Công an nhân dân tiến lên hiện đại

Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 tinh nhuệ, hiện đại.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 2 mục tiêu chiến lược: 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045). Dự thảo xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đối với lực lượng CAND, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã nhất trí thông qua các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu chủ yếu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới. Đại hội khẳng định quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đến năm 2030 tinh nhuệ, hiện đại; phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Về phương hướng trong nhiệm kỳ tới, Đại hội xác định: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và hoạt động của lực lượng CAND. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, của các tổ chức đảng trong CAND; xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh mạng trong tình hình mới trên cơ sở tư duy mới và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đổi mới chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển đất nước.

Lực lượng Cảnh sát cơ động với phương tiện cơ giới hiện đại.

Lực lượng Cảnh sát cơ động với phương tiện cơ giới hiện đại.

Qua các đại hội, nhất là từ Đại hội VIII đến nay, Đảng ta đều xác định rõ 4 mục tiêu cơ bản, xuyên suốt là: Xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” khẳng định: “Xây dựng QĐND và CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc”.

Những quan điểm này cũng được cụ thể hóa tại Điều 67, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Như vậy, mục tiêu “từng bước hiện đại” đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng và văn bản của Nhà nước không phải chỉ mới từ nhiệm kì này. Mục tiêu nêu “từng bước” chứ không xác định rõ mốc thời gian cụ thể là khi nào. Lần này, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương đặt ra mục tiêu cụ thể vào năm 2030, tương ứng với thời điểm 100 năm thành lập Đảng.

Thực tế, trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nói chung, một số lực lượng trong CAND nói riêng đã được chú trọng đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại, thay cho nhịp độ “từng bước hiện đại” nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Đây cũng là yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng CAND vững mạnh toàn diện, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Điển hình như lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) với Đề án hiện đại hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Bộ Tư lệnh CSCĐ là đơn vị nòng cốt, có chức năng thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, trật tự trên phạm vi toàn quốc; xây dựng, tổ chức diễn tập các phương án tác chiến, bảo vệ mục tiêu và trực tiếp tổ chức diễn tập các phương án tác chiến, trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, tổ chức bảo vệ các mục tiêu, chuyến hàng đặc biệt, hội nghị, sự kiện quan trọng; tổ chức quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ theo quy định.

Xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Bộ Tư lệnh CSCĐ hiện nay gồm có 4 lực lượng: Lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng cảnh sát đặc nhiệm; lực lượng cảnh sát bảo vệ mục tiêu và lực lượng cảnh sát huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ. Ở Công an TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bố trí Trung đoàn CSCĐ; ở các tỉnh, thành phố còn lại bố trí tiểu đoàn, đại đội CSCĐ. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ công an các địa phương bố trí theo các vùng chiến lược, các địa bàn trọng điểm, đảm bảo khoa học, tạo nên thế trận an ninh vững chắc, đáp ứng yêu cầu cơ động, tiếp ứng nhanh chóng khi có tình huống xảy ra.

Thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, công tác bảo đảm an ninh trật tự đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động khó lường, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống đặt ra những thách thức đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong khi đó, diễn biến nhiều loại tội phạm rất phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm.

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, yêu cầu đặt ra trong công tác công an là phải giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN. Chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống con người, là tiêu chí trong đánh giá sự ổn định và phát triển ở từng địa phương. Bảo đảm an ninh là yêu cầu nghiêm ngặt nhất, phải chuyển sang việc chủ động phòng ngừa là chính, bảo vệ an ninh từ xa, từ sớm. Phải chăm lo xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc trên từng lĩnh vực, địa bàn; thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với QĐND, các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia.

Nguyễn Thành

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cong-an-nhan-dan-tien-len-hien-dai-627830/