Con người phải là trung tâm của mọi quyết sách

Những tháng cuối năm, thị trường lao động phía Nam được đánh giá đã có nhiều khởi sắc khi hàng loạt nhà máy, công ty, xí nghiệp… đang rốt ráo tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Nhằm hoàn tất những đơn hàng cuối năm hoặc có lực lượng lao động dự trữ cho sản xuất đầu năm mới, thời điểm này các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng lao động vào làm việc. Mỗi doanh nghiệp đều có những ưu đãi, chính sách khuyến khích người lao động giới thiệu công nhân vào làm việc, cũng như “giữ chân” người lao động… Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tuyển dụng và đạt được mục tiêu như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn do thiếu lao động, nhất là để phục vụ sản xuất, kinh doanh sau tết Nguyên đán.

Nguyên nhân của tình trạng này, doanh nghiệp hiểu và người lao động cũng hiểu. Tuy nhiên, cả hai đều chưa tìm được tiếng nói chung. Thực tế đã chứng minh, chính tư tưởng làm ăn “chụp giật”, chỉ nghĩ lợi ích trước mắt, lợi ích cho riêng mình mà không nghĩ đến quyền lợi của người lao động đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

2023 được đánh giá là năm thể hiện rõ nhất những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khó tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Hàng loạt doanh nghiệp buộc phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, hoặc giãn giờ làm… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống người lao động. Thu không đủ chi và không thể cầm cự trong thời gian dài, một lượng lớn người lao động đã giãn về các tỉnh tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Nay các tỉnh, thành phố lớn có nhu cầu tuyển dụng thì rất khó.

Một bài học lớn lại đặt ra. Nếu giữa các doanh nghiệp, tỉnh, thành phố liên kết, phối hợp điều hòa thị trường lao động thì sẽ không dẫn đến những khó khăn như hiện nay - “đỏ mắt” tìm người lao động. Giữa các doanh ngiệp, tỉnh, thành phố có thể gửi gắm, giữ chân người lao động cho nhau. Điều này vừa tốt cho doanh nghiệp vừa bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Để làm được điều này phải tăng cường đối thoại, gặp gỡ, thương lượng tập thể hoặc liên kết cùng phát triển. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” là như thế. Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cũng xác định một trong 3 khâu đột phá ở nhiệm kỳ 2023-2028 là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, an toàn lao động…

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày (từ 1 đến 3-12) tại Thủ đô Hà Nội. Tại đại hội, trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến quyền lợi của người lao động, giải pháp phát triển tổ chức công đoàn, trọng tâm là ở các đơn vị, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã được đưa ra. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đại hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò đại diện cho ý chí; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của tổ chức công đoàn các cấp. Đồng thời nhấn mạnh tổ chức công đoàn phải quan tâm chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ, từ đó tạo niềm tin, thu hút họ vào tổ chức công đoàn…

Rõ ràng trong mọi quyết sách, mọi thời điểm, lĩnh vực, yếu tố con người phải đặt lên trên hết, trước hết. Người lao động phải là trung tâm của sự phát triển thì mới bền vững. Chỉ khi người lao động được quan tâm, quan hệ lao động hài hòa thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Người lao động không chỉ là nguồn lực trực tiếp sản xuất ra của cải mà sự phát triển, ổn định về đời sống của người lao động cũng thể hiện sự thịnh vượng của doanh nghiệp.

Minh Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/151364/con-nguoi-phai-la-trung-tam-cua-moi-quyet-sach