Con người của trách nhiệm và hành động

'Sinh - lão - bệnh - tử' là quy luật của đời người, nhưng khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, cán bộ, nhân dân cả nước không khỏi xúc động. Có mặt tại phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), nơi đồng chí Đỗ Mười sinh sống và tại xã Đông Mỹ - quê hương đồng chí, phóng viên Báo Hànôịmới ghi nhận tình cảm tiếc thương của cán bộ, đảng viên trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Đỗ Mười (phải). (Ảnh:TTXVN)

Đồng chí Lê Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy phường Phạm Đình Hổ: Một tấm gương đạo đức tiêu biểu về khiêm tốn, giản dị

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới, nhưng đồng chí sống rất khiêm tốn, giản dị. Nghỉ công tác, trở về với cuộc sống đời thường ở khu dân cư nhưng nguyên Tổng Bí thư cũng rất mẫu mực, không quan cách, gần gũi, chan hòa với mọi người. Trong tiếp xúc, nguyên Tổng Bí thư luôn sôi nổi, cởi mở, thân mật. Mặc dù tuổi đã cao nhưng đồng chí vẫn đọc, vẫn theo dõi và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, của địa phương cũng như trăn trở trước những khó khăn của nhân dân.

Nguyên Tổng Bí thư là con người của hành động, của trách nhiệm, luôn quan tâm đến tình hình của phường. Trước khi vào tham dự mỗi cuộc họp, trước tiên ông đều hỏi lãnh đạo phường về số hộ nghèo phường ta giảm còn bao nhiêu? Có học sinh nào hoàn cảnh khó khăn mà không được tới trường? Tiếp theo mới hỏi đến tình hình phát triển kinh tế của phường có gì đổi mới? Kinh tế tăng trưởng bao nhiêu phần trăm so với năm cũ?.... Trong cuộc họp, nguyên Tổng Bí thư đều phát biểu, đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao, dặn dò cán bộ, viên chức phường phải đoàn kết, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước.

Đồng chí Trần Dũng Trí, Bí thư Chi bộ 7, phường Phạm Đình Hổ: Con người tình cảm, dễ gần!

Từ nhỏ tôi đã may mắn được gần gũi, là hàng xóm của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Bởi vậy, tôi có nhiều kỷ niệm, dấu ấn sâu sắc đáng kính trọng và cảm phục nguyên Tổng Bí thư. Không chỉ là những dấu ấn trên chính trường, mà ngay trong cuộc sống hằng ngày, nguyên Tổng Bí thư cũng có tài vận động quần chúng. Với tôi, ông có dấu ấn sâu đậm về khả năng nói chuyện, vận động hết sức thuyết phục, tình cảm, nên người có lỗi dễ nhìn nhận lỗi của mình để sửa sai.

Còn nhớ, năm 12 tuổi tôi thường hay nghịch nên đến nhổ rau của nguyên Tổng Bí thư trồng ở bãi đất trống của Câu lạc bộ Lao động về cho thỏ ăn. Biết chuyện, nguyên Tổng Bí thư gọi đến nhẹ nhàng nói: “Chú sức khỏe đã yếu, trồng được mấy cây rau mà cháu lại làm thế thì nên không?”. Câu nói của nguyên Tổng Bí thư đã theo tôi suốt cuộc đời cho đến ngày hôm nay. Nhẹ nhàng, tình cảm mà sâu lắng, thể hiện khả năng nói chuyện của nguyên Tổng Bí thư hết sức thuyết phục. Thật hạnh phúc cho Đảng, nhân dân khi có một đồng chí lãnh đạo nghỉ công tác mà nhiều cán bộ, nhân dân vẫn tới thăm hỏi, tham khảo nhiều ý kiến về công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phát huy tính dân chủ của nhân dân tại cơ sở.

Đồng chí Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ: Nhà lãnh đạo xuất sắc của dân tộc

Khi tôi lớn lên, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đảm nhận nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó. Thế nhưng, ông vẫn dành nhiều thời gian quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Những kỷ niệm, tình cảm, sự quan tâm chỉ bảo của ông dành cho cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đông Mỹ nói chung và thôn Đông Phù nói riêng mãi đọng lại trong lòng mỗi người. Tôi nhớ nhất là thời kỳ đồng chí Đỗ Mười giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1991-1997), đây là giai đoạn đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới, trước bộn bề khó khăn đặt ra, đồng chí đã thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc của mình, đưa đất nước vững vàng đi lên, vượt qua khủng hoảng, hội nhập thành công với thế giới, góp phần đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Dù bận “trăm công, nghìn việc”, vào những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều về địa phương thăm hỏi, chúc tết cán bộ, nhân dân. Lần nào, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng căn dặn: Cán bộ xã phải suốt đời tận tụy với nhân dân, lo cho dân, không để có hộ đói, nghèo. Đặc biệt, cán bộ phải đoàn kết và chỉ đoàn kết mọi việc mới thành công. Ghi nhớ lời dạy của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tập thể cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong xã luôn đoàn kết, thống nhất lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị địa phương, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đảng viên Trần Tiếp, 69 năm tuổi Đảng, thôn Đông Phù (xã Đông Mỹ): Các tầng lớp nhân dân rất đau buồn, tiếc thương

Điều ấn tượng nhất trong tôi về đồng chí Đỗ Mười trong những lần được tiếp xúc, trò chuyện với đồng chí đó là phong cách sống rất giản dị, khiêm tốn, đức tính thật thà, chân tình, gần gũi, luôn yêu thương, chăm lo cho cuộc sống của người dân. Mỗi lần thăm quê, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều ân cần hỏi thăm người dân trong xã xem đời sống kinh tế năm sau có khá hơn năm trước không, số hộ đói có còn không... và đặc biệt, đồng chí luôn dành sự quan tâm đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng... Đồng chí Đỗ Mười từ trần là mất mát to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xã Đông Mỹ rất đau buồn, tiếc thương vị lãnh đạo giản dị, luôn gần gũi nhân dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục học tập đồng chí Đỗ Mười, dạy dỗ, động viên con cháu phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành công dân có ích cho quê hương, đất nước.

Hoài Thanh - Thu Hằng ghi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/914953/con-nguoi-cua-trach-nhiem-va-hanh-dong-