Cơn sốt mang tên Ru

Tác phẩm mang tên 'Ru' và nữ tác giả văn sĩ Canada gốc Việt Kim Thúy đang là từ khóa hót nhất trên các diễn đàn văn chương thế giới hiện nay. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử giải văn học Nobel, một nhà văn gốc Việt đã xuất sắc vượt qua hàng trăm ứng cử viên sáng giá của văn chương thế giới lọt vào tốp 4 nhà văn tranh giải Văn chương Mới (thay thế giải Nobel Văn học) năm 2018. Dẫu Kim Thúy hiện đang định cư ở nước ngoài, quốc tịch Canada, song chị sinh ra ở Việt Nam và mang trong mình dòng máu Việ

Giải Văn chương Mới chỉ diễn ra duy nhất một lần?

Giải thưởng Văn chương Mới do Viện Hàn lâm mới gồm hơn 100 nhà văn, diễn viên, nhà báo và nhà văn hóa Thụy Điển lập ra sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố hủy bỏ giải Nobel Văn học 2018 do scandal bê bối tấn công tình dục của ông Jean-Claude Arnault, chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt của viện Hàn lâm Thụy Điển. Đây là một giải thưởng tạm thời, chỉ có trong năm nay của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, nhằm thay thế cho giải Nobel Văn học bị hoãn.

Cách thức để xét giải Văn chương Mới như sau. Hơn 100 thành viên của Viện Hàn lâm mới đề cử một danh sách gồm 47 nhà văn trên toàn thế giới, nhấn mạnh tính “phổ biến và đại chúng” rồi để công chúng bình chọn qua internet. Sau quá trình xét duyệt hồ sơ, 4 tác giả có số phiếu bầu chọn cao nhất được lọt top đề cử. Năm nay, danh sách vào chung khảo giải này gồm 4 tác giả xuất sắc sau: tiểu thuyết gia giả tưởng người Anh Neil Gaiman; tiểu thuyết gia người Pháp Maryse Condé với những tác phẩm nổi tiếng như “Desirada”, “Segu”; nhà văn Canada gốc Việt - Kim Thúy và nhà văn Nhật Haruki Murakami.Tuy nhiên, ông Murakami mới đây đã rút khỏi giải thưởng để tập trung viết lách.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 12/10 và người nhận giải sẽ nhận 1 triệu kronor (gần 2,9 tỉ đồng). Sau đó, hội đồng giám khảo giải Văn chương Mới sẽ giải tán vào tháng 12/2018. Nobel Văn chương sẽ trở lại vào năm 2019 và Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ công bố 2 người nhận giải để bù cho năm nay.

Sự kiện nữ nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy đã vượt qua 47 ứng cử viên danh giá, vượt qua cả những gương mặt “nặng ký” như nữ tiểu thuyết gia người Canada Margaret Atwood và tác giả bộ Harry Potter J.K.Rowling để nằm trong 4 người được đề cử cho giải thưởng Văn học Mới đã gây ra cơn địa chấn dư luận không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam bởi những ấn tượng đặc biệt khi lần đầu tiên văn chương của một người gốc Việt đang chinh phục giải thưởng cao nhất. Đề cập 3 nhà văn trong danh sách chung khảo, bà Kim Thúy chia sẻ với Hãng tin The Canadian Press: “Họ là những biểu tượng văn hóa, những nhà văn kỳ cựu, trong khi tôi chỉ mới bắt đầu hành trình của mình”.

Nữ văn sĩ Kim Thúy là ai

Nữ văn sĩ Kim Thúy tên thật Nguyễn An Tịnh, sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Năm 11 tuổi cô cùng cha mẹ và hai anh em trai đến định cư tại thị trấn Granby, bang Quebec vào năm 1979, và sau đó chuyển hẳn đến chỗ ở hiện tại là thành phố Montreal, bang Quebec, Canada. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành văn chương và dịch thuật tại Đại học tổng hợp Montreal năm 1990 và lấy bằng luật vào năm 1993, Kim Thúy làm việc như một chuyên gia tư vấn chính phủ tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bà đã từng làm phiên dịch viên và luật sư, đồng thời cũng có khoảng 4 năm làm việc tại Hà Nội. Nữ văn sĩ thường nhớ về quãng thời gian này và bà tâm sự rằng, nhờ đó mà bà hiểu hơn về quê hương cội nguồn của mình đồng thời vốn từ tiếng Việt được cải thiện đáng kể.

Trở lại Montreal, Kim Thúy mở một nhà hàng món Việt, lấy tên là “Ru de Nam”. Sau 5 năm làm việc như một người chủ nhà hàng, cô quyết định dành 1 năm để bắt đầu sự nghiệp viết. Và tiểu thuyết đầu tay – “Ru” – ra đời sau đó (2009) gây tiếng vang lớn. Tác phẩm đã được đề cử và đoạt vô số giải thưởng văn chương đáng chú ý như: Giải thưởng “Governor General’s Award” cho các tiểu thuyết tiếng Pháp năm 2010, lọt vào danh sách rút gọn đề cử giải thưởng “Scotiabank Giller Prize “2012, “Amazon.ca Forst Novel Award” 2013. Tác phẩm cũng giành giải bình chọn 2015 của Canada Reads. Hiện tại, “Ru” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác gồm Anh, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Ý… và có mặt ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tới nay nữ văn sĩ Kim Thúy đã xuất bản 5 tác phẩm: “Ru” (2009) “À toi” (2010, viết cùng Pascal Janovjak), “Mãn” (2013) “Vi” (2016) và cuốn sách “Bí mật của người Việt Nam (2017- Le Secret des Vietnamiennes) chứa đựng những công thức nấu món ăn Việt mà bà học được từ mẹ và các dì của mình. Phát biểu trên Đài CBC, nữ nhà văn cho hay ẩm thực quê hương luôn là phần không thể thiếu trong các tác phẩm và cuộc sống của mình. Cuốn sách cũng như một cách ghi lại những ký ức tuổi thơ của bà ở Việt Nam, và cộng hưởng với niềm đam mê ẩm thực trong khoảng thời gian bà kinh doanh nhà hàng Việt ở Montreal trong 5 năm trời. Cuốn sách là cách bà chia sẻ thêm các công thức nấu ăn các món ăn Việt Nam với ẩm thực thế giới, và vì thế đối tượng độc giả bà hướng đến là người nước ngoài. Bà mong muốn giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu ở quê hương Việt Nam của bà, xứ sở bà được sinh ra và lớn lên ra thế giới bằng tất cả niềm yêu thương và trân trọng nhất.

“Ru”-Tình yêu, nỗi nhớ thương day dứt của người con xa xứ

“Ru” tiểu thuyết đầu tay của nữ sĩ Kim Thúy chỉ 140 trang, xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 2009, là câu chuyện về hành trình di cư của đứa trẻ Việt Nam trên con thuyền vượt biển... và lập tức nằm trong danh sách bán chạy ở Canada lẫn Pháp. “Ru” mang đậm sự day dứt về thân phận của người Việt xa xứ cũng như thể hiện lòng yêu mến giá trị văn hóa Việt Nam, luôn trân trọng và nhớ về quê hương xứ sở của mình.

Theo Nguyễn Vinh, một người làm trong lĩnh vực nghiên cứu Văn chương và Văn hóa tại Đại học McMaster University, ông đánh giá về “Ru” như sau: "Một từ đơn âm tiết, để chỉ điệu hát ru con trong tiếng Việt và chỉ một dòng chảy, dòng suối nhỏ trong tiếng Pháp, được lựa chọn kỹ càng để làm tựa đề cho quyển sách của cô, và từ “Ru” đã thành công trong việc định hình và bao quát tất cả những mảnh ghép khác nhau tạo nên câu chuyện kể trong “Ru”. Những chủ đề chính của tác phẩm “Ru”: chiến tranh và di cư, nghĩa vụ làm mẹ và gia đình, đấu tranh và hồi sinh; tất cả vang lên chỉ trong một từ “Ru”. Đó là điều mà Kim Thúy đã làm được chỉ với một từ. Quả vậy chỉ với lượng ngôn từ ngắn ngủi thôi, đã tạo nên vẻ đẹp cho từ “ru” cũng như quyển tiểu thuyết mang tên nó. Ru, cũng là hành động thiện lành nhất của con người, và cũng là câu hỏi day dứt vang lên trong trái tim độc giả rằng sao bây giờ đất nước vắng lời ru?”.

Với tinh thần hướng về Việt Nam, về quê hương xứ sở, về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình bằng một thái độ trân trọng nhất trong tất cả những tác phẩm văn chương của nữ văn sĩ Kim Thúy, thì dù hiện nay bà đã là người có quốc tịch Canada, trở thành một công dân Canada gốc Việt thì văn chương Việt và mọi người dân Việt Nam đều có quyền kiêu hãnh và tự hào Việt Nam đã sinh ra cho thế giới một công dân ưu tú, một nhà văn tài năng. Dù “Ru” của nữ sĩ Kim Thúy có vươn lên trong cú vượt vũ môn ngoạn mục để giành giải thưởng Văn chương Mới, tương đương với giải thưởng văn học Nobell 2018 hay không, thì những tín hiệu phát đi từ “Ru” và từ nữ văn sĩ gốc Việt Kim Thúy cũng đã mang lại cho đời sống văn chương Việt Nam một niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Dương Thục Anh (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/con-sotmang-ten-ru-tintuc420654