Cơn sốt đồ chơi 'tắc tắc' 50 năm trước

Gọi là trò chơi 'tắc tắc' vì khi cầm cái khoen mà nhún lên nhún xuống nhẹ nhàng, hai sợi dây sẽ căng ra, và hai quả bóng tròn đu đưa đập mạnh vào nhau kêu 'tắc tắc'.

Ở đất nước ta, đồ chơi ban đầu được chế tạo từ các làng nghề. Khi người Pháp đến, họ nghiên cứu và đưa các món đồ chơi thủ công giới thiệu với thế giới.

Từ năm 1932, ở Paris ngày 19/12, người ta đã làm lễ khánh thành ở bảo tàng Trocadéro một cuộc đấu xảo đồ chơi trẻ em do Hội Viễn Đông Bác cổ thu thập.

Những món đồ chơi từ những người thợ Annam mang qua được tờ Le Temps ở Pháp khen ngợi về sự khéo léo. Rất tiếc báo chí lúc ấy chỉ đưa tin ngắn gọn về sự kiện này nên không rõ đó là những món gì được mang sang.

Qua năm sau, một cuộc đấu xảo đồ chơi Việt đã được tổ chức vào ngày 7/12/1933 tại hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội. Chính vua Bảo Đại đã đến khánh thành cuộc đấu xảo này, cùng viên Thống sứ Bắc kỳ và Khâm sứ Trung kỳ.

 Đồ chơi bằng thiếc có gắn máy (phục chế) rất phổ biến cuối thập niên 1960. Ảnh: Phạm Công Luận.

Đồ chơi bằng thiếc có gắn máy (phục chế) rất phổ biến cuối thập niên 1960. Ảnh: Phạm Công Luận.

Ban đầu, vua xem những đồ chơi làm bằng máy. Có đầu máy xe lửa bằng đồng của ông Nguyễn Thế Chung (ở số 64 Jules Ferry - phố Hàng Trống) chạy bằng hơi nước.

Hiệu sửa đồng hồ Kinh Chương (số 246 rue du coton - phố Hàng Bông) bày nhiều đồ chơi khéo léo như thiếu nữ gảy đàn, người giã gạo, xay thóc, thằng hề đi xe đạp trên dây...

Hai anh em Thủy Chung (149 Route de Huế - Phố Huế) chế ra nhiều bộ máy nhỏ chạy hơi nước tinh xảo như máy bơm nước, máy quạt, tàu thủy...

Làm đồ chơi gắn máy còn có ông Lê H. Lễ (2 rue des Médicaments - phố Thuốc Bắc) và ông Vũ Huy Pháo ở Hưng Yên chế đồ chơi dùng dây cót đồng hồ có thể cử động được như sư gõ mõ, người xay lúa, giã gạo, quạt thóc...

Cũng trong năm 1933, báo Khoa học nêu ra các tiêu chuẩn của đồ chơi trẻ em: Một là phải khéo, nhìn thích ngay, như người Âu Mỹ hay Nhật đưa khoa học vào, dùng máy cho xe chạy, dùng hơi nước cho tàu đi, dùng điện...

Hai là chế tác phải kỹ lưỡng, phải nhẵn nhụi, không như đồ chơi trong nước còn nhiều chỗ lởm chởm, có cạnh sắc có thể làm đứt tay đứa trẻ, ba là phải có giá rẻ, trẻ con bình dân mới mua được.

Ông ví dụ ở Hưng Yên có người chế ra được con voi có thể cử động đầu, vòi, đuôi… trẻ con rất thích nhưng giá bán tới 15 đồng bạc nên trong mấy năm chỉ bán được… hai con.

Báo Phụ nữ Tân văn, trong thời gian đó, có bài viết: “Trẻ em cần phải có đồ chơi”, nhắc đến một cuộc đấu xảo đồ chơi ở Hà Nội.

Tác giả cho là trẻ con thành thị ngoài hộp cũ, ống chỉ, cuộn tơ thì không có gì để chơi, không như trẻ em nông thôn... Ông mong là có thể chế nhiều món đồ chơi bằng gỗ lắp ráp, đồ chơi giúp trẻ em tập bắn chính xác...

Ông nhắc năm nào gần tết Tây cũng thấy trẻ em Sài Gòn, Tây và Việt có đủ, đứng trầm trồ ở cửa hàng đồ chơi của hãng Charner (thương xá TAX sau này), mong là đến lúc nào đó có hàng đồ chơi của người Việt ở đó.

Gian hàng đồ chơi thiếu nhi trong thương xá Tax đầu thập niên 1960. Ảnh đăng trên báo Sáng dội miền Nam.

Miền Nam không có nhiều làng nghề và lực lượng thợ thủ công tinh xảo như miền Bắc nên không thể sản xuất đồ chơi Việt vừa tốt vừa có giá rẻ như ngoài Bắc.

Hầu như từ lúc đó cho đến khoảng thập niên 1950, đồ chơi miền Nam chủ yếu là nhập ngoại.

Năm Tân Mão 1951, nhà buôn Trần Kim Anh số 39 colonel Grimaud (Phạm Ngũ Lão), sau garare Cuniac trước chợ Bến Thành quảng cáo trên báo Tiếng chuông về đồ chơi mới vừa nhập về. Họ đã đặt mua ở hải ngoại hàng nghìn đồ chơi và mời các bậc cha mẹ đưa con đến chọn lựa.

Đó là các thứ: Búp bê biết bò, súng mọt-chê, bì súng, mặt nạ, các thứ pháo bông, điếu thuốc nổ, tàu lặn, xe hơi bị nổ bên cạnh không ngã, có thể thụt lùi và mở cửa tự động…. Cho đến lúc này, đồ chơi chỉ có hàng cao cấp nhập ngoại.

Đến giữa thập niên 1950 về sau, người Hoa Chợ Lớn nhảy vào thị trường này. Có mối quan hệ với giới chế tạo, buôn bán máy móc ở Singapore, họ nhập về máy đúc đồ chơi nhựa, sản xuất ra các con thú, các nhân vật trong phim Mỹ, Nhật như người Điện quang, Batman, siêu nhân, người nhện, mọi da đỏ, lính Mỹ trong bộ phim Combat...

Ngoài ra, các tờ bìa in màu hình động vật, thực vật, phong cảnh, thành phố trên thế giới để trẻ em thành phố chơi tạt lon, ném chàm ăn hình…

Tất cả do người Hoa sản xuất và bán sỉ tại chợ Bình Tây rồi đi khắp nơi, vào các cửa tiệm khắp miền Nam, bán nhiều ở các cổng trường học khắp miền Nam vì giá rẻ.

Tuy nhiên, phân khúc đồ chơi cao cấp nhập cảng vẫn có chỗ đứng đàng hoàng. Năm 1967, siêu thị Nguyễn Du ở đường Chu Mạnh Trinh mở ra, cùng Saigon Departo, hành lang Eden, thương xá Tax bán nhiều loại đồ chơi này và còn được bày bán đầy trên các lề đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Pasteur, Công Lý.

Trò chơi "tắc tắc" gồm một sợi dây nối với hai cục banh nhựa cứng rất phổ biến từ Âu Mỹ lan tới Sài Gòn đầu thập niên 1970.

Năm 1971, trò chơi “tắc tắc” tạo nên cơn sốt đồ chơi ở Sài Gòn. Đó là món đồ chơi gồm hai quả banh nhựa rỗng và nặng, nối với một cái khoen bằng hai sợi dây dù dài bằng nhau.

Ai đó gọi nó là trò chơi “tắc tắc” vì khi cầm cái khoen mà nhún lên nhún xuống nhẹ nhàng, hai sợi dây sẽ căng ra, và hai quả banh tròn đu đưa đập mạnh vào nhau kêu “tắc tắc”.

Khi chơi phải giữ nhịp điệu khi điều khiển để làm sao cho hai quả banh gõ vào nhau đều đặn. Khi đã quen tay, người chơi kết thúc trò chơi bằng cách vẫy mạnh cho hai trái bóng dội ngược lên trên, thành một chuyển động tròn, đập vào nhau thật nhanh và mạnh, tạo nên tiếng tắc tắc liên hồi như súng liên thanh nhả đạn một tràng.

Trò chơi này đòi hỏi khéo tay và khá nguy hiểm: Những trái banh màu đó dễ bị sút dây, hoặc điều khiển không khéo có thể va đập vào đầu, tay… làm bầm tay u đầu người chơi hoặc người đứng cạnh.

Trò này hấp dẫn thành phong trào giống như trò lắc vòng “hula hoop” và trò trượt patin sau này. Có người cho rằng trò chơi “tắc tắc” có thể đem lại quân bình tâm lý cho người sống ở đô thị.

Phạm Công Luận / Phanbook và NXB Đà Nẵng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-sot-do-choi-tac-tac-50-nam-truoc-post1192844.html