Công an chi viện chiến trường miền Nam và 'Những cánh chim tiếp lửa'

Được phát sóng trên ANTV đúng dịp lễ 30/4, chương trình truyền hình 'Những cánh chim tiếp lửa' do Ban Chuyên đề, Truyền hình CAND sản xuất. Đây cũng là chương trình đặc biệt về lực lượng Công an chi viện chiền trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chương trình "Những cánh chim tiếp lửa" do Trung tá Nguyễn Mai Thao chỉ đạo sản xuất; Trung tá Đoàn Phương Nhung tổ chức sản xuất; Đại úy Đặng Thúy Quỳnh đạo diễn và Chu Hoài Thương viết kịch bản.

Đạo diễn chương trình, Đại úy Đặng Thúy Quỳnh cho biết, “Những cánh chim tiếp lửa” được thiết kế như một hành trình mà địa điểm được bắt đầu từ Đài tưởng niệm Công an chi viện miền Nam tại Học viện An ninh nhân dân. Người xem ngược về quá khứ nhiều chục năm về trước. Do yêu cầu cấp thiết của đất nước, lực lượng công an đã tổ chức 20 đợt chi viện với hơn 11.000 cán bộ xung phong lên đường chi viện chiến trường miền Nam. Dù biết rằng vào chiến trường đồng nghĩa với chấp nhận có thể hy sinh, ra đi cũng không dám hẹn ngày trở về nhưng không một ai chùn bước.

Chương trình "Những cánh chim tiếp lửa"

Chương trình "Những cánh chim tiếp lửa"

Ký ức về một thời hoa lửa ấy được chia sẻ qua nhiều câu chuyện xúc động của các cựu cán bộ chiến sĩ công an ngày ấy. Đó là Thượng tá Lê Thẩm, một trong rất nhiều cán bộ công an với ký ức về thời điểm viết đơn xung phong, tình nguyện lên đường chi viện miền Nam và những năm tháng anh dũng, quả cảm, sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc của một thế hệ công an anh hùng.

Khán giả có dịp tìm hiểu về đội nữ công an chi viện chiến trường miền Nam với 30 nữ cán bộ rất trẻ. Được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, với tinh thần và ý chí quyết tâm mạnh mẽ, họ đã góp phần đảm bảo hình thành mạng lưới thông tin, cơ yếu khép kín phục vụ lãnh đạo, chỉ huy được kịp thời, chính xác, bí mật và thông suốt.

Ca khúc "Những cánh chim tiếp lửa" cũng là quà tặng đặc biệt của ê kíp dành tặng các cựu cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam tham gia chương trình

Người xem chương trình có dịp hình dung rõ hơn về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của các nữ Công an năm nào qua các thước phim tư liệu và cuộc giao lưu của Thượng tá Nguyễn Thị Minh, 1 trong 30 cán bộ nữ công an chi viện miền Nam.

Rất nhiều những chiến công, cống hiến, hy sinh của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam cũng được chuyển tải trong chương trình qua các phóng sự tư liệu và cuộc giao lưu đặc biệt với 7 cán bộ, chiến sĩ, những người anh hùng của một thời hoa lửa. Đó là Thiếu tướng Phan Văn Lai; cựu trinh sát thám không Nguyễn Đức Viện; nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Lạnh hay các cán bộ điệp báo Bùi Quang Hiệp; người cựu tù Phú Quốc Thạch Văn Toàn…

Chương trình có một điểm nhấn thú vị, bất ngờ, không chỉ đối với khán giả mà với cả những người trong cuộc. Đó là các thông tin về 1 tổ công tác chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1970 và nhận nhiệm vụ mang vào cho Trung ương cục miền Nam 1 thùng tài liệu đặc biệt bí mật.

Cho tới tận bây giờ, khi đã hoàn thành nhiệm vụ hơn 50 năm, những người chiến sĩ này vẫn không biết trong đó chứa gì. Nhưng, suốt hơn 4 tháng rong ruổi hành quân băng rừng Trường Sơn, thực hiện nhiệm vụ, những người lính ấy đã vượt qua những khắc nghiệt của nắng gió, mưa rừng hỗ trợ nhau trong suốt dọc đường hành quân. Họ không chỉ thực hiện thành công nhiệm vụ áp tải, bảo vệ chuyến hàng đặc biệt ấy mà còn tạo nên những tình bạn đẹp trong gian khó.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi người của đoàn công tác đã theo sự phân công về nhận nhiệm vụ trên những trận tuyến đã được đào tạo để vào chi viện. Từ đó, họ mất tin tức về nhau. Nhưng, 2 trong số họ đã tìm lại được nhau trong thời bình và cùng viết tiếp những câu chuyện đẹp không chỉ về tình đồng chí.

Cũng trong chương trình, khán giả có dịp tìm hiểu nhiều câu chuyện về những lá thư thời chiến, đường đi đặc biệt khó khăn của những lá thư tay của cán bộ chiến sĩ an ninh chi viện miền Nam và những câu chuyện xúc động khác về lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam khi hòa bình lập lại.

Rất nhiều người trong số những người lính ngày ấy đã hy sinh, nhiều người đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ công an ghi nhận chiến công, những cống hiến cho lực lượng và cho đất nước. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về với cuộc sống đời thường, những người còn lại vẫn ở bên nhau, cùng lập nên Ban Liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam, lưu giữ những trang tư liệu, lịch sử về đồng chí đồng đội, giúp đỡ nhau trong cuộc sống…

N.Hoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/cong-an-chi-vien-chien-truong-mien-nam-va-nhung-canh-chim-tiep-lua-639275/