Con trai của mẹ

Mới hồi nào cứ nghĩ 'không biết đến khi nào con mình mới 18 tuổi' (câu này nhiều người mẹ khác cũng hay nói, là mang tính ẩn dụ thôi, vì dù có dốt toán mấy đi nữa thì ai chả biết cứ cộng hoặc trừ với thời điểm nói câu đó là ra thời gian cụ thể thôi chớ cần chi hỏi).

Shutterstock

Nhưng mà như thế có nghĩa là cứ từng ngày, từng ngày một… mong con lớn khôn. Từ mọc cái răng đầu tiên, bước đi đầu tiên, nói tiếng đầu tiên… cho đến khi thành một ông gì bà gì đấy là một chặng đường không hề ngắn chút nào. (Nhắc lại: cái này không tính theo kiểu đếm ngày mà là cảm giác).

Trở lại: Năm anh 5 tuổi, em gái 2 tuổi. Mẹ quyết định cho hai anh em đi học để anh làm quen với sinh hoạt trường lớp, chuẩn bị sang năm vào lớp 1. Trước khi nhập học (cũng rất khó khăn) mẹ nói với hai anh em rằng: “Đi học sẽ rất thú vị vì có nhiều bạn, nhiều đồ chơi, được chơi nhiều trò”… Ngôi trường đầu tiên mà hai đứa ghi danh là Mầm non Hoa Hồng (xịn nhất ở đó). Ngày khai giảng, ba mẹ hồi hộp tưng bừng đưa đi. Ai cũng hào hứng. (Cũng âm nhạc cờ hoa rực rỡ tưng bừng mà). Sang ngày thứ 2, em bắt đầu chán, ngày thứ 3 thì khóc, ngày thứ 4 trở đi thì kiên quyết không chịu lên xe, nếu có lừa là đi chơi lên được xe rồi thì thấy đi vào đoạn đường đến trường là thể nào cũng oằn lên đòi nhảy xuống. Khiếp! Ba mẹ con trên một chiếc xe đạp, vùng vằng thế mà ngã xuống thì chỉ có… Một hôm ba đưa đi học, về cứ một mực: “Chắc chắn là bên trường có chi rồi chớ sao đến mức con khiếp đến vậy”. Thậm chí nhiều hôm ba còn bỏ làm, mới 3 giờ chiều đã đến đón để… bí mật xem tình hình.

Đi học được nửa tháng, em thì dù khổ sở nhưng khóc mãi cũng nín. Anh thì rất gương mẫu, sáng tự mặc đồ, chải tóc, còn dỗ cả em nữa nhưng một hôm, khuya rồi mà cứ thấy trằn trọc mãi. Mẹ xoa lưng cho một lúc thì anh nói, giọng buồn buồn: “Khi chưa đi học, con nghe mẹ kể, con thấy thích, vậy mà đi học con thấy cũng bình thường”. Mẹ hoảng. (Thì mẹ cũng chỉ nói có nhiều bạn, nhiều đồ chơi, nhiều trò chơi mà). Hình như để thích người ta không chỉ cần có như vậy. Nhưng may là sau đó mọi chuyện cũng ổn, anh nhanh chóng trở thành “siêu sao” của Trường Hoa Hồng, làm cho em gái sau này phải cạnh tranh mắc mệt.

Trở lại: vì sao hồi đó cứ lấy cái mốc 18 tuổi để mơ mộng chớ không phải “bao giờ con mình làm quan, con mình lấy vợ, con mình thành ông này bà kia…”. Đơn giản, 18 tuổi là đủ tuổi làm công dân, tức là chính thức trưởng thành, tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. (Công nhận mẹ lúc nào cũng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hic!).

