Con người từ 60 tuổi trở lên thường nhìn lại quá khứ để 'tổng kết cuộc đời'

Ở cái tuổi đã xế chiều, nhiều cụ ông cụ bà thường dành thời gian vui thú điền viên, dạy dỗ con cháu để hưởng hạnh phúc tuổi già. Thế nhưng, thực tế cuộc sống muôn hình vạn dạng, không phải lúc nào cũng diễn ra êm ả.

Tuổi xế chiều không yên

Sau khi gả cô con gái út được một tháng, ông Phạm Văn Trọng 65 tuổi - bất ngờ đưa đơn ly hôn cho vợ là bà Đỗ Thị Thu, 62 tuổi, bảo ký. Bà choáng váng, cự: “Già sắp xuống lỗ rồi, ly hôn làm gì?”. Ông Trọng kiên quyết: “Gần 40 năm qua, tôi đã sống cho bà và cho con. Giờ tôi muốn được sống cho mình”.

Bà chưa kịp phản ứng thì ngay hôm sau, ông đã đơn phương nộp cho tòa với lý do “lối sống không phù hợp, hôn nhân không hạnh phúc”. Ba lần hòa giải, bà Thu đều không đồng ý ly hôn. Bà nói: “Không phù hợp, hạnh phúc, tại sao chung sống đến 38 năm, sinh đến sáu đứa con. Chẳng qua là ổng chê tôi già, sanh tật nên mới đòi ly hôn”.

Cáo buộc của vợ làm ông Trọng mất bình tĩnh, tuôn ra một tràng: “Cưới nhau 35 năm thì có đến 34 năm tôi phải chịu đựng, nhịn nhục mà sống. Nếu có hạnh phúc thì chỉ mình bà ấy thôi! Bao năm qua, điều gì bà ấy mong muốn mà chẳng đạt được. Bà ấy chỉ quan tâm đến tiền và quản thúc tôi. Đến tháng bà ấy thu hết lương, phát cho tôi vài đồng lẻ và chẳng bao giờ biết hỏi han xem chồng làm việc có mệt không, vui không. Bà ấy kiểm soát tiền bạc gắt gao vì sợ tôi luồn tiền cho gia đình tôi và cũng để tôi không có cơ hội lăng nhăng. Với gia đình chồng, bả còn cư xử tệ hơn. Thỉnh thoảng tôi mới về thăm quê, nhưng bà ấy vẫn khó chịu, chì chiết, than thở tốn kém. Trong khi với gia đình, họ hàng nhà vợ thì bà ấy giúp hết lòng. Tôi nhục lắm, nhưng vì con cái và cũng hy vọng bà ấy sửa đổi nên cố chịu đựng. Nay con cái đều yên bề, bà ấy chẳng thay đổi chút nào, lại thêm tật nói nhiều. Tôi muốn được tự do để sống cho mình ở quãng đời còn lại”.

Bà Thu chống chế yếu ớt: “Tại ông ấy hiền lành, khù khờ, tôi sợ bị người ta gạt nên mới quản lý. Ông ấy muốn ly hôn kệ ông ấy, tui già rồi, ly hôn làm gì?”.

Nước mắt người phụ nữ tuổi 60 khi chồng đòi ly hôn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

60 tuổi, lần thứ hai ra tòa theo đơn kiện của chồng, bà Tâm (Hà Nội) nước mắt lưng tròng. Trải qua nhiều sóng gió, người đàn bà ở tuổi xế chiều chạnh lòng khi mái ấm bao năm vun đắp đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Vài tháng trước, ông Hoàn kháng cáo toàn bộ bản án của TAND quận Hai Bà Trưng. Trình bày tại tòa hôm 9/7, giọng trầm, người đàn ông trung tuổi cho rằng tình cảm vợ chồng không còn và mong muốn được chia tay vợ để hai người được giải thoát. Lý do ông Hoàn đưa ra là trong lúc ốm đau, bà Tâm từng nói sẽ trả ông về nhà. Câu nói trên khiến ông cảm thấy bị xúc phạm.

“Gần 15 năm nay, tôi duy trì cuộc sống vợ chồng vì thương con nhỏ. Hiện giờ các con đã lớn, tôi cũng muốn được ly hôn”, nguyên đơn trình bày.

