Con liên tục đi vệ sinh, đến gặp bác sĩ mẹ bàng hoàng khi biết lý do

Không ai có thể ngờ rằng ở cái tuổi còn đợi mẹ chăm bẵm từng miếng cơm thì bé trai đã phải liên tục đi vệ sinh vì mắc phải căn bệnh mà đến người lớn còn khổ sở.

Cách đây 1 tuần, chị lâm Hải Hà (sinh sống ở Phúc Kiến, Trung Quốc), mẹ bé Tiểu Kiệt nhận được cuộc điện thoại từ cô giáo của con nói rằng con đi vệ sinh liên tục ra quần. Từ hôm đó, chị đã phải để con ở nhà vài ngày ít hôm và phát hiện vấn đề.

Mấy ngày bé Kiệt ở nhà với mẹ, chị Lâm thấy con thường xuyên khát nước và bé đi vệ sinh rất nhiều lần. Chị cũng thấy nước tiểu của bé hơi đỏ sau khi ăn thanh long và hơi dính. Nghi ngờ con có vấn đề sức khỏe, chị quyết định đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ sau khi cho bé làm xét nghiệm máu và nước tiểu đã thông báo một tin sét đánh ngang tai rằng bé Tiểu Kiệt bị bệnh tiểu đường.

Từ ngày phát hiện bệnh, bé phải nhập viện điều trị, mỗi ngày phải tiêm 4 liều insulin và đo đường huyết thường xuyên, vì nếu đường huyết tăng cao, bé có thể sẽ rơi vào hôn mê và nguy kịch. Vì bị tiêm quá nhiều, mỗi khi nhìn thấy cô y tá cầm kim là Tiểu Kiệt liền òa lên khóc nức nở.

Bé Tiểu Kiệt là một trong số các trẻ mắc tiểu đường được chú ý trong thời gian gần đây. Không ai có thể ngờ căn bệnh tiểu đường những tưởng chỉ tìm đến người già, người béo phì, giờ đây lại chẳng buông tha các trẻ nhỏ.

Bé V.A. (trú tại tập thể Tân Mai, Hà Nội) bị tiểu đường type 1, phải điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Mẹ bé cho biết từ khi sinh ra cháu khỏe mạnh, ăn uống tốt. Khi V. A. được 4 tuổi, mẹ bé thấy con gái hay khát và đi tiểu nhiều, nước tiểu có màu vàng sậm và mùi tanh khó chịu. Chị đưa con đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ cho biết bé chị tiểu đường type 1. Bé phải kiểm tra đường huyết thường xuyên và tiêm insulin hàng ngày.

Câu chuyện của con trai chị Lâm Hải Hà, của bé V.A. một lần nữa lại khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Vì sao các bé còn nhỏ tuổi lại có thể mắc bệnh tiểu đường? Nguyên nhân có phải từ nguồn thực phẩm?

Thực ra, tiểu đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không ngoại trừ trẻ em. Độ tuổi bé thường bị tiểu đường nhất là tuổi bắt đầu đi học (5-7) và tuổi dậy thì (11-13), có trường hợp bé được phát hiện bệnh khi dưới 2 tuổi, thậm chí bé sơ sinh. Bệnh khiến trẻ gầy mòn, bé liên tục đi vệ sinh, rối loạn tri giác, suy hô hấp, hôn mê, co giật, nhiễm trùng…

Theo PGS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em ngày càng có xu thế gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam.

Vì sao trẻ mắc bệnh tiểu đường?

Trẻ có thể mắc tiểu đường type 1 và type 2. Tuy nhiên, trẻ thường hay mắc tiểu đường type 1 do các tế bào tuyến tụy bị phá hủy không sản xuất được insulin và bé phải mang bệnh suốt đời. Với trẻ bị tiểu đường type 2, cơ thể vẫn sản xuất insulin nhưng các tế bào không tiếp nhận insulin.

Tiểu đường do di truyền đơn gen trong đó chủ yếu là trẻ bị tiểu đường type 1, còn được gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin. Đây là một bệnh mạn tính, tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin - một nội tiết tố cần thiết, cho phép đường (glucose) nhập vào tế bào để sản xuất năng lượng.

Các yếu tố thuận lợi của tiểu đường type 1:

- Di truyền từ cha mẹ

- Stress làm gia tăng các nội tiết tố liên quan đến đường huyết

- Nhiễm vi sinh vật (vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng - trong môi trường, trong thực phẩm, trong một thời kỳ mắc bệnh nào đó).

- Một số kháng thể có trong thức ăn và thuốc có thể gây tình trạng thiếu insulin.

- Tiểu đường type ít gặp ở trẻ em, và thường xuất hiện trên cơ địa béo phì. Tuy nhiên, béo phì chỉ là yếu tố thúc đẩy đến tiểu đường khi bé đã bị di truyền, chứ béo phì không phải là nguyên nhân dẫn đến tiểu đường.

Triệu chứng khi bé bị tiểu đường

1/ Bé đi tiểu thường xuyên

Do lượng đường tích tụ trong máu quá nhiều khiến thận quá tải khi phải làm việc để lọc và hấp thu lượng đường dư thừa. Nếu thận không hoạt động tốt thì đường sẽ được bài tiết vào nước tiểu, nhiều dịch tế bào cũng bị kéo vào máu và thải ra ngoài cùng nước tiểu do đó những bé mắc bệnh sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và có thể bị mất nước.

2/ Bé khát nước

Vì đi tiểu quá nhiều nên cơ thể bị mất nước nghiêm trọng khiến bé khát, bé uống nhiều nước hơn thì lại đi tiểu nhiều.

3/ Bé mệt mỏi

Do bé đi tiểu nhiều lần dẫn đến mất nước và các tế bào bị đói, cạn kiệt năng lượng, làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể, bé lúc nào cũng mệt mỏi ủ rũ.

4/ Bé hay đói

Do cơ thể thiếu insulin nên đường trong máu cao nhưng đường trong tế bào vẫn bị thiếu hụt làm các mô cạn kiệt năng lượng khiến bé đói thường xuyên, dù đã ăn no.

5/ Bé sụt cân đột ngột

Do lượng đường bài tiết vào njước tiểu nên bé luôn thấy đói, các mô cũng không nhận đủ năng lượng từ đường qua thức ăn nên lấy năng lượng từ mô mỡ, khiến bé sụt cân đột ngột và nhanh chóng.

6/ Bé nhìn không rõ

Lượng đường trong máu cao dẫn tới tình trạng rút dịch từ các mô, bao gồm mô thủy tinh thể của mắt, hình thành các mạch máu mới ở võng mạc, gây tổn thương các mạch máu, có thể dẫn tới mù lòa.

Điều cần làm khi bé bị tiểu đường type 1:

Khi bé bị tiểu đường type 1, cần phải điều trị suốt đời. Hàng ngày phải tiêm insulin 3 - 4 lần, phải lấy máu từ 4 - 6 lần và 10 lần chọc kim ở da. Cha mẹ cũng nên lưu ý:

- Nhắc nhở bé tập thể dục thường xuyên để duy trì trọng lượng khỏe mạnh.

- Kiểm soát đường huyết.

- Cho bé ăn thực phẩm lành mạnh.

- Chăm sóc đặc biệt khi bị ốm.

Theo Webtretho

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/me-be/con-lien-tuc-di-ve-sinh-den-gap-bac-si-me-bang-hoang-khi-biet-ly-do-793773.html