Con òa khóc vì mẹ mải mua sắm ngày Black Friday

Vì đợi mẹ đi mua sắm quá lâu tại một trung tâm thương mại ở Hà Đông (Hà Nội), bé trai òa khóc.

Black Friday - ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ - bắt đầu từ tình trạng kẹt xe sau Lễ Tạ Ơn. Vài năm trở lại đây, nó đã được du nhập vào Việt Nam, với cảnh chen lấn, xô đẩy để giành hàng giảm giá, cũng như việc cửa hàng đóng cửa, từ chối khách.

Zing.vn cập nhật không khí mua sắp dịp Black Friday 2019 tại các thành phố lớn.

18:25 29/11

Trung tâm thương mại vắng lặng

18h30, trung tâm thương mại trên đường Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội vẫn vắng vẻ như ngày thường. Nơi đây đang đóng cửa một phần để sửa chữa. Ảnh: Việt Hùng.

18:42 29/11

Cùng thời điểm, tại trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), lượng người mua sắm vẫn vẫn khá thưa thớt. Theo ghi nhận của phóng viên, không khí bên ngoài không quá đông đúc hơn mọi ngày. Ảnh: Duy Hiệu.

18:46 29/11

Tại trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (TP.HCM), không khí mua sắm cũng không quá tấp nập. Các cửa hàng lớn như Zara, H&M, mức khuyến mại phổ biến là 10-15%, lượng người mua thưa thớt. Ảnh: Lan Anh.

19:13 29/11

19h, tại Hà Nội, người đến Vincom Bà Triệu bắt đầu đông dần. Mọi người xếp hàng chờ vào hầm gửi xe của trung tâm thương mại do trong hầm hết chỗ. Ảnh: Duy Hiệu.

19:29 29/11

Một cửa hàng trên đường Chùa Bộc (quận Đống Đa) khá đông khách khi giảm giá sản phẩm lên đến 50%. Linh, sinh viên đại học Thủy Lợi, cho biết thường xuyên mua sắm ở cửa hàng này, nhưng dịp Black Friday thực sự có giá tốt, hàng hóa đa dạng. Ảnh: Việt Hùng.

19:39 29/11

Kẹt xe trước Vincom Đồng Khởi

Từ 18h30, hầm gửi xe ở Vincom Đồng Khởi đã chật kín, không còn nhận thêm xe. Nhân viên bảo vệ được huy động để hướng dẫn khách gửi xe ở các khu vực khác. Điều này làm đoạn đường Lý Tự Trọng ngay trước cửa TTTM kẹt xe nghiêm trọng. Người phụ nữ nài nỉ để gửi xe dưới hầm vì có con nhỏ nhưng bị từ chối. Một vị khách cho biết chọn xe ôm công nghệ để di chuyển trong ngày này vì đoán trước sẽ có tình trạng thiếu chỗ gửi xe. Ảnh: Quỳnh Trang.

19:40 29/11

Khách tràn lối đi, chắn khu vực thang cuốn

Một thương hiệu thời trang tại Vincom Đồng Khởi yêu cầu khách xếp hàng đợi vào khu vực mua sắm. Nhân viên ở đây lý giải, số lượng nhân viên và diện tích cửa hàng có giới hạn nên không thể nhận nhiều khách. Từ 19h, hàng người bên ngoài cửa hàng này đã tràn ra lối đi và chắn khu vực thang cuốn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chị Quỳnh (Đồng Nai) đến Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) từ trưa 29/11 để mua hàng khuyến mãi Black Friday. Chị đã mua khoảng 5-6 triệu đồng tại một số thương hiệu, nhưng hiện con gái đang ngủ nên phải ngừng chân. Tuy nhiên, theo chị đánh giá, các mặt hàng được khuyến mãi không nhiều, đa số là hàng cũ, đã lỗi mốt hoặc không có kích cỡ phù hợp với đa số người Việt. Dù thế, vì đã cất công đến đây nên chị dự kiến sẽ tiếp tục mua sắm đến khi TTTM đóng cửa.

20:17 29/11

Thổi giá vài chục lần rồi sale 80%

Đúng dịp Black Friday, các cửa hàng căng băng rôn kín vỉa hè, thuê người đứng ngoài chèo kéo khách vào mua. Chủ hàng cam kết giảm giá “khủng nhất trong năm”, lên đến 80%.

Tuy nhiên, lượng sản phẩm thực tế được giảm giá 80% tại cửa hàng rất ít, chủ yếu chỉ được khuyến mãi 10-30%. Nhiều khách hàng còn phát hiện đây là những sản phẩm lỗi mốt, cần bán thanh lý.

Trên các trang thương mại điện tử, nhiều người bán nâng giá sản phẩm đến mức “lố” (chủ yếu là đồng hồ, bánh kẹo, sữa bột) rồi giật thông tin giảm giá 95-98% gây sốc. Thực tế, giá sau khi giảm của những mặt hàng này còn cao hơn so với một số kênh bán khác.

Trong khi đó, các siêu thị điện máy tập trung giảm giá đồ gia dụng, không chú trọng vào TV màn hình lớn, laptop, máy giặt. Anh Nguyễn Đăng Quân, nhân viên bán hàng trong một siêu thị điện máy tại Hà Nội, tiết lộ lượng hàng tồn kho mặt hàng đồ gia dụng lớn, cần xả.

