Công an được phép bắn vào phương tiện giao thông

Đó là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ một số phương tiện giao thông đặc thù.

Đó là một trong những nội dung, được ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội nêu lên, khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tại Quốc hội, chiều ngày 31/10.

Bên cạnh đó, theo ông Việt, việc bắn vào phương tiện để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau: Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

Người thi hành nhiệm vụ được phép nổ súng mà không cần cảnh báo nếu đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên...

Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội

Theo ông Võ Trọng Việt, có ý kiến đề nghị luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng.

Có ý kiến đề nghị rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để quy định tại luật này bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, cụ thể, khả thi mà không phải dẫn chiếu sang các luật khác.

Mặt khác, đa số ý kiến tán thành với các quy định về đối tượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị tại dự thảo luật.

Về quy định nổ súng, đa số ý kiến cho rằng khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc: Nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

CSGT đề xuất được tăng thêm quyền sử dụng súng

“Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”, dự thảo nêu rõ.

Trước đó, trong buổi ra quân đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp Quốc khánh, ngày 15/8, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng CSGT cho biết: "Cục đã đề xuất với Quốc hội về việc sửa Pháp lệnh sử dụng súng nhằm tăng quyền cho lực lượng CSGT, giúp lực lượng này vững vàng, bản lĩnh hơn và có năng lực thực sự hơn khi xử lý những tình huống nguy cấp.

Pháp lệnh này nếu sửa đổi sẽ tăng cường việc cảnh sát được dùng súng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân".

Trước thông tin trên trao đổi với Đất Việt, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội khẳng định: "Theo tôi hiểu, đề xuất của cục CSGT muốn sửa lại một số trường hợp được bắn súng, để giúp CSGT chủ động hơn. Nếu nói chung chung như vậy thì không được. Cần làm rõ tăng quyền là tăng ở chỗ nào, tăng trong trường hợp nào.

Hơn nữa, đối tượng làm việc của CSGT là người dân. Vì vậy đừng vì một số trường hợp mà nới lỏng quy định đó, nó có thể vi phạm quyền công dân, quyền con người".

Cùng đưa ra nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam khẳng định cần phải xem xét thận trọng đề xuất này.

“Tôi là người dân, tôi cảm thấy không yên tâm khi CSGT được tăng quyền sử dụng súng. Chúng ta thiếu gì lực lượng trấn áp tội phạm. CSGT nhiệm vụ chính là điều khiển giao thông và xử lý các tình huống giao thông trên đường.

Nếu trong trường hợp nguy cấp, CSGT hoàn toàn có quyền phối hợp với các lực lượng khác như cảnh sát trật tự, cơ động… để trấn áp các đối tượng có hành vi quá khích.

Hơn nữa, CSGT cũng đã có quyền sử dụng súng và được trang bị các công cụ hỗ trợ theo quy định rồi”, ông Thanh nhấn mạnh.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-an-duoc-phep-ban-vao-phuong-tien-giao-thong-3322020/