Trái ngược thái độ cương quyết của chồng, ngồi bên cạnh, bà Tâm nước mắt sụt sùi. Giọng nghẹn ngào, người đàn bà tuổi lục tuần kể, họ vốn ở cùng xã và là bạn học thời phổ thông. Năm 1992, sau khi tình cảm đôi lứa nảy nở, ông bà kết hôn.

Cuộc hôn nhân của họ thêm vẹn tròn khi hai đứa con xinh xắn lần lượt chào đời. 7 năm sau, ông Hoàn bị tai nạn giao thông.

Bà Tâm buồn bã kể, thời điểm bấy giờ, khi chồng hôn mê thập tử nhất sinh, bác sĩ mời bà vào phòng để chuẩn bị tâm lý. Những ngày tháng đó, bà luôn có mặt ở phòng bệnh chăm ông từng giấc ngủ, viên thuốc. Hơn một tháng nằm viện, ông Hoàn được bệnh viện cho về nhà điều trị. Mấy tháng sau, sức khỏe ông dần bình phục.

Bị đơn ấm ức nói, hồi chăm sóc chồng ở bệnh viện, bà từng bị bố chồng mạt sát, chửi bới trước mặt đồng nghiệp. Bỏ qua mọi hiểu lầm, bà vẫn chèo chống gia đình, một nách nuôi hai con nhỏ và chăm sóc chồng.

Trước câu hỏi: “Bà có ý định trả ông về gia đình không?”, người phụ nữ 60 tuổi lắc đầu nguầy nguậy: “Lúc đó tôi rất khổ, nếu có thì chỉ kêu ca vậy thôi. Anh bị chấn thương sọ não làm sao nhớ được hết".

Bà Tâm cũng trình bày, sau khi bình phục, ông quên hết chữ viết, phải nhờ bố mẹ vợ dạy lại từng chữ. Hiện giờ bà vẫn giữ quyển sổ dạy ông viết.

Theo lời khai trước tòa, sau thời gian khỏi bệnh, hai vợ chồng bà Tâm vẫn sinh hoạt chung, không xảy ra mâu thuẫn.

Ông Hoàn thì một mực khẳng định nghe thông tin bị trả về nhà là từ vợ. “Cô ấy còn nói với bạn bè, đồng nghiệp là sẽ bỏ tôi”, nguyên đơn giãy nảy.

Người đại diện quyền công tố tại tòa giải thích: "Thời gian khó khăn nhất của hai vợ chồng đã vượt qua, hiện tại con cái trưởng thành. Dù ông bà không còn tình cảm như hồi trẻ nhưng còn nghĩa ở tuổi già để động viên, an ủi nương tựa vào nhau".

Tuy nhiên, nguyên đơn cương quyết xin ly hôn vì lý do hôn nhân thực chất không còn.

Bà Tâm nước mắt chảy dài thảng thốt: “Tôi không hiểu tại sao cuộc sống vợ chồng đang hạnh phúc thì tai nạn xảy ra, bao nhiêu tai bay vạ gió đến với gia đình”. Bị đơn cũng tha thiết níu kéo cuộc hôn nhân này để có thời gian chăm sóc chồng. "Mẹ con tôi vẫn xác định sức khỏe anh ấy chưa hoàn toàn khỏe mạnh. Thời gian của anh còn lại cũng không còn nhiều", người phụ nữ tuổi lục tuần nghẹn giọng.

Sau giờ nghị án, do không xuất hiện tình tiết mới, TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm, bác đơn xin ly hôn của ông Hoàn. Khi người chồng bước vội vã ra khỏi phòng xét xử, bà Tâm chỉ lặng lẽ bước theo sau.

Nhắc đến vấn đề ly hôn của những cặp vợ chồng già, các thẩm phán đều có chung nhận định: những vụ chia tay này khó hòa giải hơn người trẻ nhiều. Các cụ ông, cụ bà đều đã cân nhắc, suy nghĩ kỹ mới quyết định, chứ không phải do giận dỗi nhất thời. Người đứng đơn xin ly hôn hầu hết là các ông chồng. Bị đơn là vợ thì ít ai chịu ly hôn. Cho dù tòa phân tích thế nào thì cả hai vẫn giữ nguyên ý định.

