Còn nhiều mâu thuẫn về kết luận kiểm tra vi phạm Con Cưng

Từ 7 hành vi vi phạm của Con Cưng, Bộ Công Thương đưa ra kết luận chỉ còn 3 hành vi vi phạm cho thấy nhiều vấn đề trong quá trình kiểm tra và thông tin về chuỗi siêu thị này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Cổ phần Con Cưng của Cục Quản lý thị trường do ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) làm tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các cá nhân liên quan trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Cổ phần Con Cưng. Đáng chú ý, Tổ rà soát kiến nghị Bộ trưởng các biện pháp xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm hoạt động công vụ nếu có và báo cáo kết quả trước ngày 30/8.

Dư luận đánh giá, đây là động thái cần thiết nhằm minh bạch một số vấn đề vẫn đang gây tranh cãi khi trước đó, trong quá trình kiểm tra chuỗi cửa hàng Con Cưng, ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT đã kết luận Con Cưng mắc 7 vi phạm trong đó có việc bán hàng không có hóa đơn chứng từ, tức hàng nhập lậu. Tuy nhiên, sau đó kết luận của Bộ Công Thương lại chưa giải thích 7 trường hợp vi phạm mà ông Tín nói được chứng minh thế nào khi Con Cưng được kết luận không vi phạm.

Phân tích vụ việc Con Cưng cho thấy, xuất phát từ việc một số cơ quan báo chí phản ánh cáo buộc của một người tiêu dùng cho rằng Con Cưng bán hàng giả xuất xứ Thái Lan vì trên nhãn ghi xuất xứ Thái nhưng sản phẩm lại có dấu hiệu đã bị cắt đổi mác khác, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố rầm rộ kiểm tra.

Trong khi quá trình kiểm tra chưa kết thúc, tại cuộc họp báo Văn phòng Ban đạo 389 Quốc gia, ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đã nhanh nhảu khẳng định “Con Cưng có 7 sai phạm và sai phạm đã rõ”.

Theo đó, 7 hành vi vi phạm bị phát hiện của Con Cưng, theo ông Tín, bao gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin; Có Giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức; Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.

Từ thông tin do ông Nguyễn Trọng Tín cung cấp, báo chí đưa tin, người tiêu dùng ngay lập tức hoài nghi sản phẩm từ chuỗi cửa hàng này đẩy Con Cưng vào khủng hoảng trầm trọng và để lại những hậu quả nặng nề.

Trong khi đó, kết luận của Bộ Công Thương cho rằng, Con Cưng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của Công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu. Nhưng việc kiểm tra của các Chi cục QLTT đối với 192 vụ kiểm tra đã phát hiện một số hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật của Công ty, cụ thể: Công ty có vi phạm về nhãn hàng hóa, vi phạm về khuyến mại và vi phạm quy định về thương mại điện tử.

Theo kết luận trên của Bộ Công Thương, rõ ràng Con Cưng có vi phạm về nhãn mác, mà vi phạm về nhãn mác là vi phạm về nguồn gốc xuất xứ và rất có thể vi phạm về chất lượng. Trước đó, ngay khi khách hàng tại TP HCM khiếu nại mua bộ quần áo trẻ em bị cắn nhãn, bản thân Con Cưng cũng thừa nhận có lỗi kỹ thuật trong quá trình ghi nhãn sản phẩm của đối tác Thái Lan, và đã thu hồi toàn bộ lô hàng này.

Vậy Bộ Công Thương kết luận Con Cưng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa có mâu thuẫn không?

Hơn nữa, theo kết luận của Bộ Công Thương, Con Cưng chỉ vi phạm 3 lỗi trong khi trước đó, Ban chỉ đạo 389 đưa ra 7 hành vi vi phạm của chuỗi siêu thị này. Lẽ ra, khi tổ Công tác của Bộ Công Thương công bố kết quả cần giải thích cặn kẽ việc Con Cưng không mắc 4 hành vi vi phạm mà Ban chỉ đạo 389 đã thông tin trước đó chứ không phải kiểu đưa thông tin chung chung, không hề liên hệ với những sai phạm đã công bố trước đó khiến dư luận vẫn hoài nghi về sản phẩm của chuỗi siêu thị này.

Dư luận hi vọng, với việc thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Cổ phần Con Cưng mới đây của Bộ Công Thương sẽ làm sáng tỏ những vấn đề trên, vừa trả lại uy tín của doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm giúp doanh nghiệp Việt Nam đi đúng quỹ đạo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thiên Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/goc-nhin-kien-thuc/con-nhieu-mau-thuan-ve-ket-luan-kiem-tra-vi-pham-con-cung-1102524.html