Con đường thế kỷ

Tôi đã được nghe nhiều về chuyện làm đường tuần tra biên giới. Nhưng lần này, theo Đoàn văn nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ sân khấu đi thực tế ở Nghệ An, được lên đỉnh Phù Sai Lai Leng, được 'mục sở thị' con đường 'bằng da bằng thịt'. Những câu chuyện không chỉ còn là con đường mà đó chính là con người. Những câu chuyện về con người đã làm nên con đường tuần tra cho hôm nay, cho ngày mai và cho cả mai sau.

Vạt núi mở đường trên đỉnh Phù Sai Lai Leng.

Cái khó cửa rừng hoang

Dự án đường tuần tra biên giới (TTBG) không phải đến thời gian này mới bắt đầu khởi công. Công việc mang tầm thế kỷ và quốc gia này chuyển động từ năm 2009. Thế cho nên ở chỗ này, chỗ khác như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng... đã hình thành đôi ba đoạn đường như kiểu xôi đỗ. Nhưng có lẽ phải đến với gói thầu 1 Na Ngoi, gói thầu 2 Mường Kíp, tôi mới hiểu thế nào là sự vất vả khó khăn của những người làm đường mặc áo lính. Hai gói thầu này kéo dài hơn 20 cây số. Nếu nhìn trên bản đồ nước ta thì hai gói thầu này nằm trọn chiều dài đường biên thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Nhìn vào bản đồ thì đây là nơi có độ vồng cao nhất nước ta như bầu ngực căng tròn của người con gái đang độ xuân thì. Nơi có ngọn chóp Phù Sai Lai Leng cao tới 2.713 mét. Với độ cao này, Phù Sai Lai Leng thuộc loại đỉnh cao nhất nhì cả dãy Trường Sơn hùng vĩ. Dân địa phương bảo muốn đến được đỉnh chóp ấy chỉ có thể đi theo con đường của lâm tặc.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Lãm, quê Bắc Giang, nhưng cả gia đình lại đang tá túc tại Thái Nguyên, cán bộ Ban dự án quản lý hai gói thầu này kể rằng. Thời tiết ở đây cực kỳ khó khăn. Chỉ nội trong một ngày mà thời tiết diễn ra bốn mùa rõ rệt. Ngày nắng như đổ lửa, đêm xuống thì rét cắt da. Hồi chưa thông đường, người tiếp tế cho anh em làm đường chỉ có thể vận chuyển gạo cho công trường bằng gùi, nhưng không ít tốp gùi gạo đi rồi lại về, vì ăn hết gạo mà chưa đến công trường. Nghe là vậy, nhưng khi Đoàn nhà văn, kịch tác gia ở lại lán trại của Đội 25, Công ty 125, thuộc Binh đoàn 12 mới thấm thía hết sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây.

Gặp chúng tôi, Đội phó Nguyễn Đình Kiên phụ trách xe máy của đội, dân Nghĩa Đàn, có vẻ ngoài điển hình cho dân thi công chuyên mở đường những chỗ vất vả, nơi lam sơn chướng khí. Thoạt nhìn bề ngoài, Kiên trông già hơn tuổi. Mới 41 tuổi mà anh đã hơn 20 năm rong ruổi tham gia thi công trên các công trường lớn như cầu cảng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, sân bay Sa-pha-na-khệt, thủy điện Bun-đu-sa, nhà máy Z111... Dường như chỗ nào khó khăn nhất là Đội 25 được điều đến. Khi chúng tôi vào, Đội 25 đã hạ quân số từ 30 xuống 18 người.

