Con đường đi về phía mặt trời

Ngày 20-11-2011 sẽ đi vào lịch sử của TP Hồ Chí Minh khi hầm Thủ Thiêm chính thức được thông xe, hoàn thành việc kết nối hạ tầng Đông - Tây của thành phố, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai. Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh gọi đường hầm đi về phía Đông thành phố này là con đường đi về phía mặt trời và chờ đợi ngày "Phố Đông" khởi sắc.

LTS: Ngày 20-11-2011 sẽ đi vào lịch sử của TP Hồ Chí Minh khi hầm Thủ Thiêm chính thức được thông xe, hoàn thành việc kết nối hạ tầng Đông - Tây của thành phố, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai. Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh gọi đường hầm đi về phía Đông thành phố này là con đường đi về phía mặt trời và chờ đợi ngày "Phố Đông" khởi sắc.

Bài 1: Ngày về vắng bóng con đò Thủ Thiêm

Cầu Thủ Thiêm

(HNM) - Chỉ cách quận 1 con sông Sài Gòn rộng khoảng vài trăm mét, nhưng trong lịch sử hơn 300 năm khai phá, phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa và TP Hồ Chí Minh nay, bán đảo Thủ Thiêm gần như tách biệt hẳn với những tòa cao ốc chọc trời tráng lệ, kiêu hãnh bên kia sông, bởi nơi đây chỉ là một vùng bưng trũng, tăm tối hoang sơ, đầy lau sậy cỏ lác và những rặng dừa nước, bần xanh ngút ngàn…

Thủ Thiêm trong ký ức

Do điều kiện địa lý tự nhiên không thuận lợi, sình lầy, ẩm thấp… nên mãi đến thời các chúa Nguyễn, Thủ Thiêm mới có dấu chân người. Sử cũ chép rằng, thời Vua Gia Long, cư dân ở vùng đất này phần lớn là dân tứ chiếng giang hồ từ phương bắc chạy trốn sự tầm nã gắt gao của chính quyền, đến miền Nam họ tìm cách cư trú ở Thủ Thiêm.

Là người nhiều năm nghiên cứu lịch sử phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh, PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân (Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển) cho hay, tên gọi Thủ Thiêm xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Chính quyền phong kiến thời ấy đã lập đồn binh ở vùng đất này để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và tổ chức phòng thủ cho khu vực trung tâm. Có thể người giữ chức quan trấn thủ vùng đất này tên là Thiêm, nên từ đó dân gian quen gọi đồn binh này là Thủ Thiêm, nhờ đó cái tên này trở thành địa danh. Người dân nhiều nơi đến khai hoang, tụ tập định cư thành làng, xã quanh đồn binh, xây dựng, tổ chức cuộc sống bằng nghề chài lưới, buôn bán trên sông, dần dần tạo dựng nên cộng đồng dân cư ở đây.

Trước năm 1997 (thời điểm thành lập quận 2), khu vực bán đảo Thủ Thiêm là vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Thủ Đức. "Đây là vùng đất bưng trũng, bị nhiễm phèn, hạ tầng kỹ thuật và xã hội vừa thiếu vừa yếu: thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu trường lớp, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao, hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất nông thôn… nên đời sống nhân dân khó khăn về nhiều mặt. Thậm chí, hai xã khi đó là Thạnh Mỹ Lợi và An Lợi Đông chỉ cách trung tâm thành phố vài kilômét theo đường chim bay nhưng được xếp vào diện vùng sâu, vùng xa" - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận 2 Tất Thành Cang cho biết.

Phà Thủ Thiêm xưa.Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Văn Long (72 tuổi), một cư dân của Thủ Thiêm hiện đã tái định cư tại lô A4, phòng 107 chung cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) kể: Ngày trước phần lớn dân Thủ Thiêm đều nghèo, chủ yếu lao động chân tay, "ai chỉ gì làm nấy" hoặc buôn thúng bán bưng quanh bến đò Thủ Thiêm (từ những năm 50 thế kỷ trước trở thành bến phà). Hồi đó, nước ngọt ở Thủ Thiêm cũng khan hiếm, người dân phải chở bằng ghe, xuồng từ quận 1 sang để dùng, tới cuối thập niên 60 thế kỷ trước mới có nước máy. Trước năm 1968, khu vực này vẫn thưa vắng, chủ yếu nhà cấp 4 và nhà lá cất trên kênh, rạch. "Đường sá nhỏ, lầy lội, lau sậy um tùm và có nhiều rắn rết; muỗi thì nhiều vô kể. Nói chung, chỉ bước qua sông Sài Gòn đã là một thế giới khác…".

