đơn gửi lên Chủ tịch nước là bao nhiêu ngày, có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian giam người bị án tử hình đã được tòa các cấp xét xử”, ông Đức nói.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/con-duoi-36-thang-tuoi-duoc-theo-bo-me-vao-trai-giam-co-nhan-van-1347112.tpo