Trừ Đội phó Kiên, Đội trưởng Nguyễn Trọng Tuấn ngoài tuổi 30, còn hầu hết là những chiến sĩ trẻ. 20 tuổi nhưng vẫn đảm nhận công việc vất vả, khó khăn, nhất là bám vào vách đá cao chót vót, thẳng đứng chưa có dấu chân người để xẻ núi, mở đường, hạ nền... Từ công trường bụi bặm về mà định rửa chân tay cho sạch sẽ, mát mẻ, chứ chưa nói đến tắm cũng phải dè chừng. Hôm nào có mưa rừng còn đỡ, nếu không mưa thì từ nước ăn, đến nước sinh hoạt cũng phải cân nhắc, bởi nơi có nước là ngọn thác tự nhiên chảy từ núi xuống cách lán trại và công trường 7, 8 cây số... Ấy thế mà Đội 25 còn đỡ, ở Đội 8 của Công ty 532 ở ngang thân ngọn Phù Sai Lai Leng mới thấy nước cho sinh hoạt, cho thi công còn khó khăn gấp bội. Ngay trước khoảnh đất tạm gạt đá, đất mới vỡ mìn ra gọi là sân, chúng tôi đã thấy một hố đất đào sâu trải vải nhựa tích nước mưa. Trung úy, Đội phó Dương Văn Hòa, quê Bắc Giang kể với tôi: Bọn con cứ đợi nhau tắm tập thể. Chủ nhật là cả đội gần 20 người leo lên ngồi vào gầu xe xúc chạy ình ịch gần chục cây số đến thác nước. Lúc đó tha hồ tắm. Tắm xong, cố ngồi chật lại để lấy chỗ đựng can nước tranh thủ mang về...

Vừa lắc mạnh tay chúng tôi trong cái bắt tay nồng nhiệt, Đội phó Đội 25, Thượng úy Trần Kiên đã nhắc chúng tôi về sự khắc nghiệt của khí hậu chốn sơn lâm cùng cốc này. Hơn ba giờ, nhìn ráng chiều gội trên cánh rừng bạt ngàn dưới chân đỉnh Phù Sai Lai Leng vàng rực đẹp tuyệt, hiền và thơ như trong tranh Lê-vi-tan. Ngoảnh đi ngoảnh lại, bóng đêm ập xuống lúc nào không biết. Rừng cùng bóng đêm đang yên tĩnh bỗng đột nhiên rung lên bần bật, đảo xoay bởi trận gió lồng lộn như quái vật trong cơn giận dữ. Gió tràn từ đỉnh núi cao xuống khiến dãy lán trại mỏng manh của Đội 25 run lên như chuẩn bị bị bốc lên. Anh em chiến sĩ làm đường nhường giường, chăn, chiếu cho Đoàn nhà văn. Những tấm chăn hai lớp, dầy dặn vẫn không đủ hơi ấm cho những tấm thân già. Gió gào rít cùng tiếng chó tru lên vì rừng động càng làm đêm giữa rừng như thêm chao đảo, hoang dại. Gió gào thét một hồi rồi đột ngột dừng lại. Rừng trở về sự im lìm một cách thần bí và lạnh buốt.

Nơi lưng đỉnh Phù Sai Lai Leng

Từ giã Đội 25, chiếc xe Mitsumitsi khỏe thế mà ậm ạch khoảng hơn ba tiếng đồng hồ mới vượt qua đoạn đường hơn 10 cây số để vào với Đội 8 của Công ty 532. Nhiều chỗ núi đá đen xì mới tạm được tách ra để hình thành vệt đường lổn nhổn toàn đá tảng chắn ngang. Dốc ngược nếu đi bộ thì đầu người sau chạm mông người trước như cảnh “súng ngửi trời” trong thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Ở tuổi hơn 70, nhà văn Giang Phong hơn ba lần phải xuống đi bộ vì không chịu được độ dốc và những cái xóc xốc óc, dội tim.