Sau gần 15 năm "lên quận", bức tranh toàn cảnh về bán đảo tuy đã khác xưa, nhưng những chứng tích lịch sử in đậm về một vùng đất Thủ Thiêm trong quá khứ vẫn còn khắc sâu trong tâm trí và tình cảm của nhiều thế hệ người dân nơi đây, với những tên gọi dân dã, quen thuộc như Bến Đò, Cá Trê, Cây Bàng, đồn Giác Ngư, cầu Ông Cậy, xóm Than, rạch Bần Cụt, xẻo Ông Rái, rạch Ngọn Én, mương Bà Bằng…

Góp nhặt quá khứ

Trong những ngày đi tìm tư liệu cho loạt bài viết này, tình cờ chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thu Thủy (60 tuổi), người đã sinh sống tại khu phố 1, đường Lương Định Của (phường An Khánh, quận 2) từ năm 1958 đến nay. Nhà chỉ cách bến phà Thủ Thiêm chưa đầy 100m nên những thăng trầm của mảnh đất này, bà Thủy thuộc lòng. Cùng với khoảng 800 hộ của khu phố, gia đình bà Thủy sẽ phải dời đến nơi ở mới trong một ngày không xa để nhường đất cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Như để níu giữ những kỷ niệm một thời đã ăn vào máu thịt, trên chiếc xe đạp, ngày ngày bà Thủy rong ruổi khắp các nẻo đường Thủ Thiêm để chụp những bức ảnh về phong cảnh và con người nơi đây trước ngày vùng đất này bị giải tỏa. Trong nhiều năm qua, bà Thủy đã chụp hàng nghìn bức ảnh, mô tả đầy đủ cảnh sinh hoạt, lao động của người dân Thủ Thiêm, chút hoang dã còn sót lại của đất trời Thủ Thiêm, những công trình đã bị dỡ bỏ để nhường đất cho dự án… Như người viết sử bằng ảnh, bất kể sớm khuya, bà Thủy dành tình cảm đặc biệt cho bến phà và con phà Thủ Thiêm. "Phà không chỉ đưa người Thủ Thiêm qua sông kiếm miếng cơm, manh áo, mà còn đưa cái chữ về cho vùng đất này để phát triển văn hóa" - giọng bà Thủy trầm tư.

Thật đáng mừng là những chuyến phà Thủ Thiêm thân thuộc từ bao đời, dự kiến ngừng chạy trước ngày 1-1-2012, sẽ mãi được lưu giữ qua những bức ảnh của một tay máy không chuyên. Cuộc sống của một Thủ Thiêm đang đổi thay là quy luật phát triển của đô thị. Một Thủ Thiêm nhỏ bé, thanh bình trước khi được động thổ để trở thành một "Phố Đông" của Sài Gòn, một trung tâm thương mại - tài chính của cả nước và khu vực đã lần lượt đi vào khuôn hình, dưới những góc độ và thời điểm khác nhau. Bà Thủy sợ nếu mình không ghi lại những khoảnh khắc ấy thì lớp lớp con cháu sẽ không hiểu mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" ấy đã từng chịu đựng gian khó, hy sinh đến nhường nào. Tuy chưa thể sánh với các nhiếp ảnh gia về góc độ, bố cục, ánh sáng… nhưng ít nhiều những bức hình bà Thủy chụp đều có dấu ấn nghệ thuật. Bà đang ấp ủ tâm nguyện giản dị, rằng một ngày nào đó sẽ tự tổ chức triển lãm ảnh nhỏ để mọi người có dịp hoài niệm về một vùng đất đang gấp gáp chuyển mình. Hẳn phải yêu mảnh đất Thủ Thiêm lắm người phụ nữ này mới có ý tưởng như thế.

Những ngày này, đường Lương Định Của đoạn từ cầu Thủ Thiêm tới bến phà đã thưa vắng người qua lại. Hai bên đường lau sậy đã mọc trở lại, cao lút tầm mắt. Riêng khu vực phường An Khánh và Thủ Thiêm, 80% số hộ dân đã dọn đến nơi ở mới và bàn giao mặt bằng để xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm. Những người còn ở lại cũng đang đếm từng ngày để di chuyển. Nghe tin hầm Thủ Thiêm sắp thông xe, nhiều cư dân Thủ Thiêm đã sớm di dời đi nơi khác đã trở lại để tìm kiếm những khoảnh khắc còn sót lại của quê hương, tình làng nghĩa xóm. Hằng ngày, họ tụ tập quanh những quán cà phê ven đường để hoài niệm, để bàn tán về cuộc sống mới ở nơi ở mới, về công ăn việc làm sau ngày dời bỏ chốn cũ. Những lúc như thế, họ lại ghi số điện thoại của nhau để dễ bề liên hệ. Bữa đi tìm hiểu về tái định cư, bất chợt chúng tôi được nghe câu thơ ai đó đọc bằng giọng đầy ưu tư: "Ngày đi trăm hoa hẹn hò/ Ngày về vắng bóng con đò Thủ Thiêm!"…

Phải rời bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn, nơi đã chứng kiến bao nỗi vui buồn trong cuộc đời, nên tâm trạng bâng khuâng, trăn trở, lưu luyến cũng là lẽ thường. Song, như ông Nguyễn Văn Long đã nói: "Có nhiều gia đình đã ở đây 3-4 đời nên khi chuyển đi thấy buồn lắm, nhưng nghĩ về tương lai con cháu sẽ tốt hơn nên chúng tôi ủng hộ nhà nước xây Khu đô thị mới Thủ Thiêm".

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/phong-su-ky-su/530319/con-duong-di-ve-phia-mat-troi.htm/