Còn nhiều tiềm năng cho văn phòng chia sẻ

Trong vòng 5 năm trở lại đây, có thể nói, sự bùng nổ của mô hình không gian làm việc chung (co-working space) đã tạo dựng dấu ấn và cột mốc mới cho thị trường văn phòng tại Việt Nam, cũng như đặt ra nhiều thách thức cho văn phòng truyền thống.

Nhắc đến co-working space, người ta thường nghĩ ngay đến sự chia sẻ cũng như tính linh hoạt mà mô hình này mang đến cho khách thuê. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy, thì phân khúc văn phòng chia sẻ sẽ không có được mức độ tăng trưởng như hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia, co-working không chỉ là việc chia sẻ kết cấu hạ tầng hay chi phí, mà còn là việc hòa nhập và thuộc về một cộng đồng. Không gian ở đây được thiết kế để mang đến môi trường làm việc hiệu quả, hợp tác cho các thành viên cá tính, năng động, thoát khỏi sự gò bó thông thường – điều mà mọi người hay hình dung về văn phòng truyền thống.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, sự bùng nổ của mô hình co-working space đã tạo dựng dấu ấn và cột mốc mới cho thị trường văn phòng tại Việt Nam. Đặc trưng của co-working space cũng tạo nên những thách thức cho văn phòng truyền thống, dù trong bối cảnh chung, đối tượng hướng tới của hai loại hình vẫn có nhiều điểm khác biệt.

Đặc điểm của co-working space

Tiết kiệm chi phí
Môi trường làm việc cộng tác
Kết nối cộng đồng
Bố trí chuyên nghiệp
Tiện nghi trong văn phòng
Thiết bị Plug & Play

Được thúc đẩy bởi start-up

Theo thống kê mà Workthere, đối tác của Savills trong lĩnh vực cho thuê văn phòng công bố, có hơn 300 không gian làm việc linh hoạt tại Hongkong (Trung Quốc), so với con số 330 ở New York (Mỹ) và 1.136 văn phòng ở London (Anh). Ngoại trừ London, số lượng văn phòng ở Hongkong nhiều hơn tất cả những thành phố chính trong khu vực EMEA (khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi). Thị trường Hongkong tăng trưởng 16% trong năm ngoái và đạt con số gần gấp đôi trong 2 năm trở lại đây.

Tại Nhật Bản, 4 công ty lớn trong ngành dịch vụ văn phòng gồm Regus, Servcorp, TEC và Compass đã chiếm phần lớn thị trường, mặc dù WeWork đang từng bước gia nhập vào ngành văn phòng chia sẻ và số lượng những nhà đầu tư đang đề nghị để cho thuê tòa nhà của họ thành văn phòng chia sẻ tăng đột biến.

Tại Việt Nam, nguồn cung cho văn phòng chia sẻ ở Việt Nam đang tăng lên 58% trong những năm gần đây. Số lượng co-working space đã tăng trưởng đến 62% trong năm 2017, một phần bởi sự nở rộ của phong trào start-up (khởi nghiệp) và nhu cầu cho không gian với chi phí hiệu quả. Sự tham gia của đơn vị vận hành quốc tế như Atlas tại Alpha Town (Tp.HCM) sẽ đánh dấu khởi đầu giai đoạn của việc thỏa thuận và M&A và hứa hẹn mang đến sự tích hợp tiện ích tối ưu trong một văn phòng.

Khách hàng chính của mô hình văn phòng chia sẻ ở Hà Nội và Tp.HCM là những người trẻ (dưới 35 tuổi) và đang làm việc cho những công ty khởi nghiệp trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, những công ty khởi nghiệp quốc tế, chuyên gia kĩ thuật số và công nghệ, người làm nghề tự do đang tìm kiếm những không gian làm việc với giá cả phù hợp sẽ cân nhắc đến Việt Nam làm việc.

K vọng vào tương lai

Theo ông Yann Deschamps, đại diện Workthere, “vương quốc” mang tên co-working thật sự đã tiến hóa tại châu Á, nhanh chóng hơn bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Riêng tại Đông Nam Á, mô hình không gian làm việc linh hoạt sẽ chiếm khoảng 15% toàn bộ nguồn cung văn phòng khu vực này cho đến năm 2030. Nghiên cứu gần đây ước tính có khoảng 3,9 triệu người sẽ làm việc trong văn phòng chia sẻ vào năm 2020; gấp 4 lần con số hiện tại.

Theo số liệu từ Savills công bố trong Q3/2018, đến năm 2020, thị trường văn phòng Việt Nam ước tính tiếp nhận thêm xấp xỉ 387.000 m2. Văn phòng chia sẻ được dự đoán sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm sắp tới nhờ vào nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Khảo sát từ Workthere cho thấy, văn phòng chia sẻ thường được bố trí ở các tòa nhà ít được biết đến trong nhiều khu vực. Cả Toong và UP, những nhà điều hành chính trong ngành văn phòng chia sẻ ở Việt Nam, điều hành những trung tâm văn phòng của họ từ những tòa nhà hạng B đến thấp hơn. Trong tương lai, các “thương hiệu nội” được dự đoán sẽ mở thêm các văn phòng khác để phủ lấp thị trường, cũng như hướng tới mục tiêu tạo sức cạnh tranh cân bằng với những thương hiệu nước ngoài.

Doanh Nhân

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/con-nhieu-tiem-nang-cho-van-phong-chia-se-2/