Còn thi '2 trong 1', sai phạm như Hà Giang, Sơn La... vẫn xảy ra?

Kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT cho biết sẽ giữ ổn định đến 2021. Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện đại trà, lúc đó, đổi mới thi cử sẽ được tính toán.

Hiện có nhiều đề xuất mới được đưa ra để áp dụng vào cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, với những tiêu cực thi cử xẩy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, các chuyên gia và ý kiến từ cơ sở đề nghị dù đổi mới như thế nào cũng phải trả lời được câu hỏi về việc có tăng được chất lượng và giảm tiêu cực và chi phí cho kỳ thi này hay không.

7 lần cải cách, thi THPT vẫn chưa giảm được áp lực và chi phí

Theo nhóm nghiên cứu của đề tài Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, trong giai đoạn từ năm 1975 đến 2018, giáo dục Việt Nam đã trải qua 7 lần cải tiến lớn về đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT.

Năm 1975, thi tốt nghiệp THPT gồm 6 môn.

Trước năm 2000, thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn thi: 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí được công bố vào cuối tháng 3 hằng năm;

Giai đoạn 2000 -2005, thi 6 môn tốt nghiệp THPT (dạng thức thi tự luận)

Năm 2006: thi 6 môn thi tốt nghiệp THPT, riêng ngoại ngữ thi trắc nghiệm; Từ năm 2007 -2013 thi tốt nghiệp THPT giữ nguyên 6 môn, dạng thức thi trắc nghiệm khách quan được sử dụng cho các môn vật lí, hóa học, sinh học, ngoại ngữ; còn lại là tự luận.

Năm 2014: thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã giảm xuống còn 4 môn (2 môn bắt buộc ngữ văn và toán) và 2 môn tự chọn (hóa học, vật lí, địa lí, lịch sử, sinh học, ngoại ngữ) với hại dạng thức thi: trắc nghiệm khách quan với ngoại ngữ, vật lí, hóa học, sinh học và thi tự luận với toán, ngữ văn, lịch sử và địa lí.

Năm 2015, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và 3 chung đối với tuyển sinh ĐH,CĐ không còn. Năm 2015 là năm đầu tiên bắt đầu thi THPT quốc gia. Lần đầu tiên Bộ quyết định sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh; Thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và môn tự chọn trong các môn (lịch sử, địa lí, vật lí, hóa học, sinh học).

Năm 2017 -2018 đến nay, thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi tổ hợp tự chọn (tổ hợp về lĩnh vực khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp về lĩnh vực khoa học xã hội). Các đề thi đều sử dụng dạng trắc nghiệm khách quan, riêng ngữ văn là tự luận.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, sau 7 lần cải tiến, các kỳ thi tốt nghiệp THPT này vẫn chưa thay đổi được những căng thẳng và lo âu cho nhiều tầng lớp trong xã hội và các cơ quan công quyền liên quan với những áp lức lớn, chi phí công cao và những chi phí lớn của các gia đình có con em dự thi.

Kỳ thi THPT năm 2017,2018 vẫn là một kỳ thi đòi hỏi sự huy động cùng lúc nhiều nguồn lực phục vụ cho một kỳ thi chung toàn quốc và chưa đảm bảo loại bỏ được một vài yếu tố tiêu cực can thiệp vào kết quả thi.

Tư duy nâng điểm để con học trường tốt là phổ biến

Trong khi đó, theo PGS. Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT cũng muốn chuyển tuyển sinh về cho các trường ĐH. Nếu các trường tự tuyển sinh thì mức độ quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia và tiêu cực cũng giảm. Nếu có tiêu cực thì tác động đối với xã hội nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

“Nếu giữ mãi kỳ thi THPT quốc gia hiện nay thì tiêu cực vẫn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào” – ông Điền cho hay.

PGS. Nguyễn Phong Điển khẳng định bản chất của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, các trường sử dụng kết quả để xét tuyển.

Có thể nói sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển sinh ĐH cho đến thời điểm này vẫn giữ nguyên giá trị dù có nhiều người nói có phương án tuyển sinh mới như xét học bạ, đánh giá năng lực. Tuy nhiên, xét về tổng thể, kết quả của kỳ thi vẫn tương đối tin cậy. Thứ hai, là rẻ và nhàn. Nên các trường ĐH vẫn “bám” vào để tuyển sinh. Đây là phương án “lười”.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, vấn đề khó giải quyết nhất của các trường ĐH chính là làm thế nào không quay lại tình trạng học thêm dạy thêm như trước 3 chung khi tổ chức tuyển sinh riêng. Một số trường ĐH hiện nay đã tổ chức thi đánh giá năng lực. Nhưng thí sinh nhập học thấp vì họ coi đây chỉ là phương án dự phòng do rất ít trường công nhận kết quả này.

Thứ hai là chưa chắc đề thi đánh giá năng lực đã chọn được thí sinh có năng lực tốt vì nó vẫn là phương án chưa có kiểm nghiệm. Trong khi kỳ thi THPT quốc gia đã có bề dày được kiểm nghiệm. Nguồn lực của xã hội đều tập trung vào nên có chất lượng hơn.

PGS. Điền cho rằng khi nào chúng ta có tổ chức khảo thí như SAT của Mỹ, hoạt động độc lập không gắn với quản lý nhà nước thì khi đó mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều. Đề thi cũng được thể hiện theo đúng khoa học đo lường .

“Tư duy nâng điểm của phụ huynh để cho con em mình vào trường tốt hiện nay là rất phổ biến. Bao giờ lòng tự trọng cao hơn, bản thân các con cũng phải biết từ chối tác động của bố mẹ để được nâng điểm thì lúc đó câu chuyện thi cử của chúng ta sẽ khác” – ông Điền nói.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/con-thi-2-trong-1-sai-pham-nhu-ha-giang-son-la-van-xay-ra-1412088.tpo