Còn rừng còn làng

Trên hình ảnh vệ tinh của làng Nam Ô (Đà Nẵng), có một khoảnh xanh ngắt vươn ra biển tựa dáng hình một con chim lớn đang vục mỏ trong sóng.

Chuyện của Nam Ô không mới. Nó mang bóng dáng của nhiều mảnh đất, ngôi làng lỡ nằm ở địa thế đắc địa, được các nhà đầu tư cho vào tầm ngắm. Ảnh: BẢO UYÊN

Người dân Nam Ô gọi mảnh đất chưa đầy hai héc ta này là rú (rừng) cấm. Trong khu rừng sát khu dân cư này, những tán cây lâu năm đan bện vào nhau tạo thành một lá chắn ngăn cách bầu trời-mặt đất. Thỉnh thoảng, vài con chim vụt bay lên khi nghe tiếng chân người xào xạc giẫm trên thảm lá khô xếp chồng lên nhau mùa qua mùa. Ngoài bìa rừng, sóng biển ngày đêm rì rầm vỗ vào ghềnh đá. Khu rừng nằm đó, xanh sâu như thâm cốc, như chưa từng có dấu vết của một cuộc cưa xẻ nào.

Bà Sáu, một dân làng năm nay ngoài 50 tuổi, vừa chà những con hàu, con ốc tươi rói, còn dính rêu xanh của rạn đá Nam Ô, vừa giải thích cho tôi về tên gọi của rừng. Gọi là rú cấm vì trừ những khúc gỗ mục mang về làm củi thì không ai được chặt một cái cây, dẫu chỉ là một cành nhỏ.

Bà Sáu không biết luật lệ có từ khi nào nhưng thuở bé đã nghe cha và ông dặn dò, như bao đứa trẻ khác trong làng. Rồi bà lớn lên, lấy chồng, sinh con. Bà lại nói với con cháu những điều như xa xưa cha ông đã căn dặn.

“Không một ai dám trái lệ làng”, bà Sáu nói, gọn gàng và chắc nịch.

Luật lệ ấy truyền từ đời này sang đời khác. Nhờ vậy mà đến nay khu rừng vẫn còn giữ được vẻ xanh tốt, một điều hiếm thấy ở những khu rừng nằm gần khu dân cư.

Tôi hỏi bà Sáu hình phạt của làng, nếu ai đó trót phạm phải. Một phụ nữ đang phân loại ốc gần đó liền lên tiếng thay “choa (cha), người ta nói cho chứ phạt mà nói làm gì”.

“Người ta nói” - Các bô lão nói, thanh niên nói, già trẻ gái trai dân làng nói. Nhưng “người ta” nói gì? “Nói nhà đó chặt cây phá rú”. “Lúc đó thì mang tiếng lắm”, “Còn mặt mũi nào mà nhìn người khác”, “Lúc đó có nước mà ra rìa làng ở”.

Ở ngôi làng dưới chân đèo Hải Vân này, lời dị nghị đó có sức nặng hơn một hương ước hay định chế được ghi chép bằng văn bản giấy tờ nào.

Tương truyền những người cố ý vào rú cấm chặt cây, không lâu sau đều gặp chuyện chẳng lành. Khu rừng cũng bao quanh mình những huyền sử. Chuyện rằng, năm xưa sau khi thoát khỏi kinh đô Đồ Bàn - quê chồng, Huyền Trân Công Chúa cùng binh tướng nhà Trần đã dừng chân trú ngụ tại rừng, đợi mùa gió Nam, lên thuyền về lại Đại Việt.

Ý nguyện dẫu của một người dân hay của một cộng đồng đều có quyền và xứng đáng được hiện hữu thành ngôn từ, trở thành một phần văn bản có giá trị pháp lý, được xem xét, trong bất kỳ một dự án nào. Có điều, bạn đã bao giờ được hỏi mình chọn gì?

Những huyền thoại làm nên sự linh thiêng của khu rừng, làm người ta phải chùn tay khi định nhấc dao cứa vào một nhành cây tươi rói. Nhưng tôi tin, động lực bảo vệ rừng kia xuất phát từ niềm tin: “Mất rừng là mất làng”. Lịch sử dân tộc chứng kiến những hy sinh của tiền nhân trong thuở mở mang bờ cõi về phương Nam. Lịch sử làng Nam Ô cũng chứng kiến những thân cây đã bảo vệ người dân nơi đây qua bao mùa dông bão. Họ đã được rừng bao bọc, chở che; từ đó sinh ra ý thức biết ơn và gìn giữ.

Buổi chiều hôm ấy ở Nam Ô, khi nghe tôi nhắc lại dự án du lịch có thể sẽ được xây trên một phần đất của rú cấm, bà Sáu giơ hai bàn tay to chắc, chai sạn của mình cho tôi xem rồi nói lớn “họ làm họ hưởng, u u cục cục như bọn tôi thì làm du lịch cái gì!”. Một phụ nữ ngồi bên tiếp lời “dân ở đây sống dựa vào rừng, bù đắp bao nhiêu là đủ?”.

Bây giờ, chuyện xung đột giữa người dân Nam Ô và doanh nghiệp du lịch kia đã tạm lắng xuống sau khi chính quyền thành phố Đà Nẵng ra quyết định xem xét lại dự án. Nhưng nỗi lo của người dân thì vẫn còn đó. Bà Sáu và những người phụ nữ chân chất xứ biển kia không biết mảnh hồn làng còn được xanh đến ngày nào. Dân làng đã bao phen cùng nhau xua đuổi tàu bè tới trộm đá, hút cát; ngăn người đến chặt cây. Và giờ họ đã bị đứng ngoài cuộc trong nhiều cuộc xếp đặt lợi ích.

Chuyện của Nam Ô không mới. Nó mang bóng dáng của nhiều mảnh đất, ngôi làng lỡ nằm ở địa thế đắc địa, được các nhà đầu tư cho vào tầm ngắm, còn chính quyền thì nhận định “có tiềm năng du lịch”. Những bản quy hoạch dự án được lập ra với mục đích thúc đẩy kinh tế địa phương nhưng nghịch lý là người dân đã không được xem là chủ thể của quá trình phát triển. Người dân chỉ biết khi mọi sự đã rồi, dẫu để bê tông sắt thép thành hình hài thì một phần mảng giáp xanh bảo vệ mái nhà của họ sẽ phải bị băm nát; con sông, cồn cát sau nhà nơi đang nuôi sống gia đình họ sẽ bị xẻ thịt… Lựa chọn của tiền nhân, của thế hệ hiện tại và cũng có thể của tương lai đã không có cơ hội được giãi bày.

Dẫu mơ hồ hoặc hoàn toàn không có ý niệm về quyền biểu đạt, nhưng tôi tin, ai cũng có lựa chọn của riêng mình. Có những lựa chọn ăn sâu vào tâm thức của người dân, thành khế ước của làng, kiên trì nối tiếp qua bao đời như câu chuyện bảo vệ đất rừng ở Nam Ô.

Ai đó có thể nghi ngờ về câu trả lời mang tính chất phát triển bền vững lại được đưa ra từ sau lũy tre làng. Nhưng ý nguyện dẫu của một người dân hay của một cộng đồng đều có quyền và xứng đáng được hiện hữu thành ngôn từ, trở thành một phần văn bản có giá trị pháp lý, được xem xét, trong bất kỳ một dự án nào. Có điều, bạn đã bao giờ được hỏi mình chọn gì?

Bảo Uyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276363/con-rung-con-lang.html