Concert 11 năm của SpaceSpeakers - âm nhạc xuất sắc, hình ảnh phản cảm

Touliver có thể hài lòng với phần âm thanh của buổi concert. Nhưng với đạo diễn Việt Tú, 'Kosmik' còn nhiều điều cần bàn.

*Đánh giá: 7/10

*Đánh giá: 7/10

Kosmik live concert, chương trình đánh dấu 11 năm đồng hành của các thành viên SpaceSpeakers vừa diễn ra dịp cuối tuần tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM). Ước tính 5.000 khán giả đã có mặt để theo dõi.

Trước đó, concert bị đánh giá là không thành công trong khâu quảng bá khi không tạo được sự chú ý và hiệu ứng đáng kể như kỳ vọng về tầm vóc 11 năm của nhóm. Ngoài ra, khâu tổ chức cũng thiếu sót khi thông báo về việc dán nhãn 18+ khá mờ nhạt và không làm chặt kiểm soát độ tuổi vào cổng dù chương trình có nhiều hình ảnh táo bạo, nhạy cảm.

Mãn nhĩ âm thanh và sự tỏa sáng của SOOBIN

Mở đầu cho buổi concert là loạt âm thanh tàu không gian đang bay vào vũ trụ. Những chiếc xe chopper đi vào mở màn cho Swagger - bản rap phong cách newschool từng một thời gây tranh cãi trong giới underground, đặc biệt là tại miền Nam vốn chuộng oldschool với subgenre boombap.

Hình ảnh Kimmese với khăn turban quấn đầu thể hiện Hương Ngọc Lan có thể bao quát cho thời kỳ đầu của SpaceSpeakers - một tổ hợp nghệ sĩ phong cách đường phố nhưng chọn dòng R&B đương đại để chinh phục đại chúng Việt Nam.

Thực tế, nửa đầu concert phần nào chứng minh cho nhận định này. Ngoài Rhymastic với Hanoi Flow, phần lớn các ca khúc được lựa chọn đều mang âm hưởng nhẹ nhàng của Pop, R&B.

Thời kỳ đầu của SpaceSpeakers được khái quát trong những ca khúc R&B, Dance.

Điểm nhấn của thể loại EDM thuộc về Triple D khi anh mang đến set nhạc phối khí phức tạp. Không gian đặc quánh được producer này tạo nên từ các nhịp future bass dồn dập xen lẫn âm hưởng retro bởi các âm thanh synth thời thượng.

Trải nghiệm nghe của khán giả được đẩy lên cao nhất ở tiết mục của Soobin. Dàn dây, bộ kèn, ban nhạc nhẹ dưới chỉ đạo của Slim V xuất hiện thay cho nhạc phát sẵn trước đó. Soobin đã chứng tỏ khả năng live bao gồm cả giọng hát nổi bật và tài năng chơi nhạc cụ của anh. Tiếc nuối duy nhất có lẽ là đoạn climax chạy note khó nhất trong Tháng Năm đã không được anh chàng thể hiện lại một lần nữa như trong phòng thu.

Chương trình luân phiên với những màn trình diễn. Từ gương mặt của những ngày đầu đến những cái tên như Lil Wuyn, 16 Typh, góp phần gửi gắm sự tin tưởng cho thế hệ chuyển tiếp mới cho hip-hop Việt.

Nhìn chung, chất lượng âm nhạc của chương trình đảm bảo. Nhiều dụng công của Touliver có thể đánh giá là xuất sắc. Touliver - trong vai trò thủ lĩnh âm nhạc của nhóm - có thể hài lòng với phần âm thanh của buổi concert.

Touliver cũng hoàn toàn có thể kiêu hãnh với danh xưng "phù thủy beat", cùng với cách nâng đỡ và thấu hiểu những cộng sự của mình trên sân khấu.

Tuy nhiên, điểm ấn tượng và thuyết phục về âm thanh lại đặt cạnh nhiều điểm trừ khó hiểu khác.

Visual không thuyết phục

Về mặt hình ảnh, rất nhiều yếu tố 18+ được cài cắm xuyên suốt chương trình. Dù phong cách biểu diễn người lớn, phóng khoáng của các rapper vốn không xa lạ, cách xây dựng hình ảnh của đêm nhạc tỏ ra khó hiểu.

Những hành động nhạy cảm như đổ bia lên ngực nữ vũ công và một loạt hình ảnh 18+ khác bị khai thác táo bạo quá mức cần thiết, thậm chí đã chạm đến mức lạm dụng, lố lăng, thừa thãi.

Một số chi tiết mô tả cho chuyện tình dục, xác thịt, múa cột vốn chỉ phù hợp ở không gian bar, không cần thiết phải xuất hiện gượng gạo trong tầm vóc của một show kỷ niệm 11 năm, nhất là khi hình ảnh của SpaceSpeakers đang ngày càng đại chúng hơn.

