Còn nhiều băn khoăn về nâng tuổi nghỉ hưu

Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay 23/10, về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về sự tác động của tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nam và nữ, đặc biệt là việc cân nhắc tới các nhóm lao động đặc thù nặng nhọc, độc hại cũng như xem xét tới yếu tố bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu.

Sáng nay 23/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới vấn đề tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định theo Phương án 1 do Chính phủ trình về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Mặc dù vậy, một số đại biểu còn băn khoăn về quy định tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Đồng ý với phương án 1 như tờ trình nêu, Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: tại Khoản 3 với người suy giảm khả năng lao động, lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, ở những nơi có điều kiện khó khăn được nghỉ từ 5 năm đến 10 năm tại luật hiện hành; nhưng trong dự thảo mới thì chỉ được sớm hơn 5 năm. Đại biểu này đề nghị mở rộng khung này ra có thể đến 10 năm.

Bên cạnh đó, đại biểu Tiến đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nên phân theo nhóm ngành nghề, cụ thể như tăng tuổi nghỉ hưu tối đa với nhóm công chức; viên chức nên tăng tuổi nghỉ hưu ở một phần lớn; công nhân lao động tăng một bộ phận nhỏ...

Đặc biệt, đại biểu này cũng đặt vấn đề về bình đẳng giới trong tăng tuổi nghỉ hưu, “tại sao tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 nữ lên 60 tuổi; trong khi bình đẳng giới thì nên tuổi nghỉ hưu nam và nữ phải bằng nhau”, đại biểu Tiến nhấn mạnh.

Lao động nữ khu vực nặng nhọc, độc hại mong muốn được nghỉ hưu sớm

Còn đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, cũng bày tỏ băn khoăn với tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ, đặc biệt là cần cân nhắc tới các ngành nghề đặc thù, công nhân lao động trực tiếp, lao động ở khu vực đặc biệt khó khăn; đồng thời xây dựng chính sách có lộ trình cụ thể để đảm bảo linh hoạt, không gây xáo trộn thị trường lao động.

Trước đó, tiếp thu giải trình và chỉnh lý dự thảo, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động là nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, theo bà Thúy Anh, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn có hai quan điểm: Thứ nhất cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7.

Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số..., không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau và người lao động, nhất là nhóm lao động trực tiếp sẽ dễ chấp nhận hơn.

Theo Chương trình kỳ hợp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vào ngày 20/11/2019 của Kỳ họp này.

02 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169:

- Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi):

“Điều 169.Tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

- Phương án 2 (Phương án quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình):

“Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/con-nhieu-ban-khoan-ve-nang-tuoi-nghi-huu-post66003.html