Con trai một phi công Mỹ và đất nước Việt Nam

Ngày 16-6-1968, máy bay của phi công Gene Wilber bị bắn rơi trên bầu trời Nghệ An; viên phi công nhảy dù, bị bắt rồi được di lý tới nhà giam tại Hà Nội. Trong thời gian bị giam giữ, Gene Wilber sớm nhận ra bản chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Paris 1973, ông được trao trả và đoàn tụ với gia đình. Gene Wilber mất vào tháng 7-2015 tại nhà riêng. 50 năm sau ngày Gene Wilber bị bắn rơi, Thomas Wilber-con trai của Gene Wilber-đã gửi tới Báo Quân đội nhân dân bài viết về cha mình, về mối quan hệ giữa gia đình viên phi công Mỹ với đất nước và con người Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân xin trích đăng bài viết.

Khoảng 4 giờ chiều chủ nhật, 16-6-1968, Đại úy không quân Đinh Tôn và phi công số 2, Đại úy Nguyễn Tiến Sâm điều khiển hai chiếc MiG-21 F-13 lăn bánh ra phía Tây Bắc sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), chờ lệnh cất cánh trên đường băng số 13. Sau khi hoàn thành những động tác kiểm định hoạt động của các khí tài và cơ chế chuyển hướng của máy bay, họ chiếm lĩnh độ cao 300m, hơi lệch phải, rồi bay về hướng Nam với tốc độ 800km/giờ. Tầm nhìn tốt, họ có thể nhìn xuống thấy những cánh đồng và cây cối xanh tươi, phủ lên bởi một màn sương mỏng trong ngày hè nóng ẩm.

Thomas Wilber và bà Trần Thị Diên Hồng trong một cuộc gặp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôn và Sâm là hai phi công thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 đóng tại Thọ Xuân. Hôm đó là ngày đầu tiên Sâm thực hiện bay chiến đấu. Anh có nhiệm vụ bay bọc lót cho biên đội trưởng Tôn. Đối với Tôn, mỗi chuyến bay đều quan trọng, vì mọi người đặt nhiều kỳ vọng vào anh.

Đinh Tôn mới quay về Việt Nam 4 tháng trước đó, sau 3 năm theo học khóa huấn luyện bay nâng cao tại Liên Xô. Anh nhiều tuổi hơn và có kinh nghiệm hơn so với các bạn cùng lớp. Tôn đã hạ được 3 máy bay đối phương vào tháng 4, 5 và 6-1968. Ngày 16-6-1968, Tôn tập trung toàn tâm toàn ý vào nhiệm vụ đang thực hiện.

Khi Tôn và Sâm bay về phía Nam, qua Nghĩa Đàn ở độ cao 1.500m, ra-đa của đài chỉ huy mặt đất phát hiện các tiêm kích của hải quân Mỹ đang bay từ phía biển theo hướng Tây vào không phận Nghệ An. Họ báo ngay cho Tôn và Sâm. Hai phi công này đã có được một thời cơ công kích tuyệt vời. Nhìn về phía trước, Tôn nhận thấy một tiêm kích của Mỹ đang quay đầu trở về phía Nam, rồi lại chuyển theo hướng Đông theo hướng quay ra biển. Anh nhanh chóng tiếp cận từ phía sau, cách mục tiêu khoảng 1.500m, rồi bắn một quả tên lửa không đối không, loại đối thủ khỏi vòng chiến. Chiếc máy bay rơi xuống trong quầng lửa đỏ. Như vậy, Tôn đã bắn hạ chiếc máy bay Mỹ thứ tư, chỉ 4 tháng sau khi kết thúc khóa huấn luyện phi công MiG-21 tại Liên Xô.

Gene Wilber, phi công trên chiếc máy bay mà Đại úy Đinh Tôn bắn rơi, là cha tôi.

Tôi bắt đầu các chuyến đi sang Việt Nam từ năm 2014 để tìm kiếm và kiểm định thông tin về cha mình trong thời gian tham gia chiến tranh ở Việt Nam, bao gồm cả hoàn cảnh lịch sử của các sự kiện diễn ra ngày 16-6-1968 được đề cập trong bài viết này.

