Còn nhiều khó khăn trong tu bổ di tích

Sở hữu số lượng di tích lịch sử, văn hóa lớn (hơn 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích xếp hạng), hiện nay Đồng Nai đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý hoạt động, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với du lịch được cử tri quan tâm tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng xung quanh vấn đề này.

* Sau hơn một năm phân cấp quản lý di tích, công tác này đã đạt kết quả ra sao, thưa ông?

- Có thể khẳng định Quyết định 39 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý di tích là một quyết định hết sức đúng đắn. Bởi, phân cấp là để xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Phân cấp quản lý di tích cũng sẽ đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, đồng thời là cơ sở để “quy” trách nhiệm hết sức rõ ràng, nếu di tích đó công tác bảo vệ, trùng tu và phát huy hiệu quả không được thực hiện đến nơi đến chốn. Nói cách khác là nếu địa phương nào để cho di tích bị xâm hại, vi phạm Luật Di sản thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

* Công tác quản lý di tích vốn là lĩnh vực khá nhạy cảm, ở Đồng Nai hoạt động này phải đối diện với những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?

- Việc quản lý các di tích đã được công nhận, đã được xếp hạng là việc làm hết sức nhạy cảm và phức tạp. Di tích là minh chứng thể hiện bề dày truyền thống lịch sử của một địa phương, một đơn vị. Việc bảo vệ và phát huy nó chính là bảo vệ, phát huy truyền thống của đơn vị, địa phương, của tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý di tích đó. Đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục và phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Di sản.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay công tác này gặp phải một số khó khăn do Đồng Nai là địa phương nằm trong vùng có khí hậu nóng, nên các di tích rất dễ xuống cấp. Di tích xuống cấp đòi hỏi cùng một lúc phải có nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, nhất là với di tích xuống cấp nghiêm trọng nhưng nguồn kinh phí từ ngân sách còn nhiều khó khăn. Mặt khác, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích không phải được thực hiện một cách dễ dàng. Vì thế, chọn lựa thứ tự ưu tiên trùng tu, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện là việc làm hết sức cần thiết.

* Một số di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xuống cấp, các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư đã có phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng hoạt động trùng tu, tôn tạo vẫn còn chậm trễ. Ông có thể cho biết lý do?

- Trùng tu, tôn tạo di tích, trước tiên phải tuân thủ các nội dung liên quan của Luật Xây dựng. Bởi vậy, khi thực hiện một dự án trùng tu, tôn tạo cũng phải lập hồ sơ như các dự án của lĩnh vực xây dựng khác. Đối với trùng tu di tích còn bị điều chỉnh bởi Luật Di sản. Do đó, về mặt thủ tục càng phức tạp hơn. Chẳng hạn, nếu di tích đó là di tích cấp quốc gia đặc biệt, khi trùng tu, tôn tạo phải thực hiện quy trình, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với di tích cấp quốc gia, phải lập hồ sơ, thủ tục trình Bộ trưởng VH-TTDL. Khi thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia. Theo quy định của Luật Di sản, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đã được tập huấn các nội dung liên quan đến trùng tu, tôn tạo di tích.

Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn là điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch TP.Long Khánh nhưng hiện đã xuống cấp, đang xin chủ trương trùng tu, tôn tạo. Ảnh: L.Na

* Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, nhiều cử tri quan tâm đến vấn đề quản lý, khai thác di tích gắn với phát triển du lịch. Dù giàu tiềm năng nhưng những di tích này chưa được phát huy hết giá trị. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Về việc phát huy giá trị di tích, không nên nói một cách đại trà mà chúng ta phải phân ra từng nhóm di tích. Nhóm di tích nào có thể kết hợp với phát triển du lịch; nhóm di tích nào có thể kết hợp với giáo dục truyền thống; nhóm di tích nào có thể kết hợp phát huy thông qua nghiên cứu khoa học. Mỗi di tích có một chức năng riêng của nó. Là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản, chúng tôi nhận thấy rằng ở Đồng Nai, nhóm di tích danh lam thắng cảnh là nhóm di tích có lợi thế phát triển du lịch. Những năm qua, Đồng Nai đã và đang thực hiện có hiệu quả với các di tích như: Bửu Long, núi Chứa Chan, Vườn quốc gia Cát Tiên…

* Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ngành Văn hóa đã và sẽ có kế hoạch gì để khơi dậy nguồn lực này, phát huy giá trị giáo dục cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh?

- Trước khi công nhận di tích, cộng đồng dân cư vẫn là những đối tượng chủ yếu trong việc phát huy giá trị di tích. Khi được công nhận là di tích, không ai khác, chính cộng đồng dân cư tại di tích là chủ thể phát huy vai trò của di tích. Việc phát huy đó được thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể như: duy trì các lễ hội hằng năm, tổ chức các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng… Ở góc độ quản lý nhà nước, ngành sẽ tạo điều kiện về cơ chế, hành lang pháp lý để giúp bà con khi đến tham quan di tích được thuận lợi; tạo điều kiện cho những người làm công tác quản lý di tích tổ chức các hoạt động để phát huy giá trị di tích tốt hơn.

* Cùng với vai trò giám sát của nhân dân, người trực tiếp trông coi di tích cũng có vai trò quan trọng, trong khi chế độ cho họ hiện nay hầu như chưa có. Ngành Văn hóa sẽ có giải pháp gì để giải quyết “vấn đề” này, thưa ông?

- Với những di tích hiện nay Nhà nước đang trực tiếp quản lý, ví dụ như di tích lịch sử cách mạng thì Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, bảo quản, trông coi. Với những di tích do doanh nghiệp quản lý hay cộng đồng dân cư đang trực tiếp quản lý thì trách nhiệm phải được chia sẻ. Doanh nghiệp quản lý di tích thì đã rõ, còn với cộng đồng dân cư thì trước đây đã quản lý rất tốt, khi được xếp hạng lẽ ra phải được trông coi, bảo vệ tốt hơn, sẽ phát huy trách nhiệm cao hơn. Nhà nước sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng dân cư trong những điều kiện nhất định. Nhưng trong bảo vệ, phát huy di tích thì trách nhiệm của cộng đồng dân cư vẫn đặt lên hàng đầu. Chính cộng đồng trực tiếp thụ hưởng giá trị đó.

* Xin cảm ơn ông!

Ly Na(thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202007/con-nhieu-kho-khan-trong-tu-bo-di-tich-3013514/