Còn ý kiến trước việc cấm quảng cáo, khuyến mại rượu bia

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong đó có phương án cấm khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng, nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu bia trên tivi, biển hiệu ngoài trời, mạng xã hội. Tuy nhiên, những đề xuất trên còn những ý kiến trái chiều giữa nhà quản lý và phía doanh nghiệp.

Bia rượu đều là cồn gây tác hại sức khỏe

Liên quan đến Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì đã có nhiều hội thảo góp ý diễn ra, trong đó Bộ Y tế nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng luật này khi mà tác hại của rượu, bia luôn hiện hữu trong đời sống thường ngày.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, nhu cầu sử dụng rượu, bia có xu hướng tăng nhanh, nhất là bia. Mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn một năm trong khi trên thế giới, mức tiêu thụ chỉ tăng từ 6,1 lít lên 6,2 lít và ổn định trong 15 năm qua.

Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu, bia cũng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Người trẻ tuổi uống rượu, bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm.

Rượu, bia là đồ uống có khả năng gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên. Dù chỉ uống dưới một lon bia 330 ml mỗi ngày vẫn có thể liên quan đến 7 loại ung thư phổ biến hiện nay là vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng...và có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác.

Trong khi chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú) lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012.

Khoảng 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần dành điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ước tính gần một tỷ USD năm 2010.

Hạn chế bia rượu bằng “lệnh” cấm

Trước những tác hại của rượu, bia, Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã đưa ra nhiều phương án, đề xuất như cấm khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng. Dùng rượu, bia làm giải thưởng cho các cuộc thi, cung cấp rượu, bia miễn phí.

Hoặc cấm các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên.

Với rượu, bia dưới 15 độ bị cấm quảng cáo trên trên phương tiện giao thông, công trình giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác có đối tượng trẻ em, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Các chương trình quảng cáo với sản phẩm bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.

Với các hoạt động tài trợ liên quan đến hoạt động kinh doanh rượu, bia cũng có các “lệnh” cấm, cụ thể nêu ra 2 phương án: Cấm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu bia tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí. Các doanh nghiệp này không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia. Hoặc chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu.

Còn nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều

Tại buổi tọa đàm góp ý cho Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, đại diện của các nhà sản xuất, kinh doanh rượu bia trên thị trường Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn cho Dự thảo Luật.

Các ý kiến đều cho rằng, Luật Quảng cáo sửa đổi năm 2012 đã xây dựng quy tắc ứng xử cho ngành nghề quảng cáo để các doanh nghiệp tự điều chỉnh hành vi phù hợp. Do vậy, quy định không được quảng cáo ngoài trời, các chương trình thể thao, trên mạng xã hội sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Nếu tài trợ mà không được gắn tên hoặc sản phẩm thì doanh nghiệp không được quyền lợi gì, như vậy, doanh nghiệp sẽ không tài trợ cho các sự kiện.

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu doanh nghiệp tài trợ sự kiện, chương trình thể thao, văn hóa, giải trí mà không được quảng bá, gắn tên khiến cho doanh nghiệp không có danh nghĩa gì khi tài trợ”.

Đại diện Công ty Carlsberg Việt Nam, bà Đào Thị Thu Hiền cho biết, việc các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia hiện nay tài trợ trong nhiều trường hợp đều mang lại cho cơ quan, tổ chức Nhà nước nguồn thu đáng kể. Thậm chí, nếu như làm theo Dự thảo Luật này thì ngay cả việc các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia muốn tài trợ xây trường học cũng không được phép nữa. Do vậy, nên xem xét lại điều luật này để làm cho phù hợp.

Việc cấm khuyến mại trực tiếp cũng được các doanh nghiệp cho là không hợp lý, bởi vì khi ra sản phẩm mới, doanh nghiệp muốn giới thiệu và mời khách dùng thử mà cũng bị cấm thì bất bình đẳng với các sản phẩm khác. Thông thường sản phẩm dùng thử chỉ với số lượng ít, chứ không phải khuyến khích người tiêu dùng uống nhiều.

Nhiều ý kiến cũng chung nhận định, các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cũng cần có sân chơi bình đẳng, đối xử công bằng như với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm khác. Do vậy, không nên cấm quảng cáo nhằm mục kiểm soát tiêu thụ rượu bia mà nên hướng đến quản lý nội dung quảng cáo nhiều hơn. Tức hạn chế, cấm những nội dung hướng đến những đối tượng vị thanh niên, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo tới trẻ em, phụ nữ có thai, không khuyến khích hành vi uống nhiều…

Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết trong những năm gần đây, mức tăng trưởng của ngành bia, rượu có xu hướng giảm dần. Cần đánh giá khách quan cả hai mặt của bia, rượu thì mới xây dựng luật khách quan, phù hợp.

Trong đó, phải tăng cường kiểm soát, quản lý rượu không rõ nguồn gốc, rượu thủ công. Để kiểm soát, quản lý rượu thủ công cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành chức năng trong công tác kiểm soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm như không đảm bảo chất lượng, không có giấy phép. Dự thảo Luật mới chỉ đưa ra các quy định về hạn chế nguồn cung mà chưa có biện pháp quản lý và xử lý hành vi lạm dụng.

Bình An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/con-y-kien-truoc-viec-cam-quang-cao-khuyen-mai-ruou-bia_t114c1160n138386