Còn lại gì, những xế chiều đơn độc?

Tôi có dịp đối thoại và đối diện cùng họ, ba người tại ba địa chỉ khác nhau trong trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Họ chẳng phải ai xa lạ, là những người của một thời ghi dấu bằng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đối với nền văn học nghệ thuật, điện ảnh nước nhà: một đạo diễn điện ảnh (NSND Trần Phương), một diễn viên (NSƯT Lịch Du) và một nhà thơ (Võ Văn Trực).

Ở tận cùng của tuổi già, cái tuổi nỗi buồn vui chắt góp, sướng khổ rủi may dường như tùy thuộc cả vào số mệnh, họ có những buổi chiều của tuổi tác, của thực tại, nhìn và nghĩ, thấy sao mà cô đơn đến vậy.

Họ ngồi đó, nằm đó, giữa rất nhiều hào quang của quá khứ vọng về, nhưng trong ký ức nhiệm màu kia, có một thực tại buồn, của những tật bệnh, ốm đau, mất mát...

Nhớ những vinh hoa làm lưng vốn tuổi già

Tôi đến thăm NSND Trần Phương tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức (Sóc Sơn - Hà Nội) khi ông vừa dùng xong bữa chiều và đang ngồi xem tivi trong căn phòng dành cho hai người, rộng rãi thoáng mát và sạch sẽ. Người bạn cùng phòng thời gian này đi đâu vắng, nên chỉ mình ông một căn phòng rộng rãi đến độ trống trải.

Thấy tôi, ông cười rất tươi, rồi hỏi: "Tôi có quen cô không nhỉ? Cô làm ở đây hay ở đâu đến?". Tôi đùa ông: "Cháu đến từ xa gặp bác, vì hâm mộ thôi ạ!".

Ông cười: "Ôi, tôi thì có gì, giờ chỉ còn tuổi già thôi. Chán lắm. Đấy, mở tivi như vậy thôi, cho có tiếng người, chứ cũng chả xem, chả nghe được họ nói gì đâu. Giờ tai cũng nghễnh ngãng lắm. Kệ thôi cô ạ, mình thế cũng là được rồi!".

Rồi ông tắt tivi khi tôi bắt đầu hỏi ông về chuyện quá khứ, về chàng A Phủ ngày xưa làm mưa làm gió trên phim trường. Ông hào hứng: "Nói thật, tôi cũng có một thời hào quang thật cô ạ, nghĩ lại thấy hồi đó mình sướng. Người ta trọng vọng lắm. Mình đi đâu cũng như ông Hoàng. Nhiều em mê nữa (cười!).

Tôi cũng không nghĩ là đời mình lại có được sung sướng vậy. Nó là cái số cả thôi, chứ tôi sinh ra trong một gia đình nhà quê, bố làm thợ may, mẹ buôn bán ở chợ Thái Nguyên. Điện ảnh là một cái gì đó thật xa vời.

Tôi may mắn gặp được anh ruột của anh Phạm Duy là thầy Phạm Duy Nhượng - thầy giáo văn hóa của tôi. Thầy lãng mạn và mê sân khấu, thường tổ chức những buổi biểu diễn và cho tôi làm diễn viên, như vở Lưu Bình - Dương Lễ. Rồi tôi làm quen dần với nghệ thuật sân khấu. Sau này, tôi được cụ Thế Lữ dạy về sân khấu và được ở gần với các cụ, tôi học được ở các cụ rất nhiều điều.

Cụ Thế Lữ là người dạy tôi rất nhiều, rồi tôi tự mày mò, học hành mà tìm hiểu. Phim cũng từ đời mà ra, chính vì thế làm phim cũng giống như diễn lại cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Rồi tôi đi theo cách mạng.

Khi Thái Nguyên giải phóng, đàn ông đi làm thợ, đàn bà ở nhà ruộng vườn, cơm cháo, con cái. Số tôi rất may, tôi lại được làm thợ tiện cho ông Trần Đại Nghĩa, ông ấy luôn có những ý nghĩ rất lạ lùng không giống ai".

Tôi hỏi ông: "Bác đi Đức, đi Pháp, bác thấy những người thợ bên đó giỏi thế nào?". Ông (Trần Đại Nghĩa) hóm hỉnh: "Không có ai giỏi bằng cháu đâu!".

