Con đường báo chí đang đi chắc chắn đồng hành với trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang là xu thế tất yếu. Nhiều cơ quan báo chí sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản, phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung, hình thức theo hướng thông minh hơn.

Để biết AI có thể làm những gì không có cách nào khác là thử nghiệm nó

Trong thế giới ngày nay, báo chí đang phát triển nhanh chóng cùng với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, một kỷ nguyên mới của báo chí đã xuất hiện. AI đang cách mạng hóa cách thức làm việc của các nhà báo, từ việc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ đến tạo ra những tin tức nhanh chóng, chính xác. Với sự hỗ trợ của AI, các nhà báo có thể sàng lọc hàng “núi” dữ liệu trong vài giây và khám phá những xu hướng và ý nghĩa tiềm ẩn. Sự xuất hiện AI vừa là cơ hội, song cũng là thách thức lớn với nhà báo và cơ quan báo chí.

Một số Đài Phát thanh - Truyền hình và các tòa soạn hội tụ có thể ứng dụng tính năng tự động sản xuất các nội dung có cấu trúc lặp lại cho một số tin tức như tin về thời tiết, thể thao, công nghệ… bằng cách xây dựng phần mềm tạo văn bản tự động (NLG). Gần đây nhất, Nhóm nghiên cứu của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã thử nghiệm thành công trong việc ứng dụng Chat GPT sản xuất phóng sự truyền hình về chính mảng nội dung công nghệ.

AI có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường. Chúng cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Phụ trách nội dung kinh tế - công nghệ, Trung tâm tin tức Đài truyền hình TP.HCM cho hay: Chúng tôi đã thực hiện trải nghiệm - có kiểm soát để AI tự viết kịch bản một phóng sự về “Xu hướng AI tại Việt Nam”. AI đã đề xuất bố cục 4 phần, tự tổng hợp và viết 400 - 500 từ mỗi phần và khuyến nghị những vai trò có thể phỏng vấn. Kết quả cho thấy, văn bản mà trí thông minh nhân tạo có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài gần với kết quả của một biên tập viên 1 đến 2 năm tuổi nghề. Không quá hay nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả.

Thời gian để có được một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút so với gần 1 tiếng nếu một biên tập viên bình thường. Song những “hạt sạn” cũng xuất hiện rất nhiều, từ ngữ chưa hợp với góc nhìn phóng sự, sử dụng danh từ còn cứng do “máy học” tổng hợp đề xuất. Phải hỏi AI đến 8 câu để dẫn dắt cho AI hiểu được ý của ê-kíp biên tập.

 Để trả lời câu hỏi AI làm được những gì, nhà báo Ngô Trần Thịnh (người đứng) và ê-kíp quyết định thử nghiệm ngay Chat GPT vào sản xuất phóng sự truyền hình về chính mảng nội dung công nghệ.

Để trả lời câu hỏi AI làm được những gì, nhà báo Ngô Trần Thịnh (người đứng) và ê-kíp quyết định thử nghiệm ngay Chat GPT vào sản xuất phóng sự truyền hình về chính mảng nội dung công nghệ.

Sau khi phát sóng chính thức trên HTV9, Phóng sự truyền hình được viết bởi ChatGPT được khán giả rất quan tâm với hàng trăm lượt bình luận thích thú trên các diễn đàn về khả năng của AI trong ngành làm nội dung. Cả những chuyên gia công nghệ cũng đánh giá sự khó lường với khả năng công nghệ trí thông minh mang lại.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh cho rằng, để trả lời câu hỏi AI làm được những gì không còn cách nào khác là thử nghiệm nó. Từ đó sẽ có bức tranh khái quát về những việc nó làm được, những việc chưa làm được, nếu làm được thì làm đến đâu - trải nghiệm thực tế mà không có nghiên cứu nào có được. Dữ liệu ChatGPT cung cấp cho ê-kíp chưa thể đưa qua đọc tiếng được ngay mà còn phải qua thêm một lớp rà và chỉnh sửa lại từ ngữ để hợp với góc nhìn phóng sự, sử dụng danh từ chính xác thay cho các từ ngữ do máy học tổng hợp đề xuất.

