Cơn 'lên đồng' của vàng và giải pháp 'ghìm cương'

Với mục tiêu tăng nguồn cung cho thị trường và thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên, sau các phiên đấu giá, giá vàng SJC trong nước đã chứng kiến một tuần tăng mạnh, liên tục tạo ra những mốc đỉnh lịch sử.

Vậy đâu là nguyên nhân giá vàng leo cao? Giải pháp nào để ghìm cương giá vàng? Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế: TS Nguyễn Minh Phong; TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng; PGS,TS Đinh Trọng Thịnh.

TS Nguyễn Minh Phong.

TS Nguyễn Minh Phong.

* Nhằm tăng nguồn cung cho thị trường vàng, mới đây NHNN đã tổ chức các phiên đấu giá vàng. Tuy nhiên, sau phiên đấu giá, thị trường vàng trong nước đã chứng kiến tăng dữ dội của giá vàng miếng SJC với mức đỉnh là 92,5 triệu đồng/lượng và hơn 77 triệu đồng/lượng vàng nhẫn. Vậy đâu là nguyên nhân thưa các chuyên gia?

TS Nguyễn Minh Phong: Giá vàng những ngày vừa qua tăng do nhóm 2 nguyên nhân: Nguyên nhân khách quan, giá vàng thế giới có những biến động cũng như đang đạt đỉnh trên mọi thời đại, chưa biết khi nào dừng và rất khó đoán định, xu hướng lên. Giá vàng thế giới tăng, giá vàng Việt Nam cũng sẽ tăng theo đồng điệu với giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là giá vàng Việt Nam đang tăng lệch dòng và khoảng cách quá xa với giá vàng thế giới. Đây chính là lỗi chủ quan của công tác đấu thầu vàng và quản lý nhà nước.

Việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn được kỳ vọng sẽ “kìm hãm” được việc leo thang của giá vàng. Nhưng công tác đấu thầu vàng đã không làm cho giá vàng giảm mà còn tăng bởi 3 lý do:

Thứ nhất, mức giá tham chiếu mà NHNN đặt ra quá cao so với nhu cầu thị trường hiện nay. Ví dụ giá tham chiếu ngày 22/4 là 81,8 triệu đồng/lượng và ngày 25/4 tăng lên 82,3 triệu đồng/lượng.

Mức giá này không chênh lệch nhiều so với giá mà các doanh nghiệp đang mua vào trên thị trường, nên rõ ràng không thể giúp kéo được giá vàng trong nước đi xuống.

Thứ hai, điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao.

Trong khi đó, theo thời giá thị trường, giá vàng SJC ở mức 81 triệu đồng/lượng, tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng thì doanh nghiệp không thể có nhiều tiền để mua vàng một lúc như vậy.

Việc bỏ ra lượng vốn hơn trăm tỷ đồng để "ôm" lượng vàng lớn trong khi không đảm bảo được đầu ra khiến nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc.

Thứ ba, việc chưa cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng khiến vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức đều thiếu. Trong khi vàng SJC được độc quyền thương hiệu vàng quốc gia khiến người dân đổ xô vào mua vàng SJC đẩy giá lên cao.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh.

TS Đinh Trọng Thịnh: Giá vàng trong nước tăng phi mã có một phần tác động từ giá vàng thế giới và tâm lý thị trường trong nước. Giá vàng thế giới dù đã ghi nhận xu hướng “hạ nhiệt” so với trước đó nhưng vẫn liên tục neo cao ở mốc trên 2.359 USD/ounce.

Với thị trường vàng trong nước, tâm lý của người mua đang là yếu tố quyết định quan trọng tới đà tăng của giá vàng. Theo đó, người mua vẫn sẵn sàng mua với giá cao hơn vì cho rằng giá vàng sẽ còn tăng. Vàng miếng SJC vẫn là mặt hàng mà mọi người đang mong muốn mua được, vẫn là kênh được nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm.

NHNN đã tổ chức 5 phiên đấu thầu nhưng chỉ 2 phiên đấu thầu thành công. Điều đó cho thấy lượng vàng miếng NHNN cung ứng ra thị trường qua các phiên đấu thầu còn ít, chưa đủ để “hạ nhiệt” giá vàng.

Khi nguồn cung ra thị trường ít thì nhà kinh doanh cũng có tâm lý rằng lượng vàng đáp ứng thị trường không tăng thêm, sẽ nảy sinh tâm lý có vàng muốn giữ lại vì cho rằng giá sẽ còn tăng. Hai điều này khiến giá vàng SJC tăng mạnh trong những ngày qua.

TS Đinh Thế Hiển: Có 3 lý do chính để giá vàng trong nước tăng cao mạnh mẽ. Thứ nhất, giá vàng tăng do nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, cùng với bất ổn kinh tế cũng như chính trị.

Thứ hai, trong vòng 2 năm nay, Việt Nam không có cung vàng miếng ở thị trường nội địa trong khi cầu vàng miếng mỗi năm đều có, đặc biệt nhu cầu vàng năm 2022 - 2023 tăng mạnh.

Thứ ba, là do kênh bất động sản suy thoái, cộng với năm 2023 lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, dẫn đến dòng tiền đầu tư chuyển sang vàng. Ngoài ra, giá vàng tăng còn do yếu tố tâm lý tác động, do nền kinh tế đang khó khăn, nên người dân xem vàng là kênh trú ẩn an toàn.