Ông khen thế để động viên mình, nhưng mà mình sướng trong bụng. Số tôi rất may, làm ở lĩnh vực nào cũng được gặp những người nổi tiếng và giỏi. Rồi do một lần bất cẩn, tôi cắt phải chính tay mình, bị cụt ngón tay, đây này, vẫn còn dấu tích đây này (ông giơ tay lên trong ánh đèn ne-on) nên không làm thợ được nữa.

Tôi xin tuyển vào bộ đội, vào Phòng Chính trị khu 1, lại ở chung với Hội Văn nghệ Trung ương, tôi được gặp nhà thơ Tố Hữu và được mời làm thư ký cho ông.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Phương từng nổi tiếng với vai A Phủ trong phim “Vợ chồng A Phủ” (bên trái).

Năm 1952, tôi là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Tôi tham gia nhiều thể loại, theo học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ, học văn với Nguyên Hồng, Tô Hoài, học chèo với Năm Ngũ, Cả Tam, tham gia đóng ca kịch Hòn đá của Đỗ Nhuận...

Đến năm 1955, tôi trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam. Sau đó, năm 1959, tôi tham gia đóng bộ phim đầu tiên Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài.

Tôi vào vai chàng thanh niên người Mông A Phủ (đóng vai Mỵ là cố NSƯT Đức Hoàn). Tôi cũng không ngờ là vai A Phủ lại thành công đến thế. Đến nỗi, có lúc người ta gọi tôi bằng cái tên A Phủ nhiều hơn tên Trần Phương.

Sau đó, tôi cũng được tham gia nhiều phim khác như vai Khoa - chồng Tư Hậu trong Chị Tư Hậu (1962); vai Khiêm trong Tiền tuyến gọi (1969); vai Sơn trong Biển gọi (1967); vai Tiệp trong Ngày lễ Thánh; vai Lực trong Vợ chồng anh Lực...".

Sau thành công của những vai diễn, NSND Trần Phương bắt đầu làm phó đạo diễn cho NSND Trần Vũ và đến năm 1980, ông cho ra mắt bộ phim Tội lỗi cuối cùng đã gây nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu ở cả Nam lẫn Bắc. Với bộ phim này, Trần Phương đã giành Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, Phương Thanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Thập niên 1990, khi trào lưu phim "mì ăn liền" phát triển, ông cũng tích cực tham gia với hàng loạt bộ phim Vụ án hồ Con Rùa; Dòng thác; SBC; Thủ môn từ trên trời rơi xuống; Tình ngỡ đã phôi phai; Vệt sáng ngược; Hai năm nữa anh về... đạt doanh thu rất cao...

Một cảnh trong phim “Vợ chồng A Phủ”. Ảnh: L.G.

Nói về một thời hào quang của mình, đạo diễn Trần Phương chia sẻ: "Làm nhiều việc, nhưng tôi phải thừa nhận thời làm phim cũng là thời tôi sống phóng khoáng và hết mình nhất.

Như cá gặp nước, tuổi trẻ rất hào sảng và sống động. Mình cũng được yêu chiều và thật sự không còn cảm thấy hối tiếc gì nữa vì cái gì tôi cũng đã được kinh qua rồi. Chỉ tiếc là tuổi già mắc lắm thứ bệnh tật quá, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, phải kiêng đủ thứ. Các con gái cũng đã có gia đình riêng, mình ở nhà một mình chúng nó không yên tâm. Thôi vào đây cho con nó yên tâm làm ăn.

Ở đây điều kiện tốt, mọi thứ ổn, nhưng tính mình vốn thích bay nhảy, nên cũng buồn. Tiếc là bà nhà tôi đi sớm quá. Nói thật, tôi yêu vợ tôi và cũng trân trọng bà ấy. Bà ấy là người duy nhất chịu được cái tính khí thất thường của tôi.

Mình đi khắp nơi, nhiều cô hâm mộ lắm, nhưng bà ấy chẳng bao giờ ghen tuông. Lạt mềm buộc chặt. Có nhiều cô diễn viên hâm hộ tôi, cũng đòi đi theo ra phết đấy, nhưng rồi, tôi cũng từ chối cả. May mình cũng có cái tỉnh táo. Nên có đi đâu thì tôi cũng về với bà ấy nhà tôi. Sống chỉ một vợ cùng mấy cô con gái, cho đến khi bà ấy ra đi, các con gái thay nhau trông nom mình. Nếu mà có kiếp sau, vẫn chọn bà ấy thôi!".

Bây giờ, các con thường xuyên tới thăm ông vào cuối tuần, nhiều bạn bè biết ông ở đây, cũng đến thăm ông, trò chuyện, kể lại những ký ức tươi đẹp của một thời chưa bao giờ nguôi ngoai trong trí nhớ.