Đối với mặt hàng điện tử, giá bán trước khi giảm tại các siêu thị điện máy chênh đến hàng triệu đồng, dẫn đến phần trăm khuyến mãi của cùng loại sản phẩm là khác nhau.Ví dụ giá sau khi giảm của một chiếc TV 4K 55 inch hiệu Samsung tại các hệ thống siêu thị điện máy còn khoảng 11,5 triệu đồng, nhưng phần trăm giảm mà Media Mart, Điện máy Xanh, Điện máy HC thông báo lần lượt là 52%, 32% và 36%.

20:37 29/11

Trên đường Nguyễn Trãi, đoạn giao với Lương Thế Vinh (Hà Nội), hàng trăm xe máy xếp tràn cả xuống lòng đường. Hàng chục cửa hàng thời trang treo biển giảm giá 80-90% dịp Black Friday. Tại một cửa hàng mỹ phẩm, khách đông đúc lựa chọn những sản phẩm bình dân. Chị Phương Anh cho biết mình là khách quen của cửa hàng này. Hôm nay, cửa hàng giảm giá 30% nên chị tiết kiệm được khá nhiều tiền so với ngày thường.

Anh Mạnh Trường ngồi trên xe máy dưới lòng đường chờ bạn gái mua son. Chị Hồng Chiên, bạn gái anh Trường cho biết thỏi son có giá 200.000 đồng, rẻ hơn mọi khi. Tuy nhiên, chị chọn khá lâu vì chật chội và phải chờ hơn 20 phút mới thanh toán được. Ảnh: Việt Hùng.

20:39 29/11

Từ sau 20h, trung tâm mua sắm Saigon Center ở quận 1, TP.HCM dần đông đúc người mua sắm. Một cửa hàng phải ngưng nhận khách vì quá tải. Ảnh: Việt Đức.

20:41 29/11

Cây ATM trước cửa siêu thị BigC trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) luôn trong trạng thái có người rút tiền tất cả các cây. Do đó, người muốn rút tiền phải chờ đợi khá lâu. Bạn Duyên (áo đen) đã mua hơn 2 triệu tiền hàng, phải ra rút thêm tiền vì một số mặt hàng không thể thanh toán bằng thẻ. Ảnh: Phương Lâm.

20:43 29/11

Một cửa hàng ở Saigon Center (quận 1, TP.HCM) thờ ơ với ngày Black Friday khi không tổ chức chương trình giảm giá nào. Nhân viên cửa hàng cho biết đợt khuyến mãi đã kết thúc từ ngày 24/11. Các sản phẩm được giảm giá cũng không phải là hàng mới. Dù không có ưu đãi, nhiều khách hàng vẫn ghé vào bên trong tham quan, mua sắm. Ảnh: Việt Đức.

21:04 29/11

Tại BigC Thăng Long (Hà Nội) nhiều mặt hàng giảm mạnh 50-60%. Các mặt hàng quần áo được sale chỉ còn từ 50.000 đồng trở lên.

Chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên thời vụ được thuê bán hàng từ thứ 6 đến chủ nhật cho biết phải hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng. Các mặt hàng ở đây được giảm giá thật chứ không hề thổi giá.

Thang cuốn ở siêu thị trong tình trạng đông đúc, thành hàng dài. Khách hàng xếp hàng để được lên thang. 5 cây ATM trước cửa siêu thị luôn trong trạng thái có người rút tiền tất cả các cây. Duyên đã mua hơn 2 triệu tiền hàng, phải rút thêm tiền vì một số mặt hàng không thể thanh toán thẻ.

Đây là một địa điểm mua sắm với giá bình dân, có nhiều ưu đãi hợp lý, được người dân Hà Nội ghé tới trong dịp này.

21:13 29/11

Nhiều điểm trông xe tự phát tại các con phố Bùi Thị Xuân, Đoàn Trần Nghiệp xung quanh Vincom Bà Triệu. Giá xe dao động 20.000-30.000 đồng/chiếc. Ảnh: Duy Hiệu.

21:31 29/11

Con òa khóc vì mẹ mải mua sắm ngày Black Friday

Thang máy đi xuống tại Aeon Mall Hà Đông trong tình trạng chật kín, nhiều người phải xếp hàng chờ. Một bé trai cùng bà xuống sảnh trước, chờ mẹ đang đi mua sắm. Tuy nhiên, do đợi lâu quá, bé trai òa khóc giữa trung tâm thương mại. Ảnh: Văn Hưng.

22:14 29/11

22h, sắp đến thời điểm đóng cửa nhưng vài cửa hàng tại trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Trãi vẫn đông nghịt người mua. Có cửa hàng đã phải đóng một nửa cửa cuốn để hạn chế khách vào. Ảnh: Việt Hùng.

22:17 29/11

Sát giờ đóng cửa tại trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, không khí mua bán vẫn diễn ra tấp nập, đặc biệt là những cửa hàng quần áo. Tại cửa hàng Zara, khách hàng xếp hàng dài chờ đến lượt thanh toán. Ảnh: Duy Hiệu.

22:31 29/11

Nhiều cửa hàng ở Vincom Đồng Khởi đã đóng cửa sớm so với bình thường. Ảnh: Quỳnh Trang.

22:35 29/11

Một số thương hiệu lớn bắt đầu đóng cửa.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/con-oa-khoc-vi-me-mai-mua-sam-ngay-black-friday-post1019216.html