* Giá vàng tăng sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, sản xuất thưa các chuyên gia?

TS Nguyễn Minh Phong: Thứ nhất, giá vàng tăng mạnh gây xôn xao thị trường, đặc biệt nguy hiểm khi các dòng tiền đổ dồn tất cả vào vàng khiến dòng tiền cho các lĩnh vực khác bị thu hẹp lại. Thứ hai, tạo lợi ích nhóm quá lớn cho dân buôn vàng và cung cấp vàng khiến người dân bị thiệt thòi.

Thứ ba, tạo ra sự bất an cho các lĩnh vực khác nhau. Đáng nhẽ dòng tiền đầu tư vào phát triển sản xuất, bất động sản… thì tiền đổ vào đầu tư vàng nên các lĩnh vực khác trì trệ.

TS Đinh Trọng Thịnh: Vàng hiện chỉ được xem là kênh đầu tư, không còn là phương tiện thanh toán như trước. Các ngân hàng thương mại cũng không còn huy động và cho vay vàng, nên việc giá vàng biến động mạnh tác động không đáng kể đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh, chênh lệch lớn với giá thế giới sẽ khiến tình trạng buôn lậu vàng gia tăng, từ đó tác động đến giá USD trên thị trường tự do.

Chưa kể khi giá vàng biến động mạnh, người dân đổ xô đi mua, thậm chí rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang kênh đầu tư này sẽ khiến ngân hàng khó huy động vốn từ người dân. Người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất, kinh doanh mà đẩy mạnh mua vàng. Điều này có nghĩa tiền nằm im trong dân, sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

TS Đinh Thế Hiển: Giá vàng tăng cao chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiết kiệm, dư thừa trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Tiền tiết kiệm, tiền dư thừa đổ vào vàng sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển làm cho nền kinh tế chậm bước tiến.

TS Đinh Thế Hiển.

TS Đinh Thế Hiển.

* Theo các chuyên gia cần có giải pháp nào kiểm soát đà tăng của giá vàng?

TS Nguyễn Minh Phong: Giải pháp quan trọng nhất phải tự do hóa thị trường nhiều hơn, giảm thiểu tình trạng độc quyền như hiện nay để tránh tình trạng vừa buôn lậu vừa ăn chênh lệch cao.

Thứ hai, việc đấu thầu NHNN phải trực tiếp bán vàng ra với giá thấp hơn giá thị trường; ngăn chặn tình trạng mua vét rồi bán ra ngoài, tức là phải đưa ra nguồn cung thấp hơn giá thị trường trong nước thì mới kéo giá vàng xuống. Các NHNN tổ chức đấu giá vàng như hiện nay giống như việc “đổ thêm dầu vào lửa”.

TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta cần đánh giá Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng để xem những mặt được, chưa được để sửa đổi khắc phục. Trong giai đoạn trước mắt, tôi cho rằng NHNN cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng để hướng dòng ngoại hối cũng như dòng ngoại tệ vào mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ tăng trưởng sản xuất của nền kinh tế quốc dân, tạo ra công ăn việc làm cho người dân.

Thời gian trước, chúng tôi có nghiên cứu về thị trường vàng của Ấn Độ, Trung Quốc và thấy rằng trong thời điểm hiện tại với nền kinh tế của Việt Nam chúng ta chưa cần thiết xây dựng các sàn vàng và chưa cần thiết phải tìm các doanh nghiệp nhập khẩu vàng để phục vụ cho nhu cầu trong nước.

TS Đinh Thế Hiển: Để kéo giá vàng trong nước về mức hợp lý, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới cần có những chính sách đồng bộ. Chính sách này phải bao gồm cả giải pháp thị trường và giải pháp hành chính.

Tức là Nhà nước phải kiểm soát vàng có điều kiện, không thể nào vì nhu cầu mua vàng tăng cao mà nhập vàng một số lượng lớn, phải tính toán một lượng vàng hợp lý nhập về nhằm đảm bảo chính sách tiền tệ và đáp ứng nhu cầu người dân.

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là tập trung ngăn chặn trục lợi của việc chênh lệch giá vàng, đó là buôn lậu. Xử lý buôn lậu không chỉ nằm trong những người buôn lậu, mà còn phải mở rộng trong những người mua vàng không có nguồn gốc để bán ra, đó là quản lý chặt các tiệm vàng trong vấn đề kinh doanh vàng.

Thậm chí, có thể áp dụng đề xuất mua vàng lớn phải thanh toán qua tài khoản, để quản lý kinh doanh mua bán vàng hiệu quả hơn.

Cách làm này sẽ giúp khắc phục được một giai đoạn, đó là giai đoạn mà giá vàng trong nước vẫn chênh lệch với giá vàng thế giới, để tránh “chảy máu” đô la qua đường buôn lậu nhằm mục đích trục lợi.

Và sau đó với những giải pháp cung vàng có kế hoạch và những kênh đầu tư khác dần phục hồi thì giá vàng sẽ từng bước ổn định, thị trường vàng sẽ bình ổn.

Nguyễn Síu (thực hiện)

Báo Lao động Xã hội số 58

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/con-len-dong-cua-vang-va-giai-phap-ghim-cuong-20240514134016728.htm