Con mắc tay chân miệng nặng thêm vì những sai lầm này của người lớn

Thời điểm này, nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện. Những sai lầm của người lớn trong cách chăm sóc dưới đây có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những tổn thương dạng phỏng nước. ảnh minh họa

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những tổn thương dạng phỏng nước. ảnh minh họa

Bị bệnh rồi sẽ không thể bị lại?

Mấy ngày nay thấy con gái có biểu hiện nóng, sốt, đau đầu, chị Lê Thị Minh (Hà Nội) ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt về cho bé uống. Nhưng cứ hết thuốc, con chị lại sốt cao trở lại. Sau hai ngày không hạ sốt, tay lại xuất hiện một hai nốt phỏng, chị vội đưa con vào viện. Qua thăm khám, bác sỹ kết luận con chị bị mắc tay chân miệng. Nghe vậy chị thắc mắc bảo năm ngoái con chị đã bị tay chân miệng, không có lý gì năm nay con lại bị bệnh trở lại.

Không chỉ chị Minh mà còn rất nhiều cha mẹ cho rằng, con đã từng bị tay chân miệng rồi thì sẽ không bị bệnh lại nữa. Trao đổi với PV Báo Gia đình&Xã hội về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm – Thần Kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) cho biết, đây là quan niệm không đúng. Do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dù bị bệnh tay chân miệng rồi vẫn có thể tái phát nhiều lần nếu bé tiếp xúc với người bị bệnh. Tay chân miệng có thể do nhiều loại virus gây ra. Trẻ vẫn có miễn dịch với loại virus đã mắc trước đó, nhưng loại virus mới mắc phải có thể chưa có miễn dịch. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc độc lực của siêu vi gây bệnh, cơ địa từng người. Các lần mắc bệnh khác nhau đều có cùng biểu hiện là loét miệng, nổi nốt ở lòng bàn tay, bàn chân.

Cũng theo BS Khanh, thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. So với tháng 7, 8 số lượng trẻ nhập viện tăng gấp 5 lần. Trước có 20 trẻ, giờ đến hàng trăm trẻ vào viện mỗi ngày, trong đó không ít trường hợp vào viện trong tình trạng nặng. Nhờ tuyên truyền, ý thức phòng bệnh cũng như hiểu biết về bệnh đã cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số cha mẹ chăm sóc trẻ không đúng cách khiến trẻ gặp phải biến chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Một số sai lầm cha mẹ hay mắc phải khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng:

Vệ sinh sai cách

Trẻ mắc bệnh này trong miệng thường có những tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra tạo thành vết lở loét, để sát trùng nhiều mẹ dùng muối, chanh khiến cho da trẻ càng tổn thương nhiều. Hay như quan niệm trẻ cần phải kiêng tắm gội. Thật ra nếu kiêng như vậy sẽ làm cho trẻ khó chịu hơn vì bị ngứa và có thể gây nên nhiễm trùng da đi kèm.

Chỉ lưu ý là khi tắm cho trẻ nên ở phòng kín, không dùng xà phòng, tránh làm vỡ nốt phỏng, làm các vết loét nặng hơn và tăng nguy cơ bị bội nhiễm. Sau khi tắm thì nên sử dụng các thuốc bôi như betadine sát khuẩn. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ. Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước vì sẽ có tác dụng làm sạch miệng.

Kiêng quá mức

Trẻ bị tay chân miệng với những mụn nước ở miệng làm trẻ đau đớn, khó chịu khi ăn uống nên trẻ rất lười ăn. Nhiều người lại cho trẻ ăn kiêng quá mức, tránh các loại đồ tanh làm trẻ thiếu hụt dinh dưỡng, sức đề kháng giảm. Cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, lưu ý thức ăn nên làm mềm như cháo, bột vì thức ăn cứng dễ làm đau rát miệng. Không ép trẻ uống các loại nước vị chua hoặc quá nóng làm trẻ đau họng thêm. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày cho trẻ.

