Con nghỉ học cắm đầu vào tivi, điện thoại, chuyên gia hiến kế bố mẹ xử êm

Nghỉ phòng dịch Covid – 19, không thể bay nhảy ngoài đường, phần lớn học sinh bị giam trong 4 bức tường và làm bạn với tivi, điện thoại. Nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy bất lực khi thả con với tivi, điện thoại ở nhà cả ngày mà nói không được

Kỳ nghỉ dài phòng Covid-19 khiến phụ huynh khá chật vật khi phải đối mặt với việc vừa trông con, quản lý con vừa đi làm.

Chị Hoàng Lan Anh (Hoàng Mai) cho hay: “Mình thật sự bất lực với 2 đứa con, việc yêu cầu con tự học ở nhà rất nhọc và stress. Cháu lớn học lớp 10 nhưng suốt mấy tuần nghỉ chỉ thích vào mạng xã hội và tán gẫu với bạn bè.

Thời gian con dành cho việc học rất ít, dù cô giáo gửi video bài giảng nhưng con bảo không có hứng thú học qua video và cũng không hiểu bài nên học kiểu "chống đối", thậm chí bỏ không học online luôn”.

Bé thứ hai đang học lớp 6, trước đây đã rất mê các trò chơi trong ipad. Phòng dịch Covid-19, được nghỉ ở nhà là con miệt mài với cái ipad từ sáng đến tối.

"Hôm qua đi làm về con khoe, sau thời gian luyện đã đạt đến mức kim cương của trò đấu gì đó mà tôi không nhớ tên”, chị Lan Anh thở dài.

Nhiều phụ huynh bất lực vì con chơi game suốt những ngày nghỉ phòng chống Covid 19

Chị Nguyễn Bích Hồng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đi làm nhưng vẫn thường xuyên xem camera ở nhà để theo dõi xem con làm gì. Gần 1 tuần nay cháu chán không muốn làm bài tập nữa, không được đi chơi với bạn, cả ngày chúng “dán mắt” vào ti vi. Nhắc nhở, mắng mỏ, phạt các kiểu thậm chí nổi điên lên cũng không ích gì, đâu vẫn vào đó, mỗi ngày với chúng là điệp khúc tivi từ sáng đến tối”, chị Hồng cho hay.

Theo Tiến sĩ tâm lý học Đào Đức Minh – ĐH Quốc gia Hà Nội: “Cha mẹ Việt thường có thói quen “nổi điên” lên khi con không làm theo ý mình nhưng lại không chịu tìm hiểu vì sao con như vậy.

Các bậc phụ huynh quát con vô tình làm cho đứa trẻ biết rằng cha mẹ đang tức giận chứ con không hiểu cha mẹ đang muốn gì và con đang sai điều gì”.

Theo tiến sĩ Đào Đức Minh thay vào đó, cha mẹ nên ngồi lại giải thích cho con rõ việc mình muốn con làm là vì sao. Ví như có thể giải thích muốn cho con học online những ngày nghỉ chống dịch là để con củng cố kiến thức, không bị quên bài.

Bên cạnh đó, hiện nay các bạn của con cũng đang ra sức rèn luyện, nếu con không cố gắng thì sẽ bị tụt lại sau, không theo được các bạn.

Bố mẹ cũng nên kích thích sự nỗ lực của con bằng việc “treo thưởng”. Nếu con làm được việc này thì mẹ sẽ thưởng cho con cái kia chẳng hạn. Phần thường là những thứ chúng thực sự thích thì chúng sẽ có động lực để cố gắng.

“Sinh ra không có đứa trẻ nào bưởng bỉnh đến mức phụ huynh phải bất lực, quan trọng là phương pháp chúng ta giáo dục con và dành thời gian cho con thế nào mà thôi.

Tôi cũng cảnh báo cha mẹ đừng để con chìm trong đam mê với game, internet với các trò chơi hay mải miết xem ti vi mà quên việc vận động để tăng cường sức khỏe, đọc sách, tìm hiểu thế giới xung quanh…Nếu để việc cho con xem ti vi, điện thoại kéo dài sẽ làm sức ì của con tăng cao và khi trở lại trường con sẽ thấy chán nản”.

Theo tiến sĩ Minh, để thay đổi được con, bố mẹ cũng cần kiên trì và thay đổi chính thói quen của mình nữa. Không thể nhắc con phải cai tivi, điện thoại khi bố mẹ cũng về đến nhà là cắm mặt vào các thiết bị đó.

Với học sinh đã nghiện game online, kéo theo hàng loạt hệ lụy như: Sa sút về thể lực và tinh thần, trầm cảm, hay cáu gắt, bỏ bê việc học hành, đặc biệt là không kiểm soát được hành vi của mình.

Điển hình như hành vi tấn công bạn học, người thân ở một bộ phận học sinh hiện nay bắt nguồn do nghiện game. Tiến sĩ Minh đã từng giúp đỡ một nam sinh lớp 6 rất thông minh nhưng do cha mẹ bận, để cháu cho giúp việc chăm sóc và chu cấp mọi thứ cháu cần, cháu nghiện game lúc nào không hay. Từ một học sinh thông minh, chăm ngoan em đã biến thành con người khác, thường xuyên trốn học đi chơi game, có hôm ngồi thâu đêm ở quán game.

"Khi bị lớp trưởng nhắc nhở vì thường xuyên không làm bài tập, cháu đã lập tức xông đến tấn công bạn lớp trưởng. Sau đó, tôi đã tư vấn cho bố mẹ bạn ấy tiến hành các biện pháp trị liệu tâm lý song song với việc cai game nhưng cũng phải mất đến gần 2 năm mới thành công", TS. Minh cho hay.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/con-nghi-hoc-cam-dau-vao-tivi-dien-thoai-chuyen-gia-hien-ke-bo-me-xu-em-post333312.info