Con đường mới

Ông Toàn được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố trong thời điểm khá đặc biệt, tổ đã có mấy năm liền đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.

Cơ sở vật chất hạ tầng được củng cố, có nhà văn hóa, đường bê tông, cống thoát nước lại đủ điện thắp sáng. Bởi vậy có ai đó bảo:

- Ông ấy “tọa hưởng kỳ thành”, có nghĩa là mọi thứ các khóa trước làm cho hết rồi chẳng phải lo nghĩ việc chung gì lớn.

Ông Toàn nghe thấy nghĩ thực ra họ nói cũng phải. Thế hệ lãnh đạo tổ mấy năm qua ai cũng tận tình cống hiến, mỗi khóa lo một việc lớn, góp lại mà tổ dân phố được như hôm nay. Bây giờ ông cứ việc động viên bà con duy trì phong trào xây dựng đô thị văn minh là được.

Tuy vậy, hôm vừa qua họp chi bộ, đồng chí bí thư lại nêu ra phương hướng không hề đơn giản:

- Đồng chí Toàn mới nhận nhiệm vụ tổ trưởng dân phố, nhìn khái quát tổ chúng ta quả là khá hoàn thiện. Tuy vậy, từ cơ sở vật chất đến phong trào cũng còn nhiều việc phải làm, phải biết dám nghĩ dám làm, không được bằng lòng thỏa mãn. Chúng ta vẫn luôn phải lấy dân làm gốc.

Nghĩ đi nghĩ lại, ông Toàn thấy lời nói của người đứng đầu cấp ủy đã từng có thời gian làm bí thư đảng ủy của một cơ quan cấp tỉnh quá đúng. Bởi thực tế khi đi vào từng việc mới thấy phát sinh ra nhiều vấn đề. Mình là người trực tiếp làm việc với dân, phải tiếp thu ý kiến ấy mới thành công.

Đêm tháng Mười, trời tối đen, đi họp về, với chiếc đèn pin cũ sáng lập lòe, đang đi đường bê tông, bỗng dép ông Toàn vấp phải vật gì đó. Ông vội soi đèn xuống chân, hóa ra ông vừa hết con đường bê tông, bắt đầu vào đoạn đường đất. Chà, con đường này ông đi lại bao năm đã quen, thế mà hôm nay lại vấp mới lạ. Chỉ còn hơn trăm mét là đến nhà, vỗ trán ông Toàn mỉm cười một mình. Theo báo cáo thì tổ hoàn thành làm đường bê tông, vậy đoạn đường này không phải của tổ à?

Nếu nói vậy sao mà đúng được, ông Toàn thầm nghĩ. Nếu nhẩm tính sơ sơ độ dài đường bê tông với đoạn đường đất này thì tỷ lệ không nhỏ. Thế mà người ta quên bẵng đoạn đường đất này. Ông bỗng thấy có gì đó tủi thân. Nhớ những năm còn chiến tranh phá hoại, ông cho gia đình sơ tán về đây, mua lại mảnh đất nằm chót con đường mòn, giáp một quả đồi cây cối rậm rạp. Sau hòa bình cũng chỉ có thêm mấy nhà đến ở. Mọi người gọi khu này là vùng sâu vùng xa của tổ. Để đảm bảo sinh hoạt, tất cả đều đào giếng lấy nước ăn. Đường điện tự mua cột nhờ chi nhánh điện kéo dây lắp bóng. Bây giờ ông làm tổ trưởng thì phải lo sao cho có sự công bằng. Dân ở đây phải có cuộc sống như ở chỗ khác. Dân mặt phố ngời ngời như thế, sao để cho bà con ở đây bị chênh lệch như vậy.

Ông mất ngủ suốt đêm với ý nghĩ thôi thúc phải làm nốt đoạn đường bê tông. Sơ sơ tính ra cũng vài chục triệu trong khi khu này chỉ có mấy nhà. Không biết phường có ủng hộ không? Dân thì đâu có dễ bàn. Nếu dễ thì các khóa trước đã làm, chờ gì đến bây giờ.

