Con số đẹp và tương lai học trò

Câu chuyện em Q.V.S học lớp 6, Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, còn phải đánh vần khi viết chữ lại làm nóng dư luận những ngày qua.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Sê: Dù được phụ đạo nhưng em vẫn "học trước, quên sau" và có vấn đề về trí tuệ. Giọng đọc của em không rõ ràng, khi viết bài, tay em run run nên chữ viết rất xấu. Còn các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy và ban giám hiệu trường tiểu học đều biết năng lực em có hạn, song họ cho rằng nếu để em tiếp tục lưu ban, thì e rằng em sẽ mặc cảm, tự ti và bỏ học. Nhà trường đã xét hoàn thành chương trình tiểu học và bàn giao em S. lên lớp 6.

Thực ra tình trạng này vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là những trường vùng sâu, vùng xa. Một thời báo chí rộ lên chuyện ngồi nhầm lớp ở khắp mọi miền, sau đó mọi chuyện đi dần vào quên lãng và nay trường hợp này đánh thức dư luận một lần nữa.

Bao giờ thầy cô trực tiếp giảng dạy các em ngồi nhầm lớp sẽ nói là hiểu rõ sức học các em; lãnh đạo trường và Phòng GD-ĐT sẽ nói có biết hoặc chưa nghe báo cáo hoặc tôi mới nhận nhiệm vụ nên chưa rõ. Chung quy cách hành xử của địa phương là tư duy nhiệm kỳ, "đưa cho qua sông" từng cấp học với ngành giáo dục, qua chuyện với quản lý chung. Ai cũng muốn trong nhiệm kỳ của mình những con số đẹp, những báo cáo thành tích nổ vang trời để được khen thưởng, thăng tiến nhanh hơn, cao hơn. Không ai muốn trong nhiệm kỳ của mình thành tích học tập của các em bết bát, các trường có nhiều học sinh (HS) học yếu, phải lưu ban và bỏ học; ảnh hưởng đến thành tích chung của huyện, của tỉnh. Còn các cơ quan có trách nhiệm giám sát, kiểm tra thì không làm hết trách nhiệm hoặc có biết thì cũng nể tình, nhắm mắt cho qua, để rồi qua hết nhiệm kỳ cũng xong trách nhiệm, hậu quả mặc người trong cuộc, người đến sau giải quyết.

Chỉ thương cho các thầy cô đứng lớp, trực tiếp giảng dạy, kèm cặp cho các HS này. Các em mất căn bản đã lâu, các thầy cô dạy nhiều vẫn không tiếp thu nổi nên đành… chịu thua, để nhà trường tìm cách giải quyết và cách thường thấy là để cho các em lên lớp, ngồi nhầm chỗ, lạc lõng với trường lớp, các bạn quanh mình.

Trong vụ này còn có phần trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi quy định cứng nhắc về tỉ lệ HS trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông kèm theo Thông tư số 12 (ngày 28-3-2011) quy định HS không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học; ở trường trung học thì vùng khó khăn không quá 3% HS bỏ học, không quá 5% HS lưu ban; các vùng còn lại không quá 1% HS bỏ học, không quá 2% HS lưu ban và quy định chung HS cuối cấp đều phải tốt nghiệp 100%.

Từ thực trạng này đòi hỏi phải rạch ròi trách nhiệm và cấp thiết điều chỉnh, sửa đổi. Lãnh đạo trường, ngành GD-ĐT, chính quyền địa phương và Bộ GD-ĐT không thể đứng ngoài. Ai làm không được, thiếu trách nhiệm phải thay thế bằng người khác. Để cho một HS ngồi nhầm lớp, đặt một nhân sự vào nhầm chỗ đều phải có địa chỉ trách nhiệm, không thể đổ lỗi và tranh công. Vào đời với cái đầu trống rỗng kiến thức và làm việc với căn bệnh "chạy theo thành tích" thì làm sao đưa đất nước hóa rồng?

THÔNG ĐẠT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/con-so-dep-va-tuong-lai-hoc-tro-20190303222432442.htm