Trong quá trình đó, tôi đã gặp Đại tá phi công Nguyễn Văn Sửu, người công tác cùng phi đội với Đại tá Tôn năm 1980. Khi tìm kiếm thông tin về phi công Đinh Tôn, ông Sửu cho tôi hay là ông Tôn bị chẩn đoán bị ung thư và qua đời khi còn trẻ.

Ông Sửu tiếp tục giúp tôi. Ông sắp xếp để tôi được gặp Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, người đã tóm tắt cho tôi các sự kiện không chiến kể từ ngày 16-6-1968. Ông Thái tổ chức cuộc gặp này tại Bảo tàng Phòng không-Không quân ở Hà Nội ngày 28-3-2016. Tôi cảm thấy vinh dự vì ông Thái mời được tới cuộc gặp này một vị khách đặc biệt: Bà Trần Thị Diên Hồng, vợ của Đại tá Đinh Tôn. Vì tôi đã không thể gặp được ông Đinh Tôn nữa, tôi rất biết ơn những nỗ lực đưa bà Hồng ra gặp tôi ở Hà Nội.

Câu chuyện gia đình mà bà Hồng chia sẻ đã cuốn hút sự chú ý của tôi. Bà và ông Đinh Tôn là người cùng làng. Khi được về phép thăm quê, ông đã hỏi cô gái trẻ cùng thôn Trần Thị Diên Hồng làm vợ. Họ đã đính hôn nhưng do phải thực hiện nhiệm vụ, hai vợ chồng thường xuyên sống xa nhau, trong đó có thời kỳ ông học lái MiG-21 ở Liên Xô. Lúc đó, bà làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe thương binh, còn ông làm nhiệm vụ bay bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc sống của hai ông bà trong những năm chiến tranh quả thật không dễ dàng. Dù đã là vợ chồng nhưng họ ít khi được gặp nhau vì đều đảm nhiệm và thực hiện nhiệm vụ khác nhau. Họ có được một cậu con trai và rồi sau khi đất nước thống nhất, thêm một người con gái.

Tôi đã biết nhiều chi tiết sống động do vinh dự được bà Hồng mời về thăm nhà của gia đình tại TP Hồ Chí Minh. Tôi cũng được biết thêm nhiều nhờ các cuộc gặp với các phi công Nguyễn Văn Cốc và Hà Quang Hưng. Qua lời kể của các ông Phạm Phú Thái, Nguyễn Văn Sửu, cùng những cuốn sách của tác giả Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên, Phạm Phú Thái và Đặng Vương Hưng, tôi tiếp tục nắm được thêm nhiều thông tin cần thiết.

Bà Hồng trong hồi ức của mình đã mô tả những chi tiết quan trọng nhất và vô cùng sống động. Bà tỏ ra luôn kiên định, ân cần, thấm đậm tinh thần hòa giải. Tôi sẽ luôn biết ơn bà Hồng đã chia sẻ các hồi ức về ông Đinh Tôn.

Tác giả Thomas Wilber nghiên cứu tư liệu về tù binh Mỹ tại Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian 1964-1973. Ông đã đi khoảng 20 chuyến sang Việt Nam, tới nhiều địa phương, thực hiện các cuộc phỏng vấn. Ông hiện là một giảng viên thỉnh giảng, dạy môn Đường lối đối ngoại của Mỹ, tại Đại học Hà Nội. Ông đã hỗ trợ Khu di tích lịch sử Hỏa Lò trong các cuộc triển lãm của bảo tàng này, cũng như tạo điều kiện cho công tác thu thập các hiện vật lịch sử và hồi ức của các phi công Mỹ thuộc nhà tù Hỏa Lò để phục vụ các cuộc trưng bày trong tương lai.

LÊ ĐỖ HUY (lược dịch từ bài viết của tác giả Thomas Wilber)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/con-trai-mot-phi-cong-my-va-dat-nuoc-viet-nam-541562