Con sâu, cái kiến

Chẳng có thành ngữ nào chính xác và ngắn gọn hơn 'Con sâu, cái kiến'. Chỉ có bốn từ thôi mà nói lên được thân phận của cả một kiếp người. Tất nhiên thành ngữ 'Mạt rệp' có thể ngắn hơn nhưng có vẻ ngữ nghĩa của nó nghiêng về phía những kẻ bất lương nhiều hơn.

Hà Nội những năm đầu thập niên ’60 có không nhiều vườn hoa lắm. Quanh trong phố chỉ có vườn hoa Chí Linh, vườn hoa Con Cóc, vườn hoa Yersin, vườn hoa Canh Nông và vườn Bách Thảo. Tất cả đều do người Pháp xây dựng từ trước ngày tiếp quản. Chỉ vườn Bách Thảo có quy mô lớn và được thiết kế quy hoạch với mục đích duy nhất là vườn hoa. Những vườn còn lại phần lớn nhỏ bé và mang những công năng riêng biệt.

Vườn hoa Canh Nông thực ra là khuôn viên đài tử sĩ tưởng niệm binh sĩ Pháp chết trận trong thế chiến I. Vườn hoa Chí Linh thực chất là Nhà Kèn dùng cho đội quân nhạc luyện tập và biểu diễn. Sau tiếp quản vẫn còn thỉnh thoảng biểu diễn kèn do thiếu tá nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên (ông đội Liên) chỉ huy. Cuối thập niên ’50 đến đầu những năm 1960 nhà nước mới cho xây dựng công viên Thống Nhất quanh hồ Bảy Mẫu. Những thanh niên ở phố thời ấy đi lao động Xã hội chủ nghĩa xây dựng Công viên Thống Nhất và đường Thanh Niên với tinh thần náo nức như đi trảy hội.

Gọi là vườn hoa nhưng thành phần chính trong vườn chỉ là cây cổ thụ mà thôi. Hoa chỉ được trồng vào những dịp lễ tết đặc biệt trên những khoảnh đất nhỏ được phân giới bằng cây bỏng nổ. Nhiều năm trong chiến tranh hầu như chỉ có thời gian trước tết hoa mới được mang trồng đại trà trong các vườn. Cũng chỉ những vườn ở quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và ngay trên chính đất đai ven hồ. Những hoa bướm, hoa sushi, hoa cúc, violet được mang từ trên Ngọc Hà xuống trồng ngăn nắp ven hồ đảm bảo nở rộ vào mấy ngày tết. Hàng đàn bươm bướm nhiều màu, chuồn chuồn bà đốm đen, ong mật, chuồn chuồn ớt chấp chới trên những cánh hoa ngày hửng nắng tạo nên một không gian tràn ngập sắc xuân.

Những năm chiến tranh bom đạn, chim chóc trong thành phố bỏ đi khá nhiều. Đàn sẻ mất chỗ kiếm ăn ở những cửa hàng bán gạo. Lũ chim sâu, vành khuyên nhút nhát cùng với những con cu gáy thổn thức ngoài bờ sông cũng biệt tăm về các vùng quê. Chỉ còn lại lũ cò trắng chiều tối bay về hàng cây sao phố Lò Đúc và đảo Hòa Bình trong công viên Thống Nhất.

Tình hình thực phẩm khan hiếm sinh ra nạn bắn chim làm thức ăn. Lúc ấy đám du học sinh ở Đông Âu mang về khá nhiều súng hơi làm phương tiện cho những thợ săn đường phố này. Hình như đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho côn trùng, sâu bọ phát triển mạnh. Nó không còn bị thiên địch là loài chim đe dọa nữa.

Có sâu tất nhiên nhiều bướm. Lũ trẻ Hà Nội có thể đi loanh quanh vài vườn hoa trong phố trong dịp hè cũng có thể tìm được một bộ sưu tập bướm khô. Những con bướm màu độc đáo có thể ra ngoài bờ sông Hồng kiếm dễ dàng trên những thửa ruộng trồng hoa màu.

Trò chơi mê mẩn nhất của lũ trẻ trai quanh Bờ Hồ là kiến chọi. Những con kiến nâu bóng có cặp răng dài vung lên thách thức. Chỉ cần tuốt một ngọn cỏ gà cho vào lỗ kiến nhỏ như vết đóng đinh trên mặt đất là có thể câu lên những con kiến càng hung dữ. Chính thói hiếu chiến của lũ kiến này khiến bọn trẻ bắt được nhiều hơn. Chúng bỏ kiến vào lọ peniciline từng đôi một cho chọi nhau và hò reo suốt mùa hè.

Hết chiến tranh, cuộc sống dần khấm khá lên. Giờ thì nạn bắn chim trong thành phố đã hoàn toàn kiểm soát được. Không ai có thể cầm khẩu súng hơi đi ngoài phố vài chục mét mà không bị hỏi thăm. Chim chóc lại về ngày một nhiều lên. Những đàn chim vành khuyên lớn sáng đến bay ríu ran trong tàng cây. Chim sẻ dạn người bay cả vào cửa sổ tìm mồi. Chẳng biết có phải vì thế mà rất lâu rồi không nhìn thấy một cánh bướm trong các vườn hoa thành phố. Lũ trẻ không chơi trò chọi kiến nữa. Chẳng biết lũ kiến chọi có còn tá túc trên những thảm cỏ quanh hồ. Thiếu vắng những bươm bướm, chuồn chuồn làm cho mấy luống hoa vàng chóe quanh hồ bị nghi ngờ là hoa giả.

“Con sâu, cái kiến” giờ chỉ còn được gọi tên như một ẩn dụ nói về con người. Cũng không còn được hiểu như xưa nữa. Kiến thì vẫn kiến thôi nhưng sâu đã khác. Nói đến sâu mọt có nghĩa là nói đến một bộ phận quan chức nhà nước đục khoét của công. Dân thường gọi là sâu mọt và lãnh đạo đôi khi cũng phải cảm thán với đàn sâu quá đông đảo. Đám sâu không có thiên địch này âm thầm phát triển và nhất định không hóa bướm nên ít khi được ngắm nhìn.

9.2018

đỗ phấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/con-sau-cai-kien-632038.ldo