Con ho đờm, hắt hơi, sổ mũi... mẹ lập tức dùng kháng sinh là hại con

Dùng kháng sinh không theo đơn bác sĩ, coi kháng sinh là thuốc trị bất kỳ bệnh gì là thói quen sai lầm của rất nhiều bà mẹ.

Ho đờm, hắt hơi, sổ mũi… là những triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhiều mẹ mỗi lần thấy con húng hắng ho, chảy mũi là cho uống kháng sinh ngay. Nóng ruột khi thấy con ho, không ít mẹ đã mắc hàng loạt sai lầm trong việc dùng thuốc cho con đặc biệt là thuốc kháng sinh, khiến bệnh của trẻ chẳng những không hết hẳn mà còn hay tái phát, biến chứng nặng hơn. Bởi về cơ bản thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn mà nguyên nhân gây bệnh hô hấp ở trẻ chủ yếu do virus nên việc dùng kháng sinh trị ho cho con là vô ích trong đa số các trường hợp.

Trẻ mũi mủ, viêm tai.. mẹ không nên vội dùng kháng sinh.

Trẻ mũi mủ, viêm tai.. mẹ không nên vội dùng kháng sinh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, mũi mủ, viêm tai không nên vội dùng kháng sinh. Nếu như trước đây cứ thấy trẻ chảy nước mũi thành dịch xanh, dịch vàng là mặc nhiên coi đó là nhiễm khuẩn và dùng kháng sinh thì ngày nay, sau khi các nhà nghiên cứu lấy dịch xanh vàng đó cấy vi khuẩn nhưng lại không phát hiện vi khuẩn mọc lên, do đó dùng kháng sinh không có tác dụng.

Theo kinh nghiệm hàng chục năm chữa bệnh cho trẻ nhỏ, PGS. Dũng cho rằng, lúc đầu trẻ thường hay chảy mũi nhiều, sau đó thành dịch vàng và xanh thì nghĩa là lúc đó trẻ đã sắp khỏi bệnh. Lúc này trẻ có thể ho mạnh khiến nhiều cha mẹ lầm tưởng là bệnh nặng lên nhưng kỳ thực là bệnh đang sắp khỏi. Cho nên, nếu trẻ chỉ bị mũi thông thường thì chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, hút rửa là trẻ tự khỏi, không phải dùng kháng sinh.

Tương tự, với trẻ bị viêm tai cũng vậy, trước đây đa số đều được chỉ định dùng kháng sinh song cập nhật mới nhất hiện nay cho thấy, nếu trẻ viêm tai mà không chảy nước tai (thường gọi là viêm tai ở các triệu chứng nội soi) thì phụ huynh nên theo dõi tiếp trong 2 ngày sau đó.

"Thông thường có đến 50-80% đứa trẻ sẽ tự khỏi trong 2 ngày sau đó mà không cần dùng thuốc gì. Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi sát sao, trường hợp 2 ngày sau đó nếu thấy triệu chứng nặng lên thì cần cho con đến khám tại bác sĩ chuyên khoa, lúc đó bác sĩ kê thuốc vẫn chưa muộn, không gây ảnh hưởng gì đến trẻ, không gây biến chứng gì. Việc lạm dụng kháng sinh dễ khiến làm gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc gây lo ngại cho cộng đồng" - PGS. Dũng nói.

Không chỉ tự khám bệnh cho con, tâm lý khuyên người khác dùng thuốc kháng sinh từ "kinh nghiệm" bản thân là một sai lầm khác cũng rất phổ biến trong cộng đồng. Ngại cho con đi khám bác sĩ, nhiều bà mẹ nghe rỉ tai nhau kinh nghiệm từ các phụ huynh khác và cho con dùng kháng sinh tùy tiện, hoặc tự "kê đơn" cho người khác dựa trên các triệu chứng giống con mình.

Hành động này không chỉ hại mình mà hại luôn cả người. Uống kháng sinh không đúng bệnh có thể gây biến chứng, nặng thêm tình trạng bệnh và làm khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở, góp phần vào tình trạng kháng thuốc thêm trầm trọng.

Kháng sinh phải uống đủ liều, không được ngưng thuốc giữa chừng rất dễ gây kháng thuốc. Kháng sinh thừa nên được loại bỏ, không được "tiết kiệm" giữ lại để dùng cho lần sau vì liệu trình thuốc do bác sĩ chỉ định theo từng giai đoạn bệnh, loại thuốc và liều lượng thuốc dành cho bé cũng thay đổi. Thuốc cũ sẽ không còn phù hợp, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu tự ý điều trị.

Khi con vừa có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, mẹ nên xoa dầu vào lòng bàn chân, sau đó đeo tất (vớ) để giữ ấm.

Khi trẻ bị ho và sổ mũi thì việc giữ ấm là quan trọng. Mẹ nhanh chóng giữ ấm và luôn giữ cho mũi bé sạch và khô bằng cách hút, rửa 4-6 lần/ngày hoặc xịt nước muối biển để con tự xì mũi ra. Bên cạnh đó, có thể mát xa bàn chân, bàn tay và vùng cổ, gáy của con bằng dầu tràm hoặc dầu cho em bé.

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Sinh vật đề kháng có thể chịu được sự tấn công của các thuốc chống vi khuẩn (như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét) dẫn đến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn kéo dài, thậm chí gây tử vong và có thể lây lan cho cộng đồng.

Theo Tiểu Dũng/VietQ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/con-ho-dom-hat-hoi-so-mui-me-lap-tuc-dung-khang-sinh-la-hai-con/20211130093656397