Kỳ 2: Rà soát kỹ lưỡng để phát hiện

Sự việc của Công ty CP phát triển nguồn nhân lực Đông Dương đang là hồi chuông cảnh báo về chất lượng các văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu (sáu bậc).

Việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (NLNN) tại nhiều cơ sở đào tạo diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát về chất lượng do nhu cầu về việc thi chứng chỉ tiếng Anh để hoàn thiện hồ sơ công chức, viên chức và tuyển dụng là rất lớn.

Văn bằng chứng chỉ giả như thật

Với phương thức mới hết sức tinh vi, Thuật cùng Hạnh sản xuất những giấy tờ giả để lừa các thí sinh từ con dấu đến chữ ký, văn bằng chứng chỉ… Với mắt thường, chúng ta không thể phát hiện được, chỉ khi đưa lên hệ thống của ĐHQG Hà Nội thì mới có thể biết được đâu là thật, đâu là giả.

Cơ quan Công an đã tiến hành trưng cầu giám định đối với một số văn bằng, chứng chỉ, tại nơi mà Hạnh và Thuật đã khai liên kết đào tạo, đó là Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi tiến hành rà soát, Trường ĐH Ngoại ngữ phát hiện nhiều trường hợp không có thông tin trong hệ thống dữ liệu khảo thí của trường, giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh không phải do Trường ĐH Ngoại ngữ cấp.

Ngày 16/1/2018, sau khi đại diện Cục A83 làm việc với Ban giám hiệu phản ánh việc Công ty Cổ phần phát triển nguồn lực Đông Dương thông báo có hoạt động liên kết đào tạo thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ với Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ khẳng định: Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội không chủ trương liên kết đào tạo, ôn, thi, và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đối với các đơn vị bên ngoài.

Trường ĐH Ngoại ngữ không liên kết đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ với Công ty Cổ phần nguồn lực Đông Dương; không ban hành công văn không số ngày 28/12/2017 gửi Công ty Cổ phần phát triển nguồn lực Đông Dương về việc phối hợp, tổ chức, đào tạo, ôn tập và sát hạch cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Nội dung công văn, con dấu của trường và chữ ký của hiệu trưởng bị giả mạo.

Rà soát kỹ lưỡng văn bằng chứng chỉ trong hệ thống GD

Trao đổi với báo GD&TĐ, ông Nguyễn Kim Khôi, Trưởng phòng An ninh GD&ĐT, Cục An ninh nội bộ, Tổng cục An ninh cho biết, Cục An ninh đang kiến nghị với Bộ GD&ĐT đề nghị các trường trong cả nước, các trường liên quan đang sử dụng chứng chỉ này phải rà soát lại.

Phía an ninh xác định, sự việc văn bằng chứng chỉ giả này đang được tổ chức nhiều nơi, và cũng chưa xác định được có bao nhiêu người tham gia và sử dụng văn bằng chứng chỉ giả của công ty này.

Lợi dụng chủ trương chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện những tiêu chuẩn liên quan đến cán bộ công chức viên chức Nhà nước, các đối tượng xấu đang lợi dụng triệt để không từ một hành vi vi phạm pháp luật nào.

Cục An ninh đang kiến nghị tất cả các cơ quan liên quan đến tuyển dụng nhân sự, đơn vị đào tạo trên cả nước, công tác hậu kiểm văn bằng chứng chỉ cần được đặt ra một cách rõ ràng, chứ không phải nhìn thấy văn bằng chứng chỉ là nhận mà không có sự rà soát kỹ lưỡng.

Các cơ quan Nhà nước, trong công tác quản lý về văn bằng chứng chỉ chỉ đạo các trường, các cơ sở giáo dục công khai thông tin của những khóa đào tạo lên trang web của mình giúp cho cơ quan tuyển dụng có cái nhìn minh bạch hơn, rõ ràng hơn, làm giảm hoạt động làm giả văn bằng chứng chỉ.

“Trong công tác đấu tranh với văn bằng chứng chỉ giả, ngoài việc tổ chức hội đồng thi giả, cấp chứng chỉ giả, cả chứng chỉ Toeic, Ielts …đối tượng này còn làm giả trang web đơn vị chủ quản. Chẳng hạn đối tượng này còn làm giả trang web của Hội đồng Anh… khi cấp chứng chỉ, cấp luôn đường link có trang web giả, có tên người tham gia ở đó. Tuy nhiên, khi đơn vị tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi mới phát hiện ra đó là giả”, ông Nguyễn Cao Khương, Phó Trưởng phòng An ninh GD&ĐT, Cục An ninh nội bộ, Tổng cục An ninh cho biết.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/ky-2-ra-soat-ky-luong-de-phat-hien-3917986-b.html