Ở góc nhìn của nhà báo Ngô Trần Thịnh, đây là một công cụ hỗ trợ thực sự đắc lực chứ không thể thay thế được người làm nội dung truyền hình. Tuy nhiên, điều này sẽ gia tăng sức ép lên những bạn sinh viên mới ra trường với yêu cầu nghiệp vụ cao hơn vì những tác vụ cơ bản thì ChatGPT đúng là có thể làm được.

Đồng hành nhưng không thể thay thế

Nhà báo Ngô Trần Thịnh đưa ra nhận định, hiện nay việc tích hợp ChatGPT vào các tòa soạn vẫn còn hơi hạn chế, đặc biệt khi chúng ta coi nó như một công cụ sáng tạo. Các bài báo đang được sử dụng như một nguồn dữ liệu để đào tạo các thuật toán ChatGPT và về cơ bản chúng đang nuôi sống ChatGPT.

Vai trò của ChatGPT là trở thành trợ lý của một biên tập viên AI. Cách sử dụng khác liên quan tới ChatGPT chủ yếu liên quan đến hoạt động tiền xử lý, chẳng hạn như lên ý tưởng và thực hiện các nghiên cứu ban đầu trước khi viết một câu chuyện và xử lý hậu kỳ, chẳng hạn như tạo bài đăng cho mạng xã hội, tóm tắt và tối ưu hóa một câu chuyện.

Thời gian tiết kiệm được, thông qua việc sử dụng ChatGPT đúng cách trong hoạt động tiền xử lý và xử lý hậu kỳ khi bài viết được xuất bản, có thể được dùng để nghiên cứu bài viết sâu hơn và mang lại chất lượng nội dung tốt hơn. ChatGPT đôi khi vẫn mắc lỗi, vì vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được rằng ChatGPT không hoàn hảo và không bỏ qua việc kiểm tra thông tin (fact-check).

“Biên tập viên hay phóng viên ứng dụng một cách cởi mở công nghệ, với sự đồng hành của AI nhà báo sẽ có nhiều thời gian sáng tạo hơn, sản phẩm sẽ có chất lượng tốt và mới mẻ hơn. Năng suất làm việc của phóng viên trẻ khi có AI hỗ trợ tăng lên khoảng 50%”, nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ.

Qua trải nghiệm thực tế thông qua phóng sự của HTV có thể thấy rằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh đưa ra quan điểm: Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường. Chúng cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

Con đường báo chí đang đi chắc chắn đồng hành với trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên AI không thể thay thế chúng ta. Do đó để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một “nhà báo cách mạng”, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta.

Rõ ràng, với sự xuất hiện và ngày càng được nâng cấp lên những phiên bản cao hơn của trí tuệ nhân tạo, sẽ chỉ còn chỗ cho những nhà báo chân chính, biết cách phân tích dữ liệu sâu, kể chuyện hấp dẫn, biết những câu chuyện thật, những trải nghiệm thật, cảm nhận đích thực.

Ở một góc độ khác, đội ngũ những người quản trị cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ về sức mạnh của AI, về tính tất yếu của xu hướng ứng dụng AI trong các hoạt động của mình. Do vậy, vấn đề đặt ra không phải là cấm, không phải là sử dụng cho có, hay để không bị lạc hậu. Vấn đề là sử dụng chủ động, nắm bắt sức mạnh của AI, biến nó thành công cụ đắc lực, phục vụ hiệu quả cho quy trình sáng tạo trong cơ quan báo chí.

Với sự xuất hiện và ngày càng được nâng cấp lên những phiên bản cao hơn của trí tuệ nhân tạo, sẽ chỉ còn chỗ cho những nhà báo chân chính, biết cách phân tích dữ liệu sâu, kể chuyện hấp dẫn, biết những câu chuyện thật, những trải nghiệm thật, cảm nhận đích thực.

Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/con-duong-bao-chi-dang-di-chac-chan-dong-hanh-voi-tri-tue-nhan-tao-post244171.html