Ăn uống đảm bảo vệ sinh. Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa…

Không cách ly trẻ

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, họng, chất dịch từ mụn nước… của người bệnh. Tuy nhiên, có nhiều gia đình không ý thức được nên vẫn cho trẻ đến lớp, chơi với trẻ khác khi con có dấu hiệu bệnh, dẫn tới dịch lây lan rộng hơn. Trẻ bị tay chân miệng cần được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Ngoài ra, một số trường hợp nhầm bệnh với loét miệng nên điều trị muộn. Nếu là viêm loét miệng bình thường, các vết loét thường nhỏ, xuất hiện ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi. Khi có bọng nước, lại xuất hiện các triệu chứng nặng như nôn ói, sốt cao khó hạ… cần đưa trẻ vào viện ngay.

Chú ý những dấu hiệu biến chứng nặng

Theo GS.TS Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi, trẻ càng nhỏ càng dễ bị nặng hơn. Biểu hiện của bệnh là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và miệng. Đầu tiên, xuất hiện các ban đỏ, sau đó các ban đỏ có thể biến thể thành các mụn phỏng ở da, tập trung ở vùng tay, vùng mông và lòng bàn chân, lòng bàn tay. Trong miệng xuất hiện các nốt đỏ, sau đó có thể loét và có thể lan ra cả môi, cả lợi. Ngoài ra, trẻ thường kèm theo sốt, kém ăn. Thể nặng có thể sốt cao, nôn, bỏ bú, có trường hợp nặng có thể khó thở, suy hô hấp. Bạn phải theo dõi nếu thấy trẻ sốt cao, sốt hơn 2 ngày, bị co giật, yếu tay chân, thở mệt phải đi viện ngay.

Các chuyên gia khuyến cáo, tay chân miệng không có vaccine phòng bệnh nên chủ yếu vẫn là phòng bệnh, giảm nguy cơ phơi nhiễm. Bệnh thường lây trực tiếp từ người bệnh hoặc gián tiếp qua bàn tay hoặc đồ vật có dính dịch tiết từ bệnh nhân. Nếu tay trẻ vô tình bị dính dịch tiết từ người bệnh hoặc của người lành mang mầm bệnh qua tiếp xúc vẫn có khả năng nhiễm bệnh.

Giữ vệ sinh tốt là cách phòng ngừa an toàn. Bạn nên thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ. Để khử trùng đồ chơi, vật dùng bằng hóa chất khử khuẩn trước tiên rửa sạch bằng nước và xà phòng. Sau đó ngâm vật dụng trong dung dịch khử khuẩn đã pha theo đúng nồng độ hướng dẫn trong thời gian từ 10-20 phút. Cuối cùng rửa lại bằng nước sạch và để khô.

Vệ sinh nhà cũng nên dùng dung dịch khử khuẩn sau khi dùng nước sạch lau. Mọi người có thể dùng dung dịch cloramin B hoặc nước javel để khử khuẩn tối thiểu mỗi tuần một lần. Bên cạnh việc lau sạch nhà cửa, vật dụng, đồ chơi cần tạo cho trẻ thói quen rửa sạch tay thường xuyên, cố gắng không để trẻ mút tay.

Điều trị tay chân miệng cơ bản là dùng dung dịch sát khuẩn ở miệng, dùng gel đánh vào miệng để giữ vệ sinh. Ở da giữ cho nốt phỏng tránh vỡ dẫn tới nguy cơ nhiễm khuẩn, bôi dung dịch sát khuẩn thường xuyên. Chỗ bị phỏng vỡ ra cũng có thể là nguồn lây nên phải giữ vệ sinh thật tốt. Bên cạnh đó, trẻ bị bệnh thường kèm sốt, cần hạ sốt sớm. Cho uống đầy đủ nước dung dịch điện giải như oresol. Tốt nhất khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bệnh nên đưa đi khám để được tư vấn, điều trị hợp lý.

Theo BS Trương Hữu Khanh

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/con-mac-tay-chan-mieng-nang-them-vi-nhung-sai-lam-nay-cua-nguoi-lon-20181005194208966.htm