Vào đến lán trại tuềnh toàng của Đội 8 càng thấm thía nỗi khổ của người làm đường TTBG. Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, người vùng Ngọc Khám, Quế Võ, Bắc Ninh. Tú có nước da nâu bóng, người chắc lẳn như cây cà te giữa rừng Trường Sơn. Nói chuyện với tôi, Tú xưng con với vẻ khát khao của người lâu lắm không được xưng hô theo lối gia đình. Trung tá Tú là một trong những người đầu tiên đến với sự hoang vu của khu rừng này. Tú kể, bây giờ khó khăn là thế nhưng còn đỡ hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu chỉ mới cách đây chưa đầy hai năm thôi. Sáng ra thấy cây trắng xóa một màu tuyết. Hết lạnh đến mưa. Mưa thì sũng sịu, đằng đẵng 4, 5 tháng trời. Rừng ẩm, vắt bò ra nhiều hơn sung rụng. Vắt xanh còn đỡ, chứ vắt đỏ thì bám dai hơn đỉa. Vặt đi rồi máu chảy mãi không thôi. Nắng lên thì ruồi vàng, bọ chó cứ tìm người mà đốt. Hai giống ấy đốt nhát nào buốt tận tim nhát ấy.

Lán trại trên cao, rừng thì bạt ngàn. 20 cây số đường công vụ anh em làm ra để đến trại giữa rừng vẫn không thông nổi. Rau, gạo tiếp tế vẫn trông vào cách thuê dân địa phương gùi nước, gạo, rau lên. Cứ 300 nghìn đồng một gùi. Thực phẩm chỉ trông dưới huyện đưa lên. Nhiệm vụ của Đội 8 chỉ đảm đương 4km 500, tức là từ km 19 đến km +500. Trung tá Nguyễn Ngọc Tú cũng phải thừa nhận “chưa khi nào con làm công trình lại khó khăn về địa hình, địa chất như ở đây”.

Khu lán tạm của đơn vị công binh thi công đường tuần tra biên giới.

Đội 8 có 19 người, một máy ủi, hai máy xúc. Mà cả ba máy vì địa hình hiểm trở, toàn đá với dốc cao nên máy liên tục chạy hết công suất. Cả ba máy, cứ ra công trường là gầm gào như người cáu giận, uống xăng, dầu như người khát lâu không được uống nước. Thế cho nên, ngoài công thuê gùi gạo, rau, đội còn phải thuê ngưòi Mông gùi cả xăng, dầu dưới trạm lên. Mỗi mét đường mở ra là cả kỳ công. Vậy mà một năm chỉ vẻn vẹn thi công được từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Còn từ tháng 4 đến tháng 8, mưa lũ ào ạt đổ xuống, chiến sĩ chỉ có ngồi trong lều, trại ngao ngán nhìn trời. Mà mưa rừng thì khủng khiếp thật. Cứ điệp trùng hàng ngày từ núi cao bất ngờ đổ ập xuống cả khối nước. Chưa xong, làm đường TTBG qua vách đá mỗi ngày giỏi lắm được 3-4 mét, lại còn thêm những chiếc cầu vắt vẻo chênh vênh qua những hẻm núi (ở hai gói thầu này, lực lượng thi công phải làm hai cầu 18 mét, một cầu 11 mét). Thêm hàng chục cống tròn có phi từ 100-150mm. Cống hộp 2x3x3 mét. Đại tá Phan Tiến Long, Giám đốc điều hành dự án hai gói thầu này bảo: Cầu, cống có khi làm xong, nhưng chỉ cần tính sai số liệu địa chất một chút là coi như phải làm lại từ đầu...

Mai kia, con đường TTBG được trải bê tông có chiều rộng 3,5 mét sẽ hoàn thành, chiến sĩ biên phòng thong dong đi trên con đường đó để bảo vệ phên giậu Tổ quốc yên ổn, thanh bình. Xin các anh hãy nhớ một chút công lao của những chiến sĩ - công nhân hôm nay đang trằn mình xẻ núi, mở đường trong cái rét cắt da, trong những trận mưa rừng, với những nốt ruồi vàng, bọ chó, vắt đỏ, vắt xanh và cả nỗi đơn côi hàng năm trời của những chàng trai đang độ xuân thì giữa rừng sâu, núi cao.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/con-duong-the-ky/