Con người lần đầu tiên 'bắt được' hố đen vũ trụ

Lần đầu tiên trong lịch sử, con người đã có được bức ảnh đầu tiên chứng minh sự tồn tại của hố đen (lỗ đen) vũ trụ.

Sau hơn 1 thập kỷ, hơn 200 nhà khoa học thuộc Chương trình quan sát siêu hố đen ở trung tâm các thiên hà có tên Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT) đã chụp được ảnh hố đen nằm tại trung tâm thiên hà Messier 87 (M87) cách chúng ta 53 triệu năm ánh sáng, gần cụm thiên hà Xử Nữ.

Hình ảnh đầu tiên của hố đen vũ trụ được công bố. Nguồn: Google Doodle.

Google Doodle giới thiệu "First Image of a Black Hole" (tạm dịch là Hình ảnh đầu tiên của hố đen vũ trụ). Đây là một bức ảnh chói đỏ, nhiều viền mờ của một trong những phần bí ẩn của bầu trời. Chúng ta có thể thấy vầng sáng tạo thành từ bụi và khí bao quanh siêu hố đen ở trung tâm.

Các nhà khoa học ước tính, siêu hố đen này có khối lượng gấp tới 6,5 tỷ lần khối lượng Mặt Trời, có kích cỡ gần bằng dải Ngân Hà của chúng ta, rộng 38 tỷ km (khoảng 1,5 ngày ánh sáng).

Theo CNN, thành quả này là bằng chứng cho sự tồn tại của "quái vật vũ trụ" mà Einstein từng dự đoán cách đây 103 năm. Nhà vật lý thiên tài từng lần đầu tiên nhắc đến hố đen trong thuyết tương đối, dù bản thân ông vẫn hoài nghi liệu chúng có thực sự tồn tại hay không.

Để chụp được hình ảnh siêu hố đen, các nhà khoa học đã kết hợp sức mạnh của 8 kính viễn vọng vô tuyến trên khắp thế giới bằng cách sử dụng kỹ thuật giao thoa với đường cơ sở rất dài, để tạo thành một mạng lưới kính thiên văn khổng lồ có đường kính tương đương đường kính Trái Đất. Dữ liệu được tổng hợp lại, tạo nên một trong những hình ảnh quan trọng bậc nhất lịch sử ngành thiên văn học tính đến hiện tại.

Khánh Ngân

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/khoa-hoc/con-nguoi-lan-dau-tien-bat-duoc-ho-den-vu-tru-50286.html