Con sông, ký ức và môi trường

'Mình ơi anh cưới dòng sông nhé?' là tập tạp văn mới của tác giả Nguyễn Văn Học, vừa được NXB Văn hóa-Văn nghệ, in và phát hành.

Tựa sách được gợi hứng từ câu thơ của Nguyễn Bính, tác giả Nguyễn Văn Học đã sử dụng với một niềm mong ước con người cộng sinh với thiên nhiên, đặc biệt hơn là các dòng sông.

Độc giả từng biết đến Nguyễn Văn Học sau hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết, tập truyện ngắn trình làng và được cộng đồng độc giả đón nhận tích cực. Nhưng là người hay đi, chịu khó quan sát, năng ghi chép, và đặc biệt là sự xúc động trước hình ảnh đẹp của những con sông, rồi tận thấy những con sông ấy bị ô nhiễm, nên ngòi bút của anh miêu tả thật sự xúc động, trữ tình. Từng bài viết trong tập “Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé” thật sự đầy cảm xúc và là những suy nghiệm sâu sắc của chính tác giả về thế giới và con người. Tình cảm chan hòa trong mỗi câu chuyện bình dị, thân thuộc, được người nghệ sĩ phóng bút đến những miền xa của kỉ niệm mơ tưởng và thức tỉnh lương tri con người.

Xuất thân từ vùng chiêm trũng huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Học yêu sông, yêu quê và phải chứng kiến con sông quê bé nhỏ chảy quanh làng bị ô nhiễm nặng, chính do bàn tay con người. Rồi sau này đi làm báo, đến những miền đất xa, anh đã dành nhiều tâm huyết để tìm hiểu về những con sông, con suối. Lúc là những con suối, con sông nhỏ ở miền biên viễn, khi là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Lúc khác anh đi Điện Biên, sang Sơn La, rồi về Thanh Hóa để tìm hiểu về con sông Mã. Rồi tiếp đến là sông Chu, sông Nhuệ, sông Châu, sông Thái Bình… Hay có lúc, chỉ là một khúc sông, được trìu mến gọi là Sông-Nhà-Mình đầy vẻ trữ tình.

Người đọc dễ dàng nhận ra những con sông đó được hiện lên với sự soi rọi khá đa chiều. Cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Đọc tạp bút của anh, thấy ký ức về những con sông hiện lên, ngồn ngộn, vừa lãng mạn vừa da diết. Vừa hoang hoải đắm đuối vừa tiếc nuối. Văn Học đã trải ký ức của mình lên các con sông, gợi nhớ về những kỷ niệm với sông, với chiều sâu văn hóa mà qua hàng trăm năm các con sông đã được bồi đắp. Nên sông trong tạp bút của Nguyễn Văn Học vừa là nhân vật chính, vừa là chủ thể của sự xúc cảm và sáng tạo. Sông lại là đối tượng để biểu đạt, chưng cất và làm thăng hoa những cảm xúc của một người sáng tác yêu sông. Ký ức ấy luôn dắt mỗi người có một suy nghiệm trong lòng về, về dòng sông tuổi thơ, con sông chảy quanh làng đã trở thành nhân vật trong thơ ca nhạc họa.

Nếu theo dõi quá trình làm báo của tác giả Nguyễn Văn Học, sẽ thấy anh liên tục có những bài viết về sông. Lúc anh lên Hà Giang để viết về quá trình làm thủy điện. Khi xuôi về sông Hồng đoạn chảy qua Phú Thọ để điều tra về nạn khai thác cát trái phép. Hay đến sông Nhuệ, sông Đáy để điều tra về nạn gây ô nhiễm, lấn chiếm hành lang sông. Vừa rồi, vệt phóng sự dài kỳ về tình trạng khai thác cát trái phép, cũng như đề xuất giải pháp, tăng cường tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên của Học cho thấy những nỗ lực và tình yêu của anh đối với các con sông. Anh lên tiếng để bảo vệ môi trường. Anh lên tiếng vì những con sông vẫn đang hằng ngày quặn đau vì bàn tay con người tác động. Nhiều con sông đã thay đổi dòng, đã nổi giận, cuốn phăng bờ bãi và nhiều xóm làng ven sông.

Vậy nên, Nguyễn Văn Học đã lấy sông để nói về lối ứng xử của con người với tự nhiên. Trong bài tạp bút “Con sông thắp xanh cuộc đời”, anh viết: “Lòng lại rủ lòng về câu thơ ngày xưa ông nội viết, như những bức tranh đa sắc trữ tình để so sánh về sự đổi thay của cuộc đời và thời gian đã làm sông nghẹn ứ. Tôi nghe sông nói với mình gương mặt sông không phải của ngày xưa nữa. Tôi nghe bãi bồi nói rằng đã tận hiến kiệt cùng màu xanh, giờ nằm thở dài vì bị hoang hóa. Những họng nước, nhà máy và cả sự vô tâm của không ít người ở phía thị xã và dọc miền châu thổ xả nước cũng như rác thải làm sông đau vì ô nhiễm”. Hay một đoạn khác: "Khi yêu sông chúng ta cũng yêu từng bãi bồi, nhành cây, con thuyền, mặt nước. Yêu sông chúng ta cũng yêu cá sống trong nước, yêu người thuyền chài, những mùa trăng vui trai gái bên bờ hát đối đáp. Chúng ta cùng lan tỏa tình yêu. Ông cũng dặn rằng, khi biết yêu những điều nhỏ bé, chúng ta sẽ biết trân trọng và vươn tới những điều lớn lao hơn”.

Tác giả từng viết, sông không chỉ là sông, mà là một thực thể sống, một thân phận, có tình cảm, có hiến dâng, giận hờn và tha thứ. Sông có vị ngọt và vị đắng. Có lững lờ và cuồn cuộn. Sông cũng cần xuân, chờ ấm và chờ lòng ta đáp lại. Những cái chạm cốc hay là sự nảy sinh tình yêu, sự xúc động từ trong trái tim con người, chính là câu trả lời, là sự đáp lại những gì sông và thiên nhiên mang đến.

Trong số 39 bài tạp bút, ngoài đề tài sông ngòi, tác giả Nguyễn Văn Học cũng xoáy vào chủ đề văn hóa, làng cổ, không gian xưa cũ với lối ứng xử văn hóa, nhân văn. Đó thật sự lại là những đề tài mà anh đã trải nghiệm trong những chuyến đi, đã quan sát, viết bài và nay thể hiện bằng một giọng điệu khác - tạp bút. Bạn đọc lại được biết đến những lối ứng xử nhân nghĩa trong những ngôi làng cổ ngoại thành Hà Nội, những thôn xóm đẹp nên thơ nơi miền Kinh Bắc, những bóng cổ thụ thâm nghiêm như những cụ già hiền từ; những chiếc giếng cổ trăm năm gợi nhớ một thời đã xa. Hay là những vùng bãi bồi đầy hoa cải trắng và vàng…

Cuốn sách nhỏ bé này hóa ra mà một tác phẩm dung chứa nhiều câu chuyện lớn lao trong thời hiện đại, giữa một thế giới hỗn độn, ngổn ngang và vô cùng phức tạp. Nhà văn đã truyền đi một thông điệp giản dị, sâu sắc về sự vĩ đại của người Mẹ tự nhiên, về mối quan hệ không thể chia tách giữa tự nhiên - xã hội. Qua đó nhắn nhủ với con người hãy học cách trân trọng và giữ gìn môi trường tự nhiên, bầu khí quyển văn hóa để cộng sinh với tự nhiên thật hài hòa.

Thu Hằng |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/con-song-ky-uc-va-moi-truong-63026