Nhiều hình ảnh, động tác nhạy cảm bị lạm dụng thái quá trên sân khấu.

Ngoài ra, tuyên bố của đạo diễn Việt Tú về một sự kiện hybrid, ở đó, khán giả sẽ được trải nghiệm nhập vai đầu tiên tại Việt Nam đã không diễn ra đúng nghĩa.

Hình thức tổ chức sự kiện kết hợp giữa Virtual Event (sự kiện thực tế ảo) và In-person Event (sự kiện trực tiếp) từng được các tên tuổi lớn trên thế giới như Kanye West, The Weeknd áp dụng.

Tại Kosmik, sân khấu đôi khi được đẩy ra giữa không gian, đôi lúc nghệ sĩ lại trình diễn ở các góc nhà thi đấu, bên cạnh sân khấu bay được thả từ trên trần xuống.

Nhưng những đầu tư lớn nhất về dàn dựng dường như chỉ dành cho Don’t break my heart của Binz. Phần lớn các tiết mục còn lại phải trình diễn trên mặt phẳng bằng với tầm nhìn khán giả.

Điều này tạo ra ưu điểm trong việc kết nối giữa nghệ sĩ và một bộ phận người xem. Khi không có sân khấu vật lý, không gian biểu diễn tỏ ra gần gũi hơn. Ngoài ra, nó cũng tái hiện nét đặc trưng của văn hóa hip-hop: một khoảng không gian trống, nơi diễn ra các trận battle dance hoặc rap được bao quanh bởi đám đông cuồng nhiệt.

Tuy nhiên, nó cũng khiến cho phần lớn khán giả không thể theo dõi trực tiếp được màn trình diễn và buộc phải thưởng thức thông qua màn hình chiếu.

Sẽ là ấn tượng hơn nếu sân khấu bay (floating stage) có thể bay được. Đó là một sân khấu di chuyển khắp các khu vực, với đám đông hò hét ngay bên dưới, tương tự cách Kanye West làm được trong các show của mình.

Chưa "nhập vai" và chưa "chỉnh thể"

Ngoài ra, tuyên ngôn “khán giả được nhập vai” là quá to tát khi “trải nghiệm” nhập vai duy nhất của người xem chỉ là di chuyển qua lại theo điều phối của chương trình.

Bên cạnh đó, các khán giả xem trực tiếp sẽ khó có thể cảm nhận được hết ý đồ nghệ thuật của chương trình. Lấy ví dụ, màn trình diễn của Lil Wuyn sẽ buộc phải chờ đến khi được trình chiếu trực tuyến để người xem cảm nhận được không gian hiển thị 3D như thế nào. Phần hologram vì thế chưa thực sự khiến khán giả phải hò hét bằng màn “tỏ tình” của Binz dành cho Châu Bùi.

Trừ Andree Right Hand, các khách mời đều là thế hệ đàn em của SpaceSpeakers.

Chương trình cũng gặp một số sai sót khó tránh như màn hình led gặp sự cố; âm thanh bị dội từ trần nhà thi đấu; mic trục trặc trong phần diễn của Andree; dàn dây, đường tiếng của dàn nhạc do SlimV điều phối bị chìm; thiếu khoảng nghỉ giữa các màn diễn và video phỏng vấn nghệ sĩ… lê thê không cần thiết.

Nhìn chung, nếu là fan cứng của SpaceSpeakers, khán giả sẽ hài lòng khi một lần nữa được thưởng thức những giai điệu một thời như Real love, Lời nói dối chân thật, Yêu 5… Nhưng sẽ là thất vọng nếu muốn tìm điểm sáng tạo đặc biệt về dàn dựng trong tổng thể thời lượng gần 4 giờ đồng hồ của concert.

Ngoài ra, fan cũng khó tìm được mạch kịch bản âm nhạc trọn vẹn mà SpaceSpeakers mang đến. Cơ bản đêm nhạc vẫn là những mảnh ghép độc lập, thậm chí rời rạc, riêng lẻ. Touliver và nhóm đảm bảo được những màn thể hiện đủ chất lượng và ấn tượng về âm nhạc, song, thiếu xâu chuỗi vào nhau để tạo thành một chỉnh thể kịch bản có câu chuyện.

Mà điều này, đúng ra, phải là không thể thiếu trong một concert vốn được làm để tôn vinh tinh thần đồng đội, gắn kết hip-hop của 11 người.

Huỳnh Lộc - Quang Đức

Ảnh: SpaceSpeakers

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/concert-11-nam-cua-spacespeakers-am-nhac-xuat-sac-hinh-anh-phan-cam-post1374783.html