Còn người, còn trận địa

Tôi được nghe Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Đức Hiền, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ , năm 1972.

Cuối tháng 6-1972, địch hành quân tái chiếm Quảng Trị, mục tiêu số một chúng xác định là Thành cổ. Từ ngày 10 đến 20-7, địch liên tục tổ chức nhiều đợt tấn công, sử dụng pháo kích bắn cấp tập, máy bay ném bom rải thảm, sau đó cho xe tăng, thiết giáp và bộ binh tấn công. Thất bại vì không cắm được cờ trên dinh tỉnh trưởng Quảng Trị trong Thành cổ, địch điên cuồng tăng cường pháo kích, ném bom vào đội hình chiến đấu của ta.

Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Đức Hiền (bên trái) cùng đồng đội.

Trước âm mưu của địch, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 hội ý thống nhất đội hình chiến đấu, phương án tác chiến của các đại đội, đồng chí Hiền về Đại đội 3 trên hướng đánh địch chủ yếu để động viên tinh thần bộ đội. Ngày 28-7, khi nhận được thông báo của trên về việc “địch thay quân”, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đức Hiền cùng với các đồng chí trong Ban chỉ huy tiểu đoàn hội ý thống nhất vận dụng cách đánh “phủ đầu quân địch”. Đại đội 3 được lệnh bí mật, bất ngờ tập kích quân địch giữa buổi trưa khi chúng vừa tiếp cận trận địa, chưa quen thuộc địa hình, bắn cháy 3 thiết giáp, 120 tên địch bị diệt tại khu vực Mỹ Đông. Sau trận đánh này, Tiểu đoàn 4 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Các ngày tiếp theo, quân địch liên tục tổ chức các đợt tấn công theo 3 hướng, tạo thế vây áp đội hình chiến đấu của ta. Các xạ thủ B40, B41, ĐKZ trong đội hình chiến đấu của ta được giao nhiệm vụ bắn chính xác những xe tăng, thiết giáp đi sau, sau đó mới bắn cháy các xe đi trước đội hình tháo lui, tiếp tục bẻ gãy các đợt tấn công của địch…

Những ngày đầu tháng 9-1972, Quảng Trị vào mùa mưa, thị xã và Thành cổ như chìm trong biển nước. Anh nuôi khi nấu cơm phải kê lên thùng đạn, đống gạch đổ, mô đất cao để nấu nên gây khói, bị máy bay của địch phát hiện, chỉ điểm cho pháo binh bắn phá. Bộ đội ta phải ăn lương khô, gạo sấy, uống nước “chiến trận”, nhiều đồng chí bị đau bụng, kiết lỵ, đồng chí Hiền cũng trong số đó và còn bị thương. Tiểu đoàn trưởng Xanh điện xin ý kiến trung đoàn và được đồng ý cho về Bắc sông Thạch Hãn điều trị, nhưng đồng chí Hiền đề nghị ở lại cùng bộ đội bám trụ, quyết chiến đấu đến cùng.

Thời điểm này, đồng chí Xanh, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Muộn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 4 bị thương, bộ đội thương vong nhiều, trong đó hầu hết bị sức ép của bom. Đồng chí Hiền triệu tập cán bộ trung đội, đại đội xác định quyết tâm: Quyết trấn giữ địa hình tây-nam Thành cổ, phối hợp với các đơn vị trên các mũi, hướng trong thị xã chiến đấu bảo vệ Thành cổ với tinh thần “Còn người, còn trận địa”... Khoảng 3 giờ ngày 16-9-1972, đơn vị nhận được lệnh rút quân. Đồng chí Hiền cùng với 40 tay súng dìu cõng 19 thương binh lội dưới giao thông hào ngập nước để vượt về Bắc sông Thạch Hãn, sau khi đã làm xong công tác tử sĩ và hủy các loại vũ khí không mang theo được, xóa hết dấu vết chiến trường.

Bài và ảnh: NGUYỄN NHÂN MÙI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/con-nguoi-con-tran-dia-547043