Con người là tài nguyên thúc đẩy ĐBSCL phát triển bền vững

Công trình, đầu tư chỉ là phương tiện hỗ trợ, còn quyết định để đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển bền vững không thể thiếu nguồn tài nguyên con người, theo ông Dương Văn Ni, Chuyên gia về đa dạng sinh học của Đại học Cần Thơ.

Con người là tài nguyên thúc đẩy ĐBSCL phát triển bền vững. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo “Phát triển bền vững ĐBSCL: nước- nông nghiệp- kinh doanh” được tổ chức chiều nay, 9-11, tại thành phố Cần Thơ, ông Ni nói “Muốn làm cái cũng phải bắt đầu từ vốn”.

“Vậy vốn ĐBSCL có gì?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng, ĐBSCL có ba cái vốn lớn nhất, gồm tài nguyên tự nhiên (đất, nước, nắng, mưa...); tài nguyên sinh vật, gồm sinh vật tự nhiên và sinh vật qua thời gian nuôi trồng và cuối cùng là nguồn tài nguyên con người.

Theo ông Ni, trong ba nguồn tài nguyên nêu trên, thì con người là tài nguyên không thể thiếu để tạo nên sự thành công. “Bởi, dù hai tài nguyên kia có phong phú thế nào đi nữa, nhưng tài nguyên con người “dở” nó cũng không làm được gì”, ông cho biết.

Ba nguồn tài nguyên nêu trên phải được "kết nối" với nhau, tuy nhiên, kết nối như thế nào là do sự "thông minh" của xã hội hay nói cách khác là hệ thống nhà nước sẽ thúc đẩy ba vốn tài nguyên này phát triển thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ. “Ví dụ, với một doanh nghiệp nông nghiệp, thì thật ra họ cũng khởi đầu bằng tài nguyên con người và sử dụng hai tài nguyên còn lại để đẩy mạnh lên một quy mô nào đó”, ông dẫn chứng và cho biết đó là cái bền vững về lâu dài.

Ông Ni cho rằng, tất cả những công trình, đường xá, đầu tư… chỉ là phương tiện để phục vụ cho mục tiêu được đặt ra, chẳng hạn, mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL. “Khi chúng ta đạt được mục tiêu tốt nhất, bao gồm cho cả thế hệ mai sau được bền vững là đã thành công”, ông cho biết.

Trước đó, tại hội thảo, ông Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL đang chịu rất nhiều thách thức, bao gồm nước biển dâng, sụt lún, khô hạn xâm nhập mặn… “Chúng ta đang chịu áp lực có thể nó đến từ từ và nhiều khi chúng ta không để ý, nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ tạo thành cứu sốc”, ông cho biết và giải thích do giải pháp, quy hoạch, quản lý có, nhưng chưa thành công.

Tuy nhiên, theo ông, nếu nhìn một cách khác đi, thì đây cũng là cơ hội để ĐBSCL thay đổi. “Chính có áp lực tạo ra mới thúc đẩy chúng ta thay đổi”, ông nói.

Theo ông, cơ hội được tạo ra, đó là bố trí sử dụng đất phù hợp hơn; chuyển đổi sử dụng đất theo hướng giảm thâm canh, sản xuất theo thị trường; tạo ra giải pháp tiết kiệm nước, giảm sử dụng phân bón…

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281446/con-nguoi-la-tai-nguyen-thuc-day-dbscl-phat-trien-ben-vung.html