Con đường tiền tệ chi viện cho chiến trường miền Nam

Ngày 30-4, cả nước kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thắng lợi đó, có câu chuyện tuyệt mật và chỉ được giải mật sau 34 năm thống nhất đất nước mang tên 'con đường tiền tệ'. Theo đó, vai trò của việc chi viện, cung ứng tiền cho mặt trận phía Nam trong kháng chiến chống Mỹ kéo dài từ năm 1965 đến 1975 là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử.

Đội vận chuyển tiền C.100 thuộc Đ.559 vận chuyển hàng và tiền vào Trường Sơn.

Đội vận chuyển tiền C.100 thuộc Đ.559 vận chuyển hàng và tiền vào Trường Sơn.

Sự hình thành và đường đi của tiền

Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khó khăn. Để công tác hậu cần phục vụ kịp thời cho chiến trường, Bộ Chính trị quyết định thành lập Quỹ Ngoại tệ đặc biệt với phiên hiệu B29. B29 tồn tại và hoạt động như “ngân hàng ngoại hối đặc biệt”, phục vụ riêng việc chi viện cho chiến trường bằng ngoại tệ gồm các loại tiền USD, tiền Sài Gòn, Riel Campuchia, Kip Lào và Bath Thái Lan. Trụ sở của Phòng B29 được đặt tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước.

Ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục miền Nam với bí số N2683. Đây là đơn vị được Thường vụ Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận chi viện của Trung ương cho chiến trường miền Nam; đổi tiền, tổ chức cất giữ và vận chuyển cho các khu và các tỉnh toàn miền Nam… Như vậy, tại miền Bắc, B29 là đơn vị tổ chức tiếp nhận các nguồn giúp đỡ, hỗ trợ của các nước và chuyển cho N2683 tại miền Nam để phục vụ kháng chiến.

Con đường đưa ngoại tệ vào chiến trường chia làm 2 giai đoạn. Từ 1965-1973 vận chuyển bằng tiền mặt, mật danh gọi là AM. Ban đầu, chỉ thực hiện vài chuyến qua đường hàng không Paris - Hà Nội - Phnom Penh. Sau đó, do nhu cầu cần nhiều loại tiền, ngoài USD còn cần cả tiền Sài Gòn, Riel Campuchia, Bath Thái Lan, Kip Lào, việc cho tiền vào vali ngoại giao xách tay là không thể. Vì thế phải dùng vali lớn đóng gói, ngụy trang thành nhiều kiện (có lúc hàng trăm kg) chở bằng máy bay, tàu hỏa đưa ngoại tệ từ nước ngoài về Hà Nội, giao C100 Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cho vào hòm đạn và thùng sắt vận chuyển vào chiến trường bằng ô tô, tàu thủy. Đến cuối năm 1972, ta đã móc được đường dây trong nội đô có thể chuyển đổi từ USD sang các loại tiền khác, từ đó việc vận chuyển tiền mặt vào Nam đỡ cồng kềnh hơn.

Sơ đồ chuyển tiền FM.

Giai đoạn thứ 2 là cuối năm 1973 đến 30-4-1975, giao dịch theo quy ước tay ba giữa B29 với N2683 và thương gia Sài Gòn (nhận hàng trước, thanh toán sau). Khi B29 nhận được điện mật từ N2683 gửi ra đã nhận đủ số tiền Sài Gòn từ thương gia, B29 điện cho ngân hàng ngoại thương có tài khoản tại nước ngoài, yêu cầu họ trích tài khoản ghi có tài khoản của thương gia với số USD tương đương với số tiền mặt (theo tỷ giá N2683 đã thỏa thuận) C130 đã nhận tại Sài Gòn.

Một bên bán hàng thu USD ghi có vào tài khoản ở nước ngoài (nơi nhập hàng); một bên bán USD ở nước ngoài lấy tiền mặt tại Sài Gòn. Tiền mặt được lấy từ các tài khoản của thương gia tại ngân hàng ở Sài Gòn, mật danh là FM, do tổ chức C130 và N2863 bảo quản, vận chuyển tới vùng căn cứ địa cách mạng bằng nhiều phương thức ngụy trang đặc biệt để che mắt kẻ thù.