Khi ông đưa việc làm đường ra chi bộ, đa số đồng tình nhưng cũng có ý kiến bàn lùi:

- Đoạn đường này làm là khó đấy. Đưa ra tổ họ lại bảo đây là đường vào nhà tổ trưởng thì chối lắm.

May sao đồng chí bí thư đã “chốt” ngay:

- Nói như thế là sai quan điểm, tổ trưởng không là dân à? Cả khu ấy năm nhà dân chứ có phải riêng nhà tổ trưởng đâu. Đồng chí Toàn lên phường trình bày xem sao. Chỉ có điều đây là khu vực đồi phòng thủ quân sự nên chúng ta phải thận trọng, trình bày hợp lý. Cố gắng làm đường bê tông để thuận tiện cho bà con đi lại.

Ông Toàn đến gặp chủ tịch phường, tưởng khó khăn, nào ngờ bà chủ tịch cầm ngay điện thoại gọi lên huyện đội. Bên kia giọng trả lời rất rõ ràng:

- Thế thì tốt quá. Dù là xe tăng hay xe kéo pháo thì cũng cần đường tốt chứ. Đồng chí cứ lên kế hoạch rồi chúng tôi sẽ xuống tham gia định vị đường. Còn kinh phí, chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con.

Ông Toàn nghe mát cả ruột. Ấy vậy mà khi xem bản kế hoạch làm đường, chủ tịch phường lại hỏi ông một câu hóc búa:

- Tổng tiền như vậy, với mấy gia đình đóng góp là chủ yếu thì bác có dự định thế nào?

Không ngần ngại, ông Toàn nói như đã có chuẩn bị trước:

- Đường mở ra rồi dân sẽ đến làm nhà. Mà tham gia giao thông ắt phải đóng góp. Họ chưa đến thì tôi vay ngân hàng. Biết là há miệng chờ sung nhưng phải liều thôi.

Một ngày nắng ấm, chim kêu ríu rít trong đồi cây, gió thổi rì rào. Ông Toàn cùng các cán bộ trong tổ đón tiếp đoàn đại diện ủy ban huyện, huyện đội, phường đến định vị con đường. Vui như hội. Chủ tịch phường cũng tươi như hoa:

- Chú Toàn hôm nay phấn khởi nhé. Nay mai đây sẽ là con phố núi ấm áp nhưng có môi trường lý tưởng chú ạ.

Mấy nhà ở tổ giáp đầu đồi thấy vậy chạy ra hỏi han, nghe nói làm đường họ xúm lại. Một bà hăng hái:

- Làm đường à, quá tuyệt. Chúng tôi đề xuất thế này với chủ tịch phường, cho chúng tôi nối con đường tổ chúng tôi với tổ bên này, gọi là liên tổ được không?

Chủ tịch phường nhìn vào ngôi nhà liền kề định vị đầu đường mới hỏi:

- Vướng nhà thế này thì thông chỗ nào được ạ?

Bà ấy kéo tay chủ tịch phường vào nhà bà rồi chỉ tay:

- Đây ạ, cả khu vườn này sâu đến hai chục mét. Tôi ủng hộ chục mét chiều sâu và cả chiều dài này. Thế là nối được đường hai tổ, tôi lại có vị trí nhà mặt đường, đôi bên cùng có lợi. Hơn chục nhà bên đó sau này đi cả hai đường, ai cũng đóng góp lo gì.

Chủ tịch nắm tay bà ta lắc lắc:

- Bác tốt quá. Dân như bác là số một đấy. Cháu cảm ơn bác. Cháu nói rồi. Cứ làm, mọi người sẽ ủng hộ mà, phải không bác Toàn?

Ông Toàn nở nụ cười tươi. Đơn giản vậy mà mấy khóa qua các ông ấy không nghĩ ra. Niềm vui như nắng vàng trải rộng nhảy nhót trên những ngọn cây xanh trên đồi.

Truyện của Nguyễn Đình Tân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/con-duong-moi-73234