Con xem nội dung không phù hợp trên mạng xã hội: Đã tới lúc cha mẹ 'thiết quân luật'

Mặc dù các trên mạng xã hội đều giới hạn độ tuổi, cảnh báo nội dung không phù hợp nhưng đều vô tác dụng với trẻ nhỏ - lứa tuổi tò mò, thích khám phá. Nhiều trẻ nhỏ đã sớm tiếp cận những nội dung có phần phản cảm, tục tĩu, vượt quá độ tuổi cho phép.

Mạng xã hội – Con dao hãi lưỡi đáng sợ!

Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đem lại. Nhờ có các kênh mạng xã hội như: Facebook, youtube... mà chúng ta cập nhập thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời. Đó còn là nguồn giải trí hấp dẫn, thú vị.

Ngoài những điều bổ ích mà mạng xã hội đem lại thì còn tiềm tàng nhiều nội dung không lành mạnh, tục tĩu, phản cảm. Ở độ tuổi đang phát triển nên trẻ nhỏ thường tò mò, thích khám phá, không chọn lọc được thông tin tiếp nhận. Bên cạnh đó, nhiều trang mạng còn có phần quảng cáo hay dẫn link đề cập đến nội dung phản cảm.

Nhiều bậc cha mẹ cho con cái sử dụng điện thoại, ipad từ rất sớm với lý do liên lạc, học tập. Tuy nhiên, họ không lường trước được tác hại to lớn đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến sức khỏe thì còn ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ, gây hệ lụy nguy hiểm khôn lường.

Việc sử dụng mạng xã hội từ sớm qua thiết bị điện thoai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Ảnh: nguồn Internet

Việc sử dụng mạng xã hội từ sớm qua thiết bị điện thoai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Ảnh: nguồn Internet

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các vlog nhảm nhí, mua vui. Nội dung vlog không đem lại thông tin hữu ích mà cổ xúy cho hành động “ngớ ngẩn”: Troll bạn bằng việc cho ăn cháo gà cả con nguyên lông, troll mẹ rắn trăn khổng lồ ăn hết đàn gà... Hay như một số streamer gây nhức nhối khi “hồn nhiên” livestream văng tục, chửi thề kém văn minh.

Anh Tiến Đạt (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. HN) bức xúc cho biết: “Có lần đón con tại cổng trường, tôi vô cùng sửng sốt khi thấy con và các bạn văng tục, chửi thề. Ở nhà, chưa bao giờ tôi thấy các biểu hiện của cháu như vậy. Sau một thời gian theo dõi, tôi nhận ra cách nói chuyện “chợ búa” đó là do học các streamer trên mạng. Tôi đã nhẹ nhàng khuyên răn và không cho con xem những vlog đó”.

Chị Diệu Thúy (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. HN) cho biết: “Cho con sử dụng điện thoại để học tập và liên lạc, nhiều khi tôi không yên tâm. Tôi sợ con sẽ xem những nội dung không phù hợp, ảnh hưởng đến việc học tập và tâm lý của cháu. Mạng xã hội như một mớ thông tin hỗn độn vậy”.

Góc nhìn từ phía chuyên gia

Thay vì cấm đoán con cái sử dụng mạng xã hội, các bậc cha mẹ cần có thái độ và phương pháp giáo dục phù hợp. Tránh việc đe dọa, quát mắng con vì điều đó gây phản tác dụng, khiến trẻ nhỏ càng tò mò và trở nên xa lánh, ngại chia sẻ với cha mẹ.

Trước vấn đề trên, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, bà Lê Thị Túy – Chuyên gia tâm lý cho biết: “Tâm lý trẻ nhỏ đang ở độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Đây là giai đoạn quan trọng nên cha mẹ cần quan tâm sát sao tới con nhiều hơn. Việc cấm đoán là vô tác dụng với trẻ nhỏ bởi càng kích thích sự tò mò”.

Nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội ảnh hưởng xấu tới tâm lý, quá trình hình thành nhân cách của trẻ nhỏ. Ảnh: nguồn Internet

“Hãy trở thành những người bạn của con, cùng lắng nghe, chia sẻ với con nhiều hơn. Cha mẹ cần kiểm soát con cái xem điện thoại như: Kiểm tra nội dung xem, không để con dùng điện thoại trong phòng riêng, khống chế khung giờ sử dụng điện thoại, nhẹ nhàng phân tích nhắc nhở khi thấy nội dung con xem không phù hợp... Bên cạnh việc giáo dục, giám sát của gia đình thì vai trò, trách nhiệm của nhà trường, xã hội cũng quan trọng không kém”.

Ông Phạm Ngọc Trung – Chuyên gia văn hóa (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) thẳng thắn chia sẻ: “Việc đăng tải các nội dung tục tĩu, phản cảm lên mạng xã hội là đi ngược với “thuần phong mỹ tục” của người Việt Nam. Vì vậy, cha mẹ cần có biện pháp giáo dục con phù hợp, quản lý việc sử dụng các thiết bị công nghệ”.

“Các cơ quan quản lý truyền thông cần xử lý nghiêm các hành vi đăng tải nội dung không phù hợp. Bên cạnh đó, cần có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát nội dung kịp thời, tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhà trường cũng cần có biện pháp quản lý học sinh nghiêm ngặt, tránh để các em sử dụng trong giờ học”, ông Trung chia sẻ thêm.

Vấn đề trẻ em tiếp cận nội dung không phù hợp trên mạng xã hội là câu chuyện muôn thuở, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Đây là trách nhiệm chung của cha mẹ, nhà trường và xã hội, cần sớm vào cuộc, tránh để ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ.

Ứng Hà Chi

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/cong-dong-mang/con-xem-noi-dung-khong-phu-hop-tren-mang-xa-hoi-da-toi-luc-cha-me-thiet-quan-luat-a342662.html