Còn nhiều dư địa để cải thiện môi trường kinh doanh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như tác động của suy thoái kinh tế thế giới, số lượng doanh nghiệp 'rơi' khỏi thị trường trong quý I/2023 lên đến 60.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang triển khai các giải pháp tái cơ cấu hoạt động để môi trường kinh doanh được cải thiện trong thời gian tới.

Chuyển biến tích cực ở nhiều lĩnh vực

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát PCI 2022, phản hồi của tổng cộng gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành cho thấy, chất lượng cải cách môi trường kinh doanh theo các nghị quyết của Chính phủ có nhiều điểm sáng, các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh thể hiện sự cầu thị, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19.

Nguồn: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực, qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016.

Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp, nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.

Đề cập phản hồi của doanh nghiệp về chuyển biến của môi trường kinh doanh theo loạt Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các năm 2019-2022, ông Phạm Tấn Công cho hay, theo khảo sát PCI 2022 của VCCI, điện năng là lĩnh vực ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực nhất, với 62,5% doanh nghiệp đánh giá mức độ chuyển biến ở mức rất tốt/tốt.

Đứng thứ hai là lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, với 60,9% doanh nghiệp có đánh giá tích cực. Bảo hiểm xã hội và đăng ký tài sản là hai lĩnh vực được ghi nhận đứng thứ ba và thứ tư, với lần lượt 53,4% và 53,1% doanh nghiệp đánh giá có chuyển biến tích cực. Lĩnh vực xuất nhập khẩu có 49,6% doanh nghiệp ghi nhận có chuyển biến tích cực, tiếp đến là bảo vệ nhà đầu tư với con số 46,7%.

Môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam được cải thiện rõ nét. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI dẫn chiếu cho thấy, kết quả tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản đã được cắt giảm hoặc đơn giản hóa trong năm 2022. Nếu tính từ năm 2020 cho đến cuối năm 2022, đã có 2.142 quy định kinh doanh và 171 văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh từ kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP (ngày 12/5/2020).

Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ thông tin, tính đến cuối năm 2022, 4.400 trong tổng số 6.502 thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (chiếm tỷ lệ khoảng 67%) hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp khi tiết kiệm được thời gian, chi phí. Các doanh nghiệp hiện nay đã có thể tìm hiểu toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như theo dõi các kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh tại một địa chỉ tập trung, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (https://quydinhkinhdoanh.gov.vn).

Tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn

Theo ông Đậu Anh Tuấn, mặc dù cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đã có tiến bộ nhưng phản ánh của doanh nghiệp cho thấy một số điểm chưa được như kỳ vọng. Đó là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn còn ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng... Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn là một hạn chế đáng chú ý và cần nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để cải thiện chất lượng điều hành.

Tần suất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp giảm

Theo khảo sát từ gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành cho thấy, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Xu hướng tích cực được ghi nhận ở tỷ lệ doanh nghiệp phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm 2022 đã giảm còn 7,39%. Đây là sự thay đổi lớn nếu xem xét diễn tiến chỉ tiêu này trong các năm từ năm 2017 đến năm 2022. Năm 2017, tỷ lệ này lên đến gần 22%. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Theo đó, vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, còn nhiều dư địa để cải cách và thẳng thắn chỉ ra, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ.

Trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách. Còn nhiều bất cập trong quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Trên thực tế, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học…

"Cải cách hành chính, môi trường đầu tư là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như trong quý I/2023, khi có đến 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ những rào cản chi phí trong kinh doanh là điều cấp thiết…” - TS. Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt

Theo VCCI, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng doanh nghiệp FDI vẫn có cái nhìn tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong những năm qua.

Năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Cơ cấu doanh nghiệp FDI theo xuất xứ nhà đầu tư tương đối ổn định trong các năm gần đây với Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi tăng từ 38,7% năm 2021 lên 42,8% trong năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,9% năm kế tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,6% trong năm 2021 lên gần 55,8% trong năm 2022.

Các doanh nghiệp FDI tiếp tục có đánh giá tích cực về chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, với gánh nặng thực thi quy định đã giảm đáng kể so với những năm trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh từ con số 60,6% năm 2021 xuống còn 49,3% của năm 2022.

Việc chi trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm song đây vẫn là lĩnh vực cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2022, chỉ có 17,4% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đáng kể so với mức 25,4% trong năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chỉ chiếm dưới 1% doanh thu đã tăng lên so với các năm trước.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-nhieu-du-dia-de-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-126387.html