Cơn sốt dầu, cơn sốt đất và thảm họa của một vùng đất

Cơn sốt đổ xô đi tìm dầu được thể hiện rõ nét nhất trong câu chuyện kỳ lạ về thị trấn Pithole nằm bên con sông cùng tên, cách Titusville khoảng 15 dặm.

Ảnh: Marketplace.

Tại đó, vào tháng 1/1865, giếng dầu đầu tiên được phát hiện và tới tháng 6 năm đó, có tất cả bốn giếng phun với sản lượng 2.000 thùng mỗi ngày, chiếm 1/3 tổng sản lượng của Vùng đất dầu và mọi người phải đi lại rất khó khăn trên những con đường chật ních xe ngựa chất đầy những thùng chứa dầu. Một du khách tới đây đã nhận xét: “Toàn bộ nơi này bốc mùi giống như những binh đoàn mắc bệnh tiêu chảy".

Giá đất thì dường như không có giới hạn nào. Một trang trại gần như vô giá trị vài tháng trước đó được bán lại với giá 1,3 triệu USD vào tháng 7 năm 1865, rồi hai triệu USD vào tháng 9 năm đó.

Cùng tháng này, sản lượng dầu thô ở khu vực xung quanh sông Pithole đạt mức 6.000 thùng mỗi ngày, tương đương 2/3 sản lượng của toàn bộ Vùng đất dầu. Và cũng tính đến tháng 9/1865, vùng đất trước đây hoang vu, không ai biết tới này đã trở thành một thị trấn với 15.000 người.

Tờ New York Herald đăng bài viết tổng kết những lĩnh vực làm ăn chủ yếu ở Pithole là “rượu và cho thuê”. Tờ Gé Nation nhận định thêm: “Có thể khẳng định rằng, số kẻ say rượu tại thị trấn này nhiều hơn bất kỳ thị trấn nào khác có cùng diện tích trên thế giới”.

Tuy nhiên, Pithole đang dần được kính nể hơn với hai ngân hàng, hai trạm điện báo, một tòa báo, một nhà máy nước, một công ty cứu hỏa, hàng chục tòa nhà và công ty lớn, hơn 15 khách sạn - trong đó có ít nhất ba khách sạn đạt tiêu chuẩn khách sạn sang trọng ở thành phố lớn - và một bưu điện chuyển phát hơn 5.000 bức thư mỗi ngày.

Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, dầu của Pithole đột ngột cạn kiệt, cũng nhanh chóng như khi người ta phát hiện ra nó. Đối với người dân trong vùng, đó là một thảm họa, giống như thảm họa được nhắc tới trong Kinh Thánh.

Tháng 1/1866, một năm sau lần đầu tiên người ta tìm thấy dầu tại đây, hàng nghìn người đã bỏ đi để tìm những niềm hy vọng và những cơ hội mới. Thị trấn vụt xuất hiện từ vùng đất hoang sơ ngày nào lại trở nên hoang vắng. Lửa thiêu rụi những tòa nhà, và những khung gỗ bị bỏ lại được dỡ xuống dùng vào việc xây dựng tại nơi khác hoặc làm củi đốt cho nông dân sống ở những ngọn đồi quanh đó. Một mảnh đất ở Pithole được bán với giá 2 triệu USD vào năm 1865 lại được rao bán với giá chỉ 4,37 USD vào năm 1878.

Ngay cả khi thị trấn Pithole trở nên hoang tàn, cơn sốt tìm dầu vẫn bùng phát đâu đó và tấn công vào những vùng lân cận. Sản lượng dầu của Vùng đất dầu tăng vọt tới 3,6 triệu thùng vào năm 1866. Cơn “Khát” dầu dường như không có giới hạn và dầu không chỉ là một chất đốt hay chất bôi trơn mà còn là một phần của văn hóa quần chúng. Dân Mỹ nhảy điệu ponka “Dầu Mỹ”, điệu gallop “Cơn sốt dầu” và hát những bài hát như “Những công ty dầu nổi tiếng” hay “Nỗi ám ảnh về dầu".

Daniel Yergin / NXB Thế Giới và Omega Plus

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-sot-dau-con-sot-dat-va-tham-hoa-cua-mot-vung-dat-post1388257.html