Có một nghịch lý là dù thật lòng không muốn gia đình đổ vỡ, chia tay ở tuổi gần đất xa trời, nhưng hành động “cộng dồn” và kể tội chồng của các các bà vợ lại là nguyên nhân chính đẩy chồng ra khỏi gia đình. Do vậy, cái lý “già rồi, ly hôn người ta cười” của những người vợ không thể xem là căn cứ để tòa bác đơn, không chấp thuận yêu cầu ly hôn của ông chồng.

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương - nguyên Phó chánh án Tòa án Q.10, TP.HCM:

Ổn định ảo

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương- người từng giải quyết nhiều vụ ly hôn ở tuổi xế chiều thì: “Những cặp vợ chồng này thường có mâu thuẫn tồn tại, tích lũy nhiều năm do có những điều chồng/vợ không hài lòng về nhau nhưng nín nhịn, chịu đựng. Thời trẻ, vợ chồng còn có nhiều yếu tố chi phối, mang đến niềm vui, giúp giải tỏa bớt muộn phiền, khủng hoảng của gia đình như: công việc thuận lợi, thăng quan tiến chức, gặp gỡ bạn bè, chăm sóc con cái... Khi về già, niềm vui công việc không còn, con cái đều ra riêng... Những mối bận tâm và quan hệ xã hội của họ đều đã thu hẹp, niềm vui duy nhất lúc này chỉ còn gia đình - thì họ phải đối diện với sự khủng hoảng, mâu thuẫn, không hạnh phúc nên nghĩ đến ly hôn.

Một nguyên nhân quan trọng khác là nhiều ông chồng đòi ly hôn vì cho rằng không thể chịu đựng được người vợ nói quá nhiều (thời trẻ đã nói, về già nói càng nhiều hơn) và thường lôi những lỗi lầm xưa của chồng ra đay nghiến. Thậm chí, nhiều ông chọn cách sống ly thân: ở phòng riêng, tự nấu ăn vẫn không thoát được sự “tra tấn” của vợ nên kiên quyết ly hôn”.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Hồn Việt:

Khi lớn tuổi, họ không còn sức khỏe và sự nhẫn nhịn…

Nhìn thực trạng này ở góc độ tâm lý, bà Tâm phân tích: “Thế hệ cha mẹ, ông bà chúng ta khi kết hôn hầu hết là qua mai mối, gia đình sắp đặt, không có thời gian tìm hiểu và yêu nhau. Vì thế, khi về chung sống sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn do không hợp tính tình, sở thích, thói quen, niềm tin... Ngoài ra, các ông chồng thời xưa thường có tính gia trưởng, gây nhiều bất công, đau khổ cho người vợ. Lúc trẻ, người vợ cam chịu vì nghĩ đến con cái, dư luận... Khi lớn tuổi, họ không còn sức khỏe và sự nhẫn nhịn chịu đựng nên sinh ra như vậy. Phân tâm học cũng cho rằng, con người từ 60 tuổi trở lên thường nhìn lại quá khứ để “tổng kết cuộc đời”.

Với những phụ nữ có đời sống hôn nhân không hạnh phúc, từng phải chịu đựng, kìm nén thì đó là lúc họ “bùng nổ”, tung hê hết lỗi lầm của chồng từ xưa đến nay. Người chồng bị bất ngờ và không thể chấp nhận sự thay đổi đột ngột của vợ nên mâu thuẫn càng tăng, hai người không thể tìm thấy bình yên lúc tuổi già, nên ly hôn là sự tất yếu”.

Khi xảy ra mâu thuẫn, bất hòa hoặc không hài lòng về nhau. Vợ chồng nên nói ra để cùng sửa đổi, điều chỉnh, đừng cam chịu, nín nhịn cho qua chuyện. Mâu thuẫn đó không tự nhiên mất đi, mà vẫn tồn tại như những cơn sóng ngầm, đến một lúc nào đó sẽ bùng lên, không thể cứu vãn được. Sống thật, sống có trách nhiệm với nhau mới chính là nền tảng xây dựng gia đình bền vững.

Đào Nguyên

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/con-nguoi-tu-60-tuoi-tro-len-thuong-nhin-lai-qua-khu-de-tong-ket-cuoc-doi-54951.htm