Chi viện hiệu quả

Dù đã 85 tuổi, nhưng ông Lê Văn Châu (thời kỳ đó là đặc phái viên của B29 với danh nghĩa Tùy viên kinh tế Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh, Trung Quốc giai đoạn 1967-1975, sau là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên) vẫn khá minh mẫn. Ông kể, tại miền Nam nhu cầu tài chính bằng tiền mặt chủ yếu gồm 2 loại là tiền Sài Gòn (mật danh lúc đó gọi là tiền Z) và USD. Ngoài ra, do nhu cầu chi phí tại một số nước lân cận là Campuchia, Lào, Thái Lan theo yêu cầu của cuộc kháng chiến, cũng cần một lượng nhất định tiền mặt bằng đồng Riel, Kip, Bath.

Đầu những năm 1960, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Trung ương Đảng và Chính phủ đặt vấn đề với Trung Quốc viện trợ cho miền Nam một số ngoại tệ bằng tiền mặt là USD. Trung Quốc còn giúp lập cơ sở ngân hàng tin cậy tại Hồng Kông. Tại đó, USD viện trợ được “chế biến”, tức là lấy một phần USD đó mua tiền Sài Gòn, Riel, Kip, Bath.

Chi phí “chế biến” các biệt tệ nói trên tốn kém vì phải chịu thua thiệt về tỷ giá và các chi phí khác (khoảng 3% giá trị tiền cần mua). Tiền được tập trung về cơ sở của Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở Quảng Châu - nơi tập kết các nguồn tiền mặt của đường dây. B29 cử người sang Quảng Châu nhận “hàng” để chuyển về.

Để phối hợp chính xác mọi tác nghiệp đổi tiền, chuyển tiền, nhận tiền, ông Châu có nhiệm vụ nắm bắt, điều phối nguồn viện trợ ngoại tệ, tham gia đàm phán và tiếp nhận viện trợ từ các nước bạn, đồng thời quan hệ với ngân hàng ở Hồng Kông “chế biến” USD và tiền Z Sài Gòn, Riel Campuchia, Kip Lào, Bath Thái Lan.

Ông Châu được xem là “trung tâm của 3 trung tâm”: Từ Bắc Kinh ông là đầu mối liên hệ với đồng đội ở Hồng Kông, BOC ở Quảng Châu và B29 ở Hà Nội.

“Trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương và nhiều cán bộ ưu tú của ngân hàng đã được cử vào miền Nam và ra nước ngoài hoạt động, với nhiệm vụ bí mật cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho chiến trường. Không ít cán bộ ngân hàng đã được giao trọng trách tham gia hoạt động trên trận chiến thầm lặng: tạo các kênh tài chính bí mật, xuyên qua nhiều quốc gia, nhiều vùng, với đầy rủi ro, nguy hiểm để cung cấp kịp thời các loại tiền chiến trường, đất nước cần” - ông Lê Văn Châu kể.

Trong hồi ức của mình, ông Phan Thúc Đương, phụ trách kiểm ngân kiêm thủ kho B29, cho biết toàn bộ guồng máy vận hành của khối lượng tiền 678 triệu USD bằng cả AM (tiền mặt) và FM (chuyển khoản) cho miền Nam, được thực hiện với đội quân chưa đến 100 người.

Nhờ có tiền cán bộ và bộ đội ta tránh được những chiến dịch càn quét ác liệt, những trận dội bom B52 rải thảm khủng khiếp. Có tiền đưa vào, hàng vạn thương binh được cứu sống, có thuốc men tốt.

Trong 10 năm (1965-1975) con đường tiền tệ đã vận chuyển vào miền Nam cả tiền mặt và chuyển khoản hơn 477 triệu USD. Trên đường vận chuyển, bị địch thả bom B52 đánh phá, xe và tiền bị cháy, mất gần 3,8 triệu USD.

-----------------

(*) (Tổng hợp từ sách “Huyền thoại con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ, cùng lời kể của ông Lê Văn Châu, và tài liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp)

Hà My (*)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/con-duong-tien-te-chi-vien-cho-chien-truong-mien-nam-90163.html