Trước khi ra về, tôi hỏi NSND Trần Phương, nếu được làm lại cuộc đời từ thời tuổi trẻ, ông sẽ làm việc gì? Ông cười: “Chắc tôi vẫn chỉ hợp làm điện ảnh thôi, đến với điện ảnh tôi được là chính mình và được làm những điều mình đam mê, yêu thích...”.

Nhà thơ Võ Văn Trực.

Xin hóa kiếp... được làm hòn đá phẳng

Ông sinh năm 1939 tại làng Hậu Luật. Cái làng trở đi trở lại trong văn chương và thơ ca của nhà thơ Võ Văn Trực như một dấu ấn lớn trong cuộc đời. Cái làng, tuổi thơ, mẹ cha... đó là nỗi ám ảnh suốt cả một đời thơ ca vò võ.

Ông viết: "Lắng hồn nghe gió núi dậy ca dao/ Và thạch nhũ buôn lòng hang huyền thoại/ Trên võng cói từ những ngày bé dại/ Tôi lớn lên trong thần tích, lời ca/ Rồi một ngày tôi vĩnh viễn đi xa/ Xin hóa kiếp được làm hòn đá phẳng/ Dưới chân núi, một vòm cây che nắng/ Cho trẻ chăn trâu ngả nón sum vầy" (Núi Hai Vai).

Tôi có một điều may mắn là được gặp ông trong những tháng ngày ông còn khỏe mạnh, minh mẫn và lưu giữ được nhiều ký ức văn chương. Ngày ấy, nhà ông ở phố Yên Hòa, một căn nhà cũ nhưng mát mẻ, là một địa chỉ cho rất nhiều bạn bè đến chơi. Họ từng có những năm tháng tuổi trẻ bôn ba và đắm đuối với văn chương.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã xác định theo đuổi con đường văn chương. Dù ông từng được Bộ Ngoại giao nhận về làm việc nhưng cuối cùng vẫn xin được chuyển sang làm tại một cơ quan văn hóa.

Đến năm 1962, ông về làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thanh niên. Năm 1977, ông về làm biên tập viên rồi lên chức Phó tổng biên tập báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

Có thể gọi nhà thơ Võ Văn Trực là người điển hình cho tính cách người xứ Nghệ: hiền lành, thủng thẳng nhưng gàn và... cục tính.

Ông cương trực như chính cái tên cha mẹ đặt cho mình, luôn thẳng thắn và quyết liệt đấu tranh với những thói rởm đời dù ông hoàn toàn nhận thức được rằng, sự đấu tranh đó không phải lúc nào cũng mang lại cho ông những điều tốt lành, may mắn.

Nghệ sĩ ưu tú Lịch Du và con gái.

Cách đây chừng một năm, tôi có dịp đến thăm nhà thơ Võ Văn Trực, tuổi ngoài bát thập, trải qua nhiều lần tai biến, trí nhớ của ông dần suy kiệt, nhớ quên không rõ, dù nhìn bên ngoài vẫn khỏe và ăn uống tốt. Mỗi ngày người con trai duy nhất của nhà thơ là anh Võ Văn Cương dắt bố đi đi lại lại, chăm sóc cho bố.

Vợ nhà thơ Võ Văn Trực mất từ hơn 10 năm trước, con gái ông cũng đã mất vì bạo bệnh, nên tuổi già, ông trông cậy hết vào anh Cương.

Bởi thế mà trong cuốn sổ nhật ký được ông vẫn viết hàng ngày như thói quen mấy chục năm tuổi trẻ, trang nào cũng nguệch ngoạc, ngoằn nghoèo, có dòng không rõ chữ, nhưng tên "Cương" thì luôn mạch lạc: "Cương cho ăn cơm", "Cương báo chuyện nhà thơ Võ Thanh An mất vì ung thư", "Cương dắt đi tập thể dục", thậm chí là "Cương thỉnh thoảng cáu bố vì không chịu tập đi"...

Anh Cương chia sẻ: Ông dù ngủ hơi kém, nhưng vẫn còn ăn được, đọc đôi trang báo, tai thì rất thính, nên ông thường xuyên nghe các chương trình phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cách đây hai năm, khi chân ông chưa yếu như bây giờ thì anh vẫn cho ông ngồi xe rồi đưa ông đi dạo xung quanh khu nhà. Từ đầu năm đến nay thì chân ông yếu hẳn, đi được dăm bảy bước đã mệt, nên suốt ngày quanh quẩn ở trong căn phòng của mình.

Cũng bắt đầu từ đầu năm nay, ông yếu hẳn. Ông bị ảnh hưởng phổi nên khó thở và phải nằm viện. Nằm viện nhiều lần vẫn không thuyên giảm. Về vài bữa anh lại phải gọi cấp cứu đưa ông trở lại viện. Nhà cửa lại neo người nên cũng thực sự là một nỗi khổ của hai cha con.

Rồi bỗng một ngày, anh Cương đi xe bị tai nạn, gãy chân, vậy là công việc chăm sóc cha lại càng khó khăn. Anh và gia đình quyết định đưa cha mình vào Trung tâm dưỡng lão tại Linh Đàm để ông được chăm sóc tốt hơn.

Tuổi già như chiếc lá, một chiếc lá cô đơn và nhiều nỗi buồn. Nhà thơ Võ Văn Trực, trong suốt cuộc sống của mình, kể cả trong quãng thời gian khỏe mạnh của đời người, ông cũng phải trải qua nhiều nỗi buồn đau và mất mát. Người vợ của ông rồi đến người con gái yêu thương đã ra đi quá sớm, đã để lại trong ông một khoảng trống vô bờ, không gì bù đắp nổi.

Bởi thế mà gương mặt ông, lúc nào cũng đăm chiêu. Ánh mắt ông cũng ít cười, và sự giao du cũng ít dần đi, chỉ còn dăm ba người bạn cùng quê hoặc cùng sở thích.

Nhà thơ Vũ Từ Trang, một người bạn thơ kể: "Ngày còn tỉnh táo, ông nói, khi vào "buổi chiều của đời người", thì buồn phiền lắm. Vào thăm ông tại khu dưỡng lão, nhìn ông nằm trên giường điều dưỡng, người gầy, không nói được, mà thương ông bao nhiêu.

Nhớ hồi nào, hai anh em đi tàu hỏa vào Diễn Châu, Nghệ An, rồi chở nhau bằng xe đạp về thăm quê ông. Ngày ấy, ông xăng xái đưa tôi trèo lên núi Hai Vai quê làng Hậu Luật của ông, ông say sưa nói về tuổi thơ của ông ở làng...

Bây giờ, ông nằm bất lực, ăn uống phải nhờ đường xông, ái ngại cùng ông quá. Đời người, khi vào tuổi buổi cuối chiều của đời mình, đa phần là buồn".

Nhà thơ Võ Văn Trực nằm yên lặng trên chiếc giường trắng tại trung tâm dưỡng lão. Ông vẫn nghe và xử lý được thông tin mà những người bạn của mình gửi gắm, chỉ có điều ông không thể nói được. Khi nhắc về quê hương, bạn bè và những câu chuyện cũ, ông chắt chiu một giọt nước mắt mặn mòi trong khóe mắt đã già nua...

Bàn tay ông cử động nhưng bất lực trước những dây rợ quanh người. Đôi bàn tay đã viết hàng trăm trang bản thảo văn xuôi, hàng trăm trang văn.

Những trang viết luôn đau đáu về lẽ nhân sinh với những buồn vui của một kiếp người, để rồi cũng chỉ biết mặc kệ cho tất cả trôi đi trong vô định, chỉ còn lại những câu thơ đọc lên như cứa vào trái tim của những người yêu thương: "Một ban mai bỗng thơm gió hanh về/ Tiếng lá rụng ngoài vườn cây xào xạc/ Em mở cửa, hương lùa vào man mác/ Anh bàng hoàng, tình dậy: Đã mùa thu...".

Cảnh trong phim “Bình minh trên rẻo cao”. Ảnh: L.G.

Có lẽ nào... đã hết một mùa yêu?

Bà tên đầy đủ là Đỗ Thị Lịch Du, thuộc lớp diễn viên điện ảnh khóa đầu tiên (1959-1962) của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh).

Năm 24 tuổi, bà đóng vai đầu tiên, vợ ông Ruôn, trong phim Bình minh trên rẻo cao (năm 1966), của đạo diễn Trần Đắc và Nguyễn Đỗ Ngọc, đến nay bà đã tham gia đóng hơn 20 phim, hầu hết là vai các bà vợ.

Không sở hữu một nhan sắc tuyệt trần, nhưng ở bà lại toát lên sự khôn ngoan, thông minh nên bà thường được giao đóng những vai cá tính. Đặc biệt, nếu là vai nữ thì đó là những người đàn bà có phẩm chất chịu đựng, cuộc đời là một bi kịch lớn, thoắt buồn, thoắt vui.

Bà bảo, có lẽ những vai diễn với thân phận buồn ấy đã ám ảnh với đời bà cho đến tận sau này với một số phận trầy xước và trong tình yêu bà thường phải đón nhận một cái kết đắng đót và bi thảm.

Rồi bà thủng thẳng kể lại chuyện yêu: Cả một đời yêu dở dang, có nhiều người đàn ông đến với bà, nhưng kết lại, có ba mối tình hằn in mãi mãi. Mối tình đầu tiên từ thời bà còn là sinh viên, với một anh lính người Pháp.

Hồi đó, anh chàng đóng một vai trong phim Chị Tư Hậu nên thỉnh thoảng xuống Trường Điện ảnh để thỉnh giảng. Rồi họ gặp nhau và bén duyên. Khi anh chàng ngỏ lời, Lịch Du về xin phép gia đình và nhà trường để tính chuyện lâu dài nhưng gia đình phản đối kịch liệt.

Cuối cùng, mối tình ấy tan, đường ai nấy đi. Lịch Du cuốn vào học hành. Ra trường bà xin vào Hãng phim truyện Việt Nam và rồi quen biết với ca sĩ Quốc Hương. Họ sống với nhau, có một con gái chung. Nhưng mối tình ấy cũng nửa chừng đứt gánh vì hòa bình lập lại, nghệ sĩ Quốc Hương trở vào miền Nam, bà thì không thể khăn gói theo chồng vì nếu vào Nam thì có nghĩa là phải bỏ nghiệp diễn viên, bỏ hết mọi thứ thuộc về mình để chỉ ở nhà chăm lo cho gia đình. Mà bà thì còn nhiều ước vọng trong sự nghiệp.

Bà ở lại Hà Nội, một mình làm việc nuôi con khôn lớn. Những năm sau này khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, các hãng phim phía Bắc "sống dở, chết dở" nên bà cũng chịu chung số phận. Bà tham gia nhóm lồng tiếng cho phim.

Vào những năm 1990, bà có mối tình sâu đậm với một nhà biên kịch, một nhà văn nổi tiếng lúc bấy giờ. Họ đã khăn gói cùng nhau trốn biệt Hà Nội để vào miền Nam lập nghiệp. Bà dẫn theo con gái cùng người tình sống và viết ở TP Hồ Chí Minh. Đây là thời điểm bà viết sung sức và có hai mươi kịch bản phim ra đời. Nhưng rồi, mối tình ấy cũng chẳng đâu vào đâu nên họ lại "đường ai nấy đi".

Bây giờ, bà gom góp tất cả những ký ức đẹp đẽ và ngọt ngào, đau đớn ấy trong một chiếc rương đặc biệt và mang theo nó vào ở cùng mình trong Trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại Đông Ngạc - Bắc Từ Liêm - Hà Nội.

Bà ở trong căn phòng một mình rộng rãi và tiện nghi cùng sự phục vụ đủ đầy, chu đáo. Hỏi bà về việc quyết định vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở cho hết tuổi già của mình, bà chia sẻ rằng, bà có một cô con gái, nhưng rồi, bà cho con đi lấy chồng xa, định cư tại nước ngoài.

Bây giờ, căn nhà ở Hoàng Hoa Thám bà cho thuê, cộng với tiền lương hưu, cũng vừa đủ trả tiền để sống tại nơi này với một chế độ ăn uống, chăm sóc y tế cũng như vật lý trị liệu đầy đủ (13 triệu/ tháng). Bà vẫn hối tiếc khi quyết định cho con định cư ở nước ngoài, bà không thể hình dung được cuộc sống đơn thân của người già lại khốn khổ như thế này. Nỗi cô đơn đặc quánh triền miên, không có gì có thể lấp đầy nỗi trống vắng.

Trước đây bà chỉ nghĩ, hạnh phúc của con là niềm vui của mẹ. Bà sống được là nhờ những niềm vui ấy. Khốn nỗi cuộc sống của con cũng đầy những nhọc nhằn. Đôi khi có những điều muốn than thở với con lại thôi... Bà tập quen dần với cuộc sống đơn độc một mình trong Trung tâm dưỡng lão, dù xung quanh bà vật chất chẳng thiếu gì...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/con-lai-gi-nhung-xe-chieu-don-doc-512405/