Trở lại. Vì anh sinh ngày 12 tháng 5 nên chỉ sau sinh nhật lần thứ 18 đúng 1 tuần, lần đầu tiên anh chính thức thực hiện quyền công dân thiêng liêng của mình bằng một việc rất mang tính biểu tượng: Đi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

Hôm đó là sinh nhật Bác (19 tháng 5). Ba đi công tác đến chiều mới về kịp, em gái nhìn anh đầy ngưỡng mộ. Mẹ nhắc anh ăn mặc chỉnh tề và cùng đi đến điểm bỏ phiếu. Khắp phố, cờ hoa rực rỡ, loa nhạc rộn ràng. Anh bước vô phòng nhận phiếu, kiểm tra thẻ cử tri, rồi xem danh sách ứng cử viên, rồi chọn lựa, rồi bỏ phiếu vào thùng…

Trên đường về, anh nói với mẹ: “Con thấy cảm giác cũng… bình thường”.

Mẹ nhìn khắp phố, đâu đâu cũng lộng lẫy cờ hoa, rộn ràng tiếng hát, các biển hiệu rực rỡ… cảm giác: sao nhân gian này.... cũng giống như một trường mẫu giáo!

Vậy mà mai anh đã tròn 20 tuổi rồi.

***

2 giờ 30 sáng của 20 năm trước, lúc đó tất cả mọi người thở phào sau gần 14 giờ đồng hồ căng thẳng tột độ.

Con trai là người giúp mẹ trưởng thành hơn, cũng là người giúp mẹ trẻ hơn bởi luôn có cảm giác được che chở.

Khi con trai 2 tuổi, mẹ lén gửi cho hàng xóm để chạy về làm việc nhà. Nào ngờ con trai chạy về nhà không thấy, chạy khắp nơi tìm mẹ, vừa chạy vừa gọi trong ánh hoàng hôn. Lần đầu tiên trong cuộc đời mẹ thấy mình tan thành đất thành cỏ, lần đầu tiên trong cuộc đời mẹ cảm giác hết thế nào là tình mẫu tử.

Con trai 8 tuổi, ngày 8.3, trời mưa và rất lạnh, ba ở xa, buổi chiều mẹ được nghỉ, giấu nỗi buồn bằng cách trùm chăn nằm ngủ quên. Giật mình khi bàn tay con trai lạnh ngắt đặt cạnh gối, mở mắt thấy mái tóc con trai ướt sũng, trên tay là một bông hồng màu trắng. "Mẹ cắm giúp con nhé!".Với mẹ con trai là người đàn ông vĩ đại nhất!

8 tuổi, con trai đã biết đi chợ, đón em khi mẹ ốm. Con trai bao giờ cũng là một người anh tuyệt vời không chỉ với em gái mình mà còn với tất cả lũ trẻ con trong xóm.

Con trai cũng từng nhiều lần bị mẹ phạt kể cả đánh bằng roi nhưng không bao giờ khóc. Có điều, sau mỗi lần như vậy bao giờ con trai cũng chuộc lỗi bằng một việc làm rất thiết thực và không mắc lại lỗi cũ.

Con trai mê điện tử, thích bóng đá và bao giờ cũng rất cẩn thận khi giúp mẹ dọn bàn thờ.

Bây giờ con trai đã là một thanh niên, chắc chắn mẹ không thể bế nổi, cũng không hay dựa vào vai mẹ như hồi còn bé nữa. Mẹ đọc một đoạn lời phát biểu của một sinh viên khi tạm biệt các phụ huynh để gia nhập khu nội trú trong buổi khai giảng ở một trường đại học của Mỹ:

“Chúng con biết các vị sẽ thật khó khăn để xác định đây là sự thật, vì các vị cũng phải nhớ chúng con rất nhiều và chúng con cũng sẽ cố gắng nhớ các vị mỗi ngày 15 phút trong tháng đầu tiên. Nhưng các vị đừng quá lo lắng để làm sao cho những chiếc hộc tủ được sạch sẽ bởi nếu nó sạch sẽ thì tức là chẳng còn chiếc áo nào được ở trong ấy cả rồi".

Trần Thị Cúc Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/con-trai-cua-me-960532.html