'Con ở lại với ông bà, mẹ đi chiến trường nhé!'

Đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), chúng tôi rất ấn tượng với tấm ảnh một nữ thanh niên xung phong (TNXP) nở nụ cười rạng rỡ bên một cậu bé khoảng 3-4 tuổi. Từ tấm ảnh này, chúng tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Kim Vinh (nhân vật chính trong ảnh) và được biết câu chuyện xúc động về người phụ nữ có con nhỏ vẫn xung phong đi chiến trường.

Năm 1965, gửi con thơ lại cho bên ngoại, Hoàng Thị Kim Vinh ở phố Hàng Chiếu (nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) làm đơn tình nguyện gia nhập TNXP, vào Đại đội 812, Đội TNXP Thủ đô N43. Kim Vinh đã viết những dòng nhật ký gửi con trai, thể hiện sự quyết tâm đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước: “Con ạ! Lúc nộp đơn, mẹ suy nghĩ rất nhiều, nộp đơn để mà đi, hay nộp đơn vì hình thức. Một số người xung quanh mẹ cho rằng, mẹ chỉ nộp đơn cho có vẻ ta đây tiến bộ chứ có con mọn thì đi làm sao được... Còn mẹ nghĩ khác, mẹ muốn được cống hiến khi mẹ còn trẻ...”. Lúc đó, con trai của Kim Vinh mới được 2 tuổi, chồng của Kim Vinh đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Bức ảnh bà Hoàng Thị Kim Vinh chụp cùng con trai trong chuyến về phép thăm nhà năm 1967. Ảnh chụp lại

Ở chiến trường, nhiều đêm không ngủ được với bao suy nghĩ, trăn trở, rất nhớ và lo lắng cho con, nhưng Kim Vinh đã vượt lên nỗi niềm riêng, luôn gương mẫu, lăn xả vào nhiệm vụ, cùng đồng đội mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt ở 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Nhớ lại kỷ niệm chụp ảnh cùng con trai trong chuyến về phép thăm nhà đầu năm 1967, bà Kim Vinh kể: “Đó là bức ảnh mẹ con tôi chụp ở hiệu ảnh Quốc tế (số 11 Hàng Khay). Ngày ấy, cả Hà Nội mới có một hiệu ảnh lớn, muốn chụp phải xếp hàng rất lâu và phải lấy số (mỗi số chỉ được chụp 3 kiểu ảnh). Hôm ấy, đến lượt hai mẹ con thì không may lại hết số. Đang định ra về thì một anh bộ đội đến bên hỏi chuyện. Anh nói, vì anh chỉ cần chụp một kiểu nên cho hai mẹ con... chụp ké hai kiểu còn lại”.

Ở chơi với con vài ngày, bà Kim Vinh tạm biệt con trai và người thân để trở lại đơn vị. Đầu năm 1968, bà được cấp trên quyết định cho ra Bắc học tập. Bà đã thi đỗ trung cấp giao thông rồi về công tác tại Thành đoàn Hà Nội.

Bức ảnh cùng cuốn nhật ký-kỷ niệm của một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã được bà Kim Vinh trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam năm 2007. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó giám đốc bảo tàng, những hiện vật quý bà Kim Vinh trao tặng đã được bảo tàng sử dụng tại các triển lãm chuyên đề, như: Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn năm 2019 và hiện được bảo quản trang trọng tại kho lưu trữ của bảo tàng.

PHẠM THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/con-o-lai-voi-ong-ba-me-di-chien-truong-nhe-663458