Còn nhiều dư địa để nâng mức hệ số tín nhiệm của Việt Nam

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) Moody's đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được đảm bảo lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng sang mức ổn định từ mức tích cực. Ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Ông Võ Hữu Hiển.

Ông có thể cho biết, dựa vào tiêu chí nào để tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hay Fitch liên tiếp nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian qua?

Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số phản ánh tổng thể diễn biến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, tài chính, tiền tệ, tín dụng và khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc, lãi trong danh mục nợ quốc gia.

Việc Moody’s hay Fitch nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian vừa qua với mức triển vọng “Ổn định” thể hiện đánh giá khả quan của các tổ chức này đối với tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam. Những thành tựu kinh tế gần đây của Việt Nam đã phản ánh tính hiệu quả của chính sách kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế, cũng như sự ổn định chính sách tài khóa, tiền tệ và đảm bảo an toàn nợ công. Việc vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu được nâng cao, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện, cùng với những cam kết về cải cách cơ cấu và thể chế đã đưa nước ta trở thành điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong vòng một thập kỷ qua, Việt Nam duy trì mức độ tăng GDP bình quân ở mức cao, đạt trên 6,2%. Lĩnh vực sản xuất và xây dựng tiếp tục là những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Moody’s dự báo tốc độ tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam ở mức 6,8%, cao hơn hẳn mức 3,5% của các quốc gia với hệ số tín nhiệm tương đồng.

Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì thể hiện ở mức tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát ổn định ở mức thấp. Tăng trưởng khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo là nhân tố chính đóng góp vào xuất khẩu. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu chững lại, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Bất chấp những bất ổn tại thị trường mới nổi trên toàn thế giới, cán cân vãng lai của Việt Nam được dự báo tiếp tục thặng dư.

Cán cân thanh toán bền vững cũng củng cố vị thế đối ngoại của Việt Nam. Dự trữ ngoại hối tăng cao và vị thế tài chính đối ngoại ổn định là đệm để đối phó với rủi ro từ bên ngoài. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số của Việt Nam với lực lượng lao động lớn, được trang bị tốt để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, sẽ góp phần đảm bảo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ở mức cao.

Việc nâng cao chuỗi giá trị sản xuất đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các công ty đa quốc gia và sẽ là nhân tố nâng cao năng suất, tay nghề lao động và cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng đã đạt kết quả tốt trong huy động mới vốn FDI trong các năm gần đây, vượt xa các quốc gia khác như Hungary, Romania, hay Malaysia.

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tiềm năng kinh tế của nước ta còn được thúc đẩy bởi cải cách quyết liệt của Chính phủ vì người dân và doanh nghiệp. Những kiến tạo này đã góp phần giữ vững vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và thân thiện. Ngoài ra, việc ký các hiệp định thương mại tự do nhiều khả năng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh thương mại của Việt Nam và đẩy mạnh cải cách về môi trường pháp lý.

Việc từng bước kiểm soát được gánh nặng nợ công có được xem là một yếu tố quan trọng để các tổ chức đánh giá tín nhiệm xem xét, nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam không, thưa ông?

Đúng vậy, việc Việt Nam kiểm soát chặt chẽ gánh nặng nợ công trong thời gian qua là một trong những cơ sở chính giúp các tổ chức xếp hạng đưa ra quyết định nâng bậc hệ số tín nhiệm cho nước ta. Thực tế cho thấy, vị thế tài khóa của Việt Nam duy trì ổn định và được kiểm soát trong mục tiêu đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra trong trung hạn.

Tăng trưởng kinh tế là tiền đề cho tăng thu ngân sách và kiểm soát thâm hụt ngân sách. Qua thống kê, trong những năm gần đây, thu, chi của Chính phủ và thâm hụt ngân sách giảm dần. Quy mô nợ công đang được kiểm soát ở mức Quốc hội cho phép là dưới 65%/GDP (năm 2016 là 63,7%; năm 2017 là 61,3%) và nghĩa vụ nợ Chính phủ không vượt quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước (năm 2017 ở mức 19,5%).

Cơ cấu huy động vốn vay của Chính phủ được thay đổi theo chiều hướng tích cực, theo đó tỷ lệ nợ nước ngoài giảm, vay trong nước tăng dần, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia (năm 2011 cơ cấu dư nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 60%, đến cuối 2017 giảm xuống còn 39,7%). Phần lớn nợ nước ngoài của Chính phủ là các khoản vay ODA, vay ưu đãi có lãi suất cố định dưới 3%/năm, góp phần củng cố bền vững nợ nước ngoài.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 từng bước nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đạt mức khởi điểm đầu tư (của Moody’s là Baa3; của S&P hoặc Fitch là BBB-). Vậy có còn dư địa để đạt được yêu cầu đề ra không, thưa ông?

Theo tôi, còn nhiều dư địa để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng mức hệ số tín nhiệm của Việt Nam. Hiện nước ta đang trong quá trình chuyển đổi sang quốc gia có thu nhập trung bình cao, việc tiếp cận các nguồn vốn sẽ có thay đổi. Do vậy, Việt Nam cần quan tâm đến rủi ro tín dụng của nhà nước cũng như chi phí của huy động vốn.

Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam vừa qua phát triển khá ổn định, gần đây lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm khá mạnh nên hệ số tín nhiệm được đánh giá cao hơn; dự trữ vốn ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, Việt Nam cần tận dụng đà phát triển này để có bước đi tiếp theo nhằm đạt mục tiêu hạn mức Đầu tư.

Đặc biệt, dư địa quan trọng là câu chuyện chủ động cung cấp và trao đổi thông tin với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Công tác cung cấp thông tin phải hoàn toàn minh bạch, chính xác và kịp thời, giải trình, giải thích rõ ràng, thống kê phải tốt... Qua đó, các tổ chức đánh giá tín nhiệm có đủ cơ sở để phân tích, đánh giá một cách chính xác. Nhiều năm qua, công tác này được Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thực hiện rất tốt, các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Công thương), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng bước chủ động cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, cơ quan về tầm quan trọng của việc phối hợp triển khai công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia cần được chú trọng. Bởi vì, kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Chính phủ trên trường quốc tế, mà còn có tác động trực tiếp đến khả năng và chi phí huy động vốn trên thị trường của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có cả khu vực doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Vân (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/con-nhieu-du-dia-de-nang-muc-he-so-tin-nhiem-